PVD lỗ quý thứ 3 liên tiếp do giảm mạnh các khoản lợi nhuận từ các dịch vụ liên quan đến khoan và lợi nhuận từ các công ty liên doanh do giảm doanh thu; chi phí tài chính tăng mạnh do tỷ giá USD tăng.
>>>Phát triển ngành dầu khí: Xây dựng chính sách cần đề cập đến tính thực thi
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022, Tổng Công ty CP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí - PV Drilling (HoSE: PVD) ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 1.242 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán lên 1.125 tỷ đồng, khiến lợi nhuận gộp về chỉ còn 117 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp cũng giảm từ 12% xuống còn 9%.
Trong kỳ, doanh thu tài chính của doanh nghiệp chỉ đạt 26 tỷ đồng, giảm 53% so với cùng kỳ, trong khi đó, chi phí tài chính lăng mạnh 104%, lên 87 tỷ đồng, chủ yếu là khoản lỗ tỷ giá với hơn 41 tỷ đồng. Các chi phí khác như chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng mạnh, khiến lợi nhuận trước thuế và sau thuế của doanh nghiệp lần lượt ghi nhận lỗ 44 tỷ đồng và 55 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 69 tỷ đồng và 56 tỷ đồng. Đây cũng là quý thua lỗ thứ 3 liên tiếp của PV Drilling.
Theo giải trình từ PV Drilling, doanh thu tăng do đơn giá cho thuê giàn khoan và hiệu suất sử dụng giàn khoan tự nâng sở hữu tăng so với cùng kỳ; Đóng góp doanh thu của giàn khoan PV Drilling đang thực hiện chiến dịch khoan cho Brunei Shell Petroleum. Ngoài ra, doanh thu còn tăng từ giàn thuê và từ việc cấn trừ giảm doanh thu các dịch vụ liên quan đến khoan do khối lượng công việc giảm.
Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế vẫn ghi nhận âm do giảm mạnh các khoản lợi nhuận từ các dịch vụ liên quan đến khoan và lợi nhuận từ các công ty liên doanh do giảm doanh thu. Bên cạnh đó, chi phí tài chính tăng mạnh do tỷ giá đồng USD tăng, cũng như biến động Libor làm tăng chi phí lãi vay.
Lũy kế 9 tháng, PV Drilling ghi nhận doanh thu đạt 3.923 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 202 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái chỉ lỗ 13 tỷ đồng. Với kết quả này, doanh nghiệp ngành dịch vụ khoan dầu khí còn ở khá xa so với kế hoạch lãi 37 tỷ đồng của năm 2022.
Tại thời điểm cuối quý III, tổng tài sản của PV Drilling đạt 20.897 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm, trong đó gần 1.500 tỷ là khoản tiền và tương đương tiền. Nợ phải trả đạt hơn 6.700 tỷ đồng trong đó nợ vay chiếm hơn 3.900 tỷ đồng, phần lớn là nợ dài hạn. Vốn chủ sở hữu đạt trên 14.189 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối quý III, doanh nghiệp còn hơn 407 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Ở một diễn biến khác, mặc dù kết quả kinh doanh liên tục thua lỗ, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn trong tháng 9, nhóm nhà đầu tư nước ngoài thuộc Dragon Capital đã liên tục mua gom hàng triệu cổ phiếu PVD. Qua đó, tăng tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp này lên 8,09% vốn điều lệ, tương ứng lượng nắm giữ xấp xỉ 45 triệu cổ phiếu.
Động thái mua gom cổ phiếu PVD của Dragon Capital diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu của doanh nghiệp ngành dịch vụ dầu khí này chững lại sau nhịp hồi phục khá mạnh từ đáy hồi tháng 7 vừa qua. Thị giá cổ phiếu PVD chốt phiên giao dịch ngày 4/11 đạt 16.950 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 44% so với đỉnh giá hồi tháng 3/2022.
>>>Cần cơ chế mới để ngành dầu khí phát triển đột phá
Hiện tại, cổ phiếu PVD đang nằm trong danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin) của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE). Nguyên nhân do lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 6 tháng năm 2022 là số âm gần 116 tỷ đồng.
Theo Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC), các giàn khoan của PVD được đảm bảo việc làm trong thời gian tới. Lịch trình khoan tự nâng sẽ tích cực hơn nhờ vào sự gia tăng chi tiêu vốn cho hoạt động thăm dò và sản xuất (E&P) ở Đông Nam Á.
Do đó, BSC cho rằng các hoạt động khoan của PVD sẽ còn tiếp tục phục hồi khi lịch trình khoan đã được lấp đầy ít nhất cho tới hết năm nay. Trong đó, giàn PVD I và PVD III đã ký hợp đồng dài hạn từ giữa năm 2021, và sẽ tiếp tục thực hiện khoan cho đến năm 2023. Trong khi đó, giàn PVD II và PVD VI sẽ được gia hạn và ký mới cho các chiến dịch khoan tại Premier Oil Indo, Hoàng Long – Hoàn Vũ JOC (HLHV), và Premier Oil Vietnam Offshore (POVO) kể từ nửa cuối năm 2022.
Bên cạnh đó, giàn khoan TAD sau thời gian dài không có việc làm đã được tái khởi động trở lại, với giá thuê giàn trung bình là 90,000 USD/ngày, cũng sẽ đóng góp vào dòng tiền hoạt động cho PVD trong thời gian tới.
BSC đánh giá, nguồn cung từ các hoạt động khai thác dầu thô vẫn chưa có sự cải thiện. Trong vòng 5 năm qua, số lượng giàn khoan tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương không hề tăng, thậm chí còn giảm nhẹ. Nguyên nhân chính là bởi chi phí vốn đầu tư (CAPEX) cho các giàn khoan khai thác dầu thô là tương đối lớn, trong khi giá dầu thô có xu hướng biến động mạnh. Do đó, BSC cho rằng nguồn cung về giàn khoan khai thác trong thời gian tới sẽ khó tăng lên trong ngắn hạn, bất chấp giá dầu hồi phục và nhu cầu tiêu thụ dầu thô tăng trở lại sau đại dịch.
“Trong bối cảnh giá dầu vẫn đang duy trì cao hơn mức hòa vốn sản xuất (khoảng 55 USD/thùng), nhu cầu đối với các hoạt động thượng nguồn dự kiến sẽ tiếp tục tăng cao, dẫn đến giá ngày được cải thiện và khối lượng công việc nhiều hơn cho PVD. Với việc các giàn khoan dự kiến có việc làm đầy đủ cho tới hết năm, BSC dự báo hiệu suất hoạt động các giàn khoan tự nâng của PVD sẽ đạt mức trung bình 81% cho cả năm 2022, và 88% cho năm 2023”, BSC dự báo.
Có thể bạn quan tâm
Phát triển ngành dầu khí: Xây dựng chính sách cần đề cập đến tính thực thi
00:06, 20/10/2022
Luật Dầu khí (sửa đổi) cần đáp ứng yêu cầu thực tiễn về phát triển ngành dầu khí
12:46, 15/06/2022
Cần cơ chế mới để ngành dầu khí phát triển đột phá
02:23, 04/06/2022
Chiến sự Nga - Ukraine và dự báo của ngành dầu khí Việt Nam
05:00, 22/04/2022
Chiến sự Nga - Ukraine tác động tiêu cực tới ngành dầu khí Việt Nam
05:00, 21/04/2022