Mô hình kinh doanh căn hộ ngắn ngày đang phát triển nở rộ trong vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực thì mô hình này đang đối diện với nhiều rủi ro về công tác quản lý.
>>> Luật Nhà ở (sửa đổi): Bớt “giấy phép con” cho doanh nghiệp
Theo báo cáo mới đây của Batdongsan.com.vn, về loại hình chung cư cho thuê tại Hà Nội trong quý II/2023, mức độ quan tâm giảm 6% so với quý đầu năm nay. Song giá thuê đã tăng 18% so với quý III/2019. Đáng chú ý, giá cho thuê chung cư tại quận Bắc Từ Liêm trong quý III/2023 tăng 6% so với quý I/2023.
Giá thuê chung cư tăng mạnh đã khiến nhiều người dù đã thuê lâu nhưng cũng phải ngậm ngùi chuyển đến một khu vực khác rẻ hơn. Cùng với đó, nhiều chung cư cũng đối mặt với tình trạng ế khách. Tuy nhiên, nhiều chủ nhà vì không muốn giảm giá thuê nên đã chuyển sang mô hình kinh doanh cho thuê căn hộ ngắn ngày. Khách thuê có thể thuê theo giờ, ngày, tuần hoặc tháng để có thể nghỉ ngơi. Với mức giá rẻ hơn, chất lượng tốt, thủ tục kết nối và thanh toán đơn giản, nhiều người trẻ có xu hướng chọn thuê căn hộ ngắn hạn (Airbnb) thay vì khách sạn.
Anh Nguyễn Hưng Thịnh, chủ nhân chuỗi căn hộ cho thuê tại Tây Mỗ (Hà Nội) chia sẻ anh đã thuê lại dài hạn 4 căn chung cư và lắp đặt nội thất cơ bản để đầu tư cho thuê ngắn ngày. Anh đăng ký dịch vụ Airbnb đồng thời tự chạy quảng cáo trên mạng xã hội để tìm khách. Mỗi căn hộ Studio (căn hộ loại nhỏ, không phân chia không gian, diện tích tối đa khoảng 60m2) cho thuê với giá 600 ngàn đồng vào đầu tuần và 700 ngàn đồng vào cuối tháng.
Kinh doanh được hơn một năm, nhà đầu tư này cho biết lợi nhuận ròng đạt khoảng 20%, sau khi đã trừ đi các khoản trả tiền thuê nhà, dọn dẹp hay quảng cáo. “Chỗ mình chủ yếu phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước, khách công tác,... Do mức giá không chênh lệch quá nhiều so với khách sạn mà khách thuê được tự do nấu ăn, có không gian nấu ăn, hưởng các dịch vụ tiện ích khác của toà nhà như siêu thị, hồ bơi, phòng gym,.. nên phòng luôn có khách cả tuần, riêng cuối tuần phải đặt trước 1-2 ngày mới có phòng” - anh Thịnh chia sẻ.
Tuy nhiên, mô hình này vô hình chung đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống của cư dân tại các chung cư. Chị Nguyễn Minh Ngọc chia sẻ các khu tiện ích luôn chật kín khách du lịch ngắn ngày, nhất là vào cuối tuần. Trước đây, cư dân chỉ mất khoảng 5 phút chờ thang máy nhưng giờ những đoàn khách lên xuống liên tục, khiến thời gian chờ thang lên 15-20 phút.
Tình trạng ồn ào, mất trật tự khi khách lưu trú thường xuyên lui tới bất kể giờ giấc. Không những thế, việc thiếu kiểm soát trong công tác quản lý còn phát sinh các hoạt động vi phạm pháp luật như tổ chức sử dụng chất kích thích, cờ bạc,... gây tâm lý bất an và ảnh hưởng đến không gian riêng tư của các hộ gia đình trong chung cư.
Theo đánh giá của HoREA, phương thức kinh doanh cho thuê nhà ngắn hạn có triển vọng tăng trưởng cao trong tương lai. Mô hình kinh tế chia sẻ này có mặt tại Việt Nam đã tác động tích cực đến việc thu hút khách du lịch quốc tế và trong nước, nhất là đối tượng có thu nhập không cao, muốn tiết kiệm chi phí lưu trú. Tuy nhiên, phương thức này có nhiều mặt hạn chế như chưa có đầy đủ các quy định pháp luật để quản lý, dẫn đến nhiều hệ quả tiêu cực như làm thất thu ngân sách nhà nước; ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, thậm chí có những trường hợp dùng nhà thuê ngắn hạn để hoạt động tội phạm.
Chia sẻ với PV, ông Lê Xuân Vinh - Hiệp hội Khách sạn phố cổ Hà Nội cho biết, ở các nước trên thế giới, nếu muốn kinh doanh theo mô hình Airbnb thì phải đăng ký kinh doanh, có mã số thuế và nộp thuế đầy đủ. Người cho thuê nhà chỉ được cho thuê trong một khoảng thời gian nhất định trong năm, theo thỏa thuận với chính quyền địa phương hoặc với cư dân. Còn theo quan điểm của các cư dân chung cư, họ không can thiệp việc kinh doanh của cá nhân, tổ chức nào, tuy nhiên cần phải có sự quản lý chặt chẽ từ cơ quan chức năng, tránh tình trạng phát sinh nhiều nguy cơ mất an toàn.
Mới đây, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu có văn bản góp ý một số điều của dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi. Trong đó, HoREA đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định không cấm “chủ sở hữu căn hộ cho thuê lưu trú du lịch theo ứng dụng Airbnb và có đăng ký kinh doanh, nộp thuế và phải chịu trách nhiệm quản lý khách thuê lưu trú du lịch chấp hành nội quy nhà chung cư”.
Theo ông Châu, trên thực tế đã có rất nhiều chủ sở hữu nhà chung cư đã dành một phần căn hộ để cho thuê lưu trú du lịch (ở cùng chủ nhà) hoặc dành cả căn hộ để cho thuê. Hoạt động kinh doanh này không cấm được, nên khoản 11 Điều 6 Luật Nhà ở 2014 quy định cấm chủ sở hữu nhà chung cư “sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở” không thực hiện được trên thực tế.
HoREA cũng kiến nghị với Bộ Xây dựng nên tìm được giải pháp phù hợp cho phương thức cho thuê nhà ngắn hạn, sử dụng dịch vụ Airbnb để làm sao vừa hút khách, vừa hỗ trợ kích cầu cho thị trường nhà chung cư trong bối cảnh thị trường ảm đạm như hiện nay. Theo đó, cần được luật hóa cụ thể, cần phải sửa Luật Nhà ở 2014, điều chỉnh Luật này cần được Quốc hội xem xét và thông qua.
Có thể bạn quan tâm