Quan hệ Mỹ - Ấn Độ: Làn gió mới làm thay đổi cục diện châu Á?

Cẩm Anh 27/02/2020 07:02

Chuyến đi của Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Ấn Độ vừa qua đã phát đi một thông điệp rõ ràng về sự hợp tác ngày càng sâu rộng giữa hai quốc gia.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và phu nhân trong chuyến công du đến Ấn Độ vừa qua

Tổng thống Mỹ Donald Trump và phu nhân cùng Thủ tướng Narendra Modi trong chuyến công du đến Ấn Độ vừa qua

Có thể thấy, Ấn Độ và Mỹ đi từ trạng thái vô cùng lạnh nhạt với nhau tới việc hợp tác vô cùng chặt chẽ trên nhiều vấn đề chiến lược. Mối quan hệ này được sinh ra từ ý thức chung về các giá trị, mối quan tâm chung về sự trỗi dậy của Trung Quốc và một nhận thức chung rằng người Mỹ và Ấn Độ cần phải hợp tác để giải quyết những thách thức lớn như biến đổi khí hậu và khủng bố xuyên quốc gia.

Về mặt kinh tế, trước đây, vào thời điểm những năm 2015, quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ đang phát triển mạnh mẽ. Thương mại giữa hai nước đã liên tục mở rộng và lên tới hơn 120 tỷ USD. Ấn Độ cũng được xem là điểm đến đầu tư của nhiều doanh nghiệp Mỹ và đồng thời, Mỹ cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ về hàng hóa và dịch vụ.

Có thể bạn quan tâm

  • Diễn biến khác của

    Diễn biến khác của "cuộc chiến bầu trời" Mỹ-Trung

    12:00, 20/02/2020

  • Chiến lược đặc biệt của ngành xe hơi Ấn Độ

    Chiến lược đặc biệt của ngành xe hơi Ấn Độ

    06:00, 02/01/2020

  • Gam

    Gam "màu xám" của kinh tế ASEAN, Ấn Độ năm 2020

    06:45, 26/12/2019

  • RCEP và những toan tính chính trị

    RCEP và những toan tính chính trị

    10:08, 11/12/2019

  • Vì sao Ấn Độ rút khỏi Hiệp định RCEP?

    Vì sao Ấn Độ rút khỏi Hiệp định RCEP?

    07:00, 06/11/2019

Bằng chuyến công du mới nhất của Tổng thống Trump đến Ấn Độ, mối quan hệ giữa hai quốc gia sẽ trên đà phát triển mạnh mẽ trở lại và có khả năng làm thay đổi cục diện tại châu Á. Cả hai quốc gia đều đã đủ niềm tin vào nhau trong những năm gần đây để bắt đầu mở rộng hợp tác sang nhiều lĩnh vực quan trọng. 

Rộng lớn, đông dân và giàu tài nguyên, xét theo tất cả các biểu hiện bề ngoài, Ấn Độ là một cường quốc đã sẵn sàng. Và với tư cách là nền dân chủ lớn nhất thế giới, theo những hi vọng đó, nước này hứa hẹn sẽ trở thành đối tác quan trọng của Mỹ vào thời điểm cuộc cạnh tranh giữa các bên thách thức đang ngày càng gia tăng. 

Bên cạnh đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hiểu rõ lợi ích kinh tế và những tiềm năng to lớn đến từ mối quan hệ đối tác mạnh mẽ với Mỹ. Ông đã đầu tư rất nhiều vào việc phát triển tình bạn cá nhân với Cựu Tổng thống Obama và Tổng thống Trump. Các chuyên gia cho rằng, việc tập trung vào mối quan hệ với Mỹ cũng là một trong những nhân tố thúc đẩy việc Ấn Độ từ bỏ tham gia RCEP. 

Đối với Tổng thống Trump, Ấn Độ đại diện cho một dẫn chứng thành công quan trọng rằng Mỹ có thể đạt được các thỏa thuận thương mại khó nhằn mà không cần phải sử dụng các biện pháp căng thẳng chính trị hoặc mâu thuẫn giữa các nhà lãnh đạo. Bản thân Tổng thống Trump cũng đang xây dựng mối quan hệ cá nhân vững chắc với Thủ tướng Modi như một trụ cột quan trọng của ngoại giao Mỹ-Ấn.

Cùng với đó, các điều kiện địa kinh tế và chính trị đã thúc đẩy Mỹ và Ấn Độ hướng tới mối quan hệ hợp tác chặt chẽ trong hai mươi năm qua để đối phó với những lo ngại do tầm ảnh hưởng của Trung Quốc gây ra. Các chuyên gia nhận định, nếu Ấn Độ có thể trở thành một đồng minh lớn của Mỹ trong khu vực như Mexico hay Nhật Bản và cùng tiến hành những hoạt động như nghiên cứu, hợp tác địa chính trị và quân sự, điều này sẽ có những tác động đáng kể đối với cán cân quyền lực tại châu Á. 

Và điều này đang dần trở nên khả thi. Với tuyên bố chung gần đây mang tên gọi “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, cả hai quốc gia Ấn Độ và Mỹ đã có một tầm nhìn chung chiến lược. Lợi ích quốc gia của Ấn Độ và Hoa Kỳ đang hội tụ. Điều này không chỉ làm tăng khả năng hợp tác giữa hai nước để thúc đẩy thị trường tự do, giải quyết các tranh chấp ở hai quốc gia mà còn tiến tới việc xây dựng một mạng lưới hợp tác xuyên lục địa.

Như Robert D. Blackwill, cựu Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ nhận định, sự năng động về kinh tế và nhân khẩu của châu Á, tầm quan trọng của các tuyến đường biển đối với các dòng chảy thương mại và năng lượng toàn cầu, sự hợp tác chiến lược giữa Mỹ và Ấn Độ sẽ góp phần ổn định tình hình cũng như đảm bảo hòa bình và thịnh vượng trong khu vực trong bối cảnh nhiều cường quốc muốn mở rộng sự hiện diện quân sự vào Ấn Độ Dương sau khi Mỹ rút khỏi Afghanistan.

Mặc dù vậy, đây vẫn chỉ là sự khởi đầu. Cả hai quốc gia cần phải tiến hành nhiều bước để tạo sự gắn kết như kỳ vọng. Washington và New Delhi cần phải cố gắng tạo dựng một mối quan hệ đối tác hướng tới các lợi ích chung. New Delhi cần kết hợp các nỗ lực kinh tế và chính trị để tự biến mình thành một cường quốc đồng minh có tiềm lực mạnh mẽ của Mỹ như Hàn Quốc hoặc Nhật Bản. Và mối quan hệ này đang có tiềm năng sẽ mang lại sự thay đổi mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quan hệ Mỹ - Ấn Độ: Làn gió mới làm thay đổi cục diện châu Á?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO