VCCI

Quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc còn nhiều dư địa tăng trưởng

Quân Bảo 17/10/2024 09:23

8 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt xấp xỉ 131 tỷ USD. Hai bên đang phấn đấu sớm đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 200 tỷ USD.

Tại “Hội nghị giao ban hiệp hội, gặp gỡ, giao lưu hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc” chủ đề “Tăng cường hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp phát triển đầu tư, kinh doanh tại thị trường Trung Quốc – Việt Nam” ngày 16/10/2024 tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI bày tỏ sự trân trọng đối với mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc.

img_1804.jpg
Ông Võ Tân Thành: "Quan hệ thương mại Việt - Trung còn nhiều dư địa phát triển"

Theo ông, sau hơn 15 năm kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện từ năm 2008 đến nay, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đã có bước phát triển mạnh mẽ và đạt thành quả quan trọng. Lãnh đạo cấp cao hai bên đã nhất trí xác lập định vị mới cho quan hệ song phương, ra Tuyên bố chung về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.

Đặc biệt, chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Trung Quốc từ ngày 18 đến ngày 20/08/2024 vừa qua với 14 văn kiện hợp tác được ký kết giữa các bộ, ngành và địa phương 2 nước là hoạt động đối ngoại đặc biệt quan trọng giữa Việt Nam và Trung Quốc trong năm nay. Và mới đây, nhận lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Lý Cường đã thăm Việt Nam từ ngày 12 đến ngày 14/10.

Sự củng cố hơn nữa về quan hệ chính trị giữa hai nước đã có tác động to lớn đối với xu thế phát triển của quan hệ song phương theo hướng ngày càng thực chất, vững chắc, toàn diện trên mọi lĩnh vực, trong đó có quan hệ thương mại và đầu tư.

Ông Thành cho biết, về quan hệ thương mại, Trung Quốc liên tục duy trì là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và đối tác thương mại lớn thứ 5 của Trung Quốc trên thế giới (sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga).

Năm 2023, thương mại song phương giữa hai nước đạt hơn 171,9 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt hơn 61,3 tỷ USD, tăng 5,6% và chiếm 17,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt hơn 110,6 tỷ USD, giảm 6,6% và chiếm 33,9% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.

Riêng trong 8 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt xấp xỉ 131 tỷ USD tăng 23,7%. Trong đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã nhập khẩu hàng hóa với trị giá hơn 92,5 tỷ USD từ Trung Quốc, tăng 34,2% so với cùng kỳ năm 2023; và xuất khẩu sang Trung Quốc đạt gần 38,3 tỷ USD, tăng 3,9%.

Đáng chú ý, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc hơn 54,2 tỷ USD, tăng 69% so với cùng kỳ năm 2023 và hơn mức nhập siêu của cả năm 2023 trên 4,8 tỷ USD (năm 2023, Việt Nam nhập siêu từ thị trường Trung Quốc hơn 49,3 tỷ USD).

Phần lớn hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc bao gồm: máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất. Ngược lại, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc các mặt hàng như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại di động và linh kiện, máy mọc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, hàng nông sản...

“Có thể thấy, quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc còn nhiều dư địa tăng trưởng, dựa trên nhiều thỏa thuận hợp tác song phương, cũng như các hiệp định thương mại đa phương như ACFTA, RCEP. Hai bên đang phấn đấu sớm đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 200 tỷ USD trong thời gian tới”, ông Thành nói.

Về quan hệ đầu tư, tính đến ngày 31/8/2024, Trung Quốc xếp thứ 6 trên 149 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 4.865 dự án, tổng vốn đăng ký trên 29,1 tỷ USD.

Ông Thành cũng chỉ ra, cơ cấu đầu tư của dòng vốn FDI Trung Quốc đang có sự dịch chuyển đáng kể. Vốn FDI Trung Quốc vào Việt Nam trước đây thường tập trung vào công nghiệp chế biến chế tạo, các ngành nghề sản xuất, gia công đồ gỗ gia dụng, giày da, may mặc, v.v..

Tuy nhiên, gần đây vốn FDI Trung Quốc chuyển dịch sang các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, linh kiện, phụ tùng cho sản xuất công nghiệp, điện tử, ô tô, năng lượng xanh, v.v..

Là cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư quốc gia, Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) luôn phối hợp chặt chẽ với Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại TPHCM, hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc và các chi hội tại Việt Nam, các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam để triển khai các hoạt động cụ thể, thực chất góp phần hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hai bên. VCCI nhận thấy trong những năm qua, hiệp hội doanh nghiệp hai nước đã phát huy vai trò ngày cảng lớn trong liên kết doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp hai bên tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh.

Do vậy, việc tăng cường gắn kết giữa VCCI với các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam và Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc sẽ góp phần quan trọng vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp hai bên ngày càng tốt hơn.

“Tôi tin tưởng rằng, buổi gặp gỡ, giao lưu hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc hôm nay không những tạo cơ hội để các bên trao đổi trực tiếp các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm, mà còn thúc đẩy hình thành nhóm công tác cụ thể, bao gồm đại diện của VCCI, các hiệp hội doanh nghiệp hai bên với vai trò đầu mối, địa chỉ hỗ trợ tin cậy cho các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc muốn tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới”, ông Thành kết luận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc còn nhiều dư địa tăng trưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO