Trong năm 2021, liên tục trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đều có diễn ra nạn khai thác khoáng sản trộm trong đó có sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp với quy mô rất lớn.
Thôn Tân Tụ xã Tân An huyện Đăk Pơ nơi giám ranh với địa bàn thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) được biết là nơi khai thác khoáng sản lậu rất lớn. Theo phản ánh của người dân, có đến gần 10 điểm khai thác đá trái phép quy mô lớn, trang thiết bị, phương tiện khai thác, chế biến hiện đại. Việc khai thác tại đây đã diễn ra trong thời gian dài nhưng chính quyền địa phương “chưa biết” xử lý. Hợp tác xã cải tạo đồng ruộng và chế biến đá xây dựng Lộc Thịnh có địa chỉ tại thôn Tân Tụ được cho là đã "qua mặt chính quyền", tổ chức khai thác đá với quy mô lớn.
Những con đường trong thôn bị xe tải trọng lớn cày nát. Cuộc sống người dân đối mặt với nguy cơ mất an toàn giao thông, khói, bụi từ hoạt động khai thác trái phép này. Ngược lại, việc khai thác khoáng sản trái phép tại đây không được chính quyền xử lý, lợi nhuận tăng nên các đối tượng gia tăng hoạt động.
Lãnh đạo địa phương lý giải, tại địa điểm này trước đây là mỏ đá của Công ty Hoa Sen được cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, sau một thời gian làm ăn thua lỗ, doanh nghiệp được cấp phép đã dừng hoạt động mà không hoàn thổ. Trên những điểm khai thác cũ, các đối tượng đã tận dụng mở rộng phạm vi khai thác.
Ngày 11 tháng 10, ông Nguyễn Trường – Chủ tịch UBND huyện Đăk Pơ đã ra Quyết định xử phạt 45 triệu đồng với cá nhân có hành vi khai thác đá trái phép tại đây.
Trước đó, ngày 21 tháng 9 tại xã Ia Boòng, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) cũng phát hiện một bãi đá bị khai thác trái phép với khối lượng lớn. Tại đây có khoảng 5 xe Kamaz, 2 máy xúc và 5 nhóm người chẻ đá. Ngay sau đó, phóng viên đã liên hệ với UBND xã Ia Boòng, Phòng Tài nguyên Môi trường huyện để thông tin vụ việc. Đến nay, xã Ia Boòng thông tin đã tiến hành xử phạt cá nhân khai thác đá trái phép, với khối lượng bị khai thác là dưới 10m3. Tuy nhiên điều khó hiểu, là các phương tiện tham gia khai thác đá trái phép lại không được thu giữ, mà cơ quan chức năng chỉ tiến hành đo đếm khối lượng đá thành phẩm để làm căn cứ xử phạt.
Tại tỉnh Đắk Nông, Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Kim Lan đã bất chấp các khuyến cáo, cảnh báo của cơ quan chức năng để khai thác, chế biến đá bazan dạng cột, trụ trên quy mô lớn, trong thời gian dài. Mặc dù chỉ được cấp phép khai thác đá xây dựng thông thường tại mỏ đá thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông.
Với hành vi vi phạm trên, Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Kim Lan đã bị xử phạt hành chính với số tiền 80 triệu đồng. Công ty này có trụ sở tại số 19G1, đường Đinh Bộ Lĩnh, phường 26, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh.
Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông gửi công văn yêu cầu UBND huyện Đắk R’Lấp xử lý dứt điểm các vi phạm trong mỏ đá thôn 13 xã Đắk Wer; quản lý chặt khoáng sản (đá bazan) chưa khai thác xung quanh mỏ đá.
Điều này cho thấy, tài nguyên khoáng sản đang bị nhiều tổ chức cá nhân “nhòm ngó” và khai thác lậu. Công tác quản lý của chính quyền địa phương đã thực sự chặt chẽ hay chưa còn là một dấu hỏi, khi hành vi khai thác khoáng sản diễn ra công khai, trong một thời gian dài như thế, nhưng lại không được phát hiện xử lý.
Có thể bạn quan tâm