Bộ Công Thương sẽ ban hành cơ chế giám sát đầu tư nước ngoài trong thương mại điện tử. Đồng thời, đề nghị Chính phủ xem xét sớm ban hành quản lý về hải quan đối với hoạt động này.
Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên tại phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều nay (4/6/2024).
>> TMĐT xuyên biên giới: Sân chơi rộng mở của các doanh nghiệp Việt
Tại phiên chất vấn, đại biểu Lê Thị Thanh Lam, Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Hậu Giang cho biết, các hoạt động xuất, nhập khẩu qua thương mại điện tử đang phát triển và Bộ Công Thương được giao xây dựng chính sách quản lý các giao dịch trong hoạt động thương mại điện tử đối với hàng xuất, nhập khẩu. Đại biểu Lê Thị Thanh Lam đề nghị Bộ trưởng cho biết các chính sách ban hành thời gian qua và trước khi ban hành chính sách đó, việc quản lý các doanh nghiệp trong thương mại điện tử đối với hàng xuất nhập khẩu được thực hiện như thế nào?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Thị Thanh Lam, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, quản lý hoạt động xuất nhập khẩu trên môi trường thương mại điện tử rất khó. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội để ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, phê duyệt Đề án chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử; tham mưu chính sách quản lý thông tin giao dịch thương mại điện tử đối với hàng xuất nhập khẩu…
“Thời gian tới, để tăng cường quản lý thương mại điện tử đối hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ sẽ đẩy mạnh cơ chế kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ ngành và các địa phương; ban hành cơ chế giám sát đầu tư nước ngoài trong thương mại điện tử. Đồng thời đề nghị Chính phủ xem xét sớm ban hành quản lý về hải quan đối với hoạt động xuất nhập khẩu thương mại điện tử, tách bạch hàng hóa thông thường và hàng hóa thương mại điện tử; bỏ quy định miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng đối với hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng; tăng cường kiểm tra, xử lý về nguồn gốc để tránh hàng giả”, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho hay.
Liên quan đến vấn đề thương mại xuyên biên giới đặt ra nhiều rủi ro đối với nền kinh tế và doanh nghiệp trong nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, Bộ Công Thương đã khuyến nghị các doanh nghiệp và người sản xuất ở trong nước cần phải chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm để đủ sức cạnh tranh với các hàng ngoại nhập, đồng thời, đẩy mạnh triển khai “Cuộc vận động Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” và thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, trong hoạt động xuất khẩu trực tuyến thường xuyên tổ chức các cuộc thanh, kiểm tra, kiểm soát về nguồn gốc xuất xứ để tránh hàng giả, hàng kém chất lượng nhập khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đề xuất Chính phủ sớm ban hành nghị định về quản lý hải quan; sửa đổi quy định miễn thuế giá trị gia tăng; có cơ chế, chính sách khuyến khích, ràng buộc các doanh nghiệp về sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; tăng cường kiểm soát nguồn gốc xuất xứ; khuyến khích, hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam tận dụng xuất khẩu trực tuyến…
Đồng thời, đề xuất Chính phủ có cơ chế ưu đãi về tín dụng, về thuế cho doanh nghiệp để có thể xây dựng được kho bãi, trung tâm logistics ở vùng biên giới và địa phương nên dành những quỹ đất hợp lý để hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng các kho ngoại quan và hạ tầng logistics để đáp ứng được yêu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của mình.
>> Thời kỳ “vàng” cho thương mại điện tử xuyên biên giới
Xoay quanh vấn đề này, đại biểu Nguyễn Đại Thắng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên chia sẻ, hiện nay, chi phí logistics chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng giá thành hàng hóa làm ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh xuất khẩu của các doanh nghiệp. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết định hướng giải pháp cục bộ trong thời gian tới để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu có hiệu quả hơn?
Về vai trò của dịch vụ logistics trong góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, thời gian qua, hoạt động này còn một số hạn chế. Đó là nhận thức về vai trò, vị trí của logistics còn khác nhau dẫn đến triển khai không đồng bộ; một số quy định chồng chéo và chưa phù hợp; cơ sở hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông chưa được đầu tư xứng đáng.
“Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục trình Chính phủ về chiến lược phát triển logistics trong giai đoạn tới, ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ, bảo đảm kết nối trong nước và quốc tế. Đồng thời, phát triển dịch vụ logistics gắn liền với phát huy tối đa lợi thế về địa lý, đặc điểm tự nhiên của vùng. Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và hội nhập quốc tế; xây dựng cái đội ngũ nhân lực đủ sức để đáp ứng yêu cầu của ngành này phát triển trong tương lai”, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Mở "cánh cửa" TMĐT xuyên biên giới cho doanh nghiệp Việt
17:39, 22/05/2024
The Canopy Residences - “Bản giao hưởng” phong cách Singapore đến từ cú bắt tay xuyên biên giới
10:30, 21/05/2024
TMĐT xuyên biên giới: Sân chơi rộng mở của các doanh nghiệp Việt
04:50, 25/05/2024
Thời kỳ “vàng” cho thương mại điện tử xuyên biên giới
01:30, 15/03/2024
“Đại dương xanh” xuyên biên giới: Cơ hội từ thị trường 119 tỷ USD
11:20, 01/04/2024