Trạng thái bất thường hiện nay đang đòi hỏi sự điều chỉnh phương thức lãnh đạo và quản lý ở mọi cấp độ, cả khu vực công và khu vực tư nhân.
>>Quản trị quốc gia vì hạnh phúc của nhân dân
Cũng có nghĩa, những quy trình và thói quen hay thông lệ ra quyết định điều hành trong điều kiện bình thường cần phải được điều chỉnh để cả hệ thống quản trị quốc gia có thể thích ứng linh hoạt và thành công với bối cảnh bất định và không chắc chắn.
Những thành công trong phòng chống dịch bệnh COVID-19 ở Việt Nam từ đầu năm 2020 đến giữa năm 2021 dựa trên nguyên tắc tối thượng là “bảo vệ sức khỏe toàn dân”. Chính quyền với đội ngũ công vụ và các lực lượng chuyên môn đã hoạt động hiệu quả để bảo vệ lợi ích công – đó là sự an toàn sức khỏe cộng đồng. Hẳn nhiên, khi đề cao việc bảo vệ lợi ích tập thể thì chúng ta cũng phải chấp nhận có thể phải tạm thời hy sinh lợi ích của các chủ thể cá nhân hay tổ chức (doanh nghiệp). Tuy nhiên, đứng trước một hiện tại còn nan giải và tương lai không chắc chắn, phương thức quản lý và ứng phó dịch bệnh chỉ dựa trên lợi ích tập thể sẽ bộc lộ bất cập.
Trạng thái bất thường và khó lường hiện nay đòi hỏi các nhà lãnh đạo ở mọi cấp độ phải có tư duy quản trị. Đó là phương thức tư duy và điều hành hệ thống quản trị quốc gia linh hoạt, hướng đến bảo vệ các lợi ích đa dạng, thỏa mãn các mong đợi của số đông người dân, chứ không chỉ nhằm đạt được các mục tiêu chính sách do chính quyền đề ra. Cũng có nghĩa, lợi ích công hay lợi ích tập thể không còn là cơ sở duy nhất cho các quyết định quản trị. Thay vào đó, tôn trọng và bảo vệ các lợi ích đa dạng, cả công và tư, chính là cơ sở cho sự vận hành linh hoạt của cả hệ thống phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế.
Trong thời đại hiện nay, kỹ thuật - công nghệ là một công cụ quản trị quan trọng, phổ biến trong quản trị quốc gia (Trung tâm Điều hành và Giám sát thông minh (IOC) tỉnh Bình Phước. Ảnh: TTXVN)
Với nguyên lý quản trị quốc gia linh hoạt lợi ích, dù vẫn giữ vai trò chủ đạo, chính quyền không còn là chủ thể duy nhất trong quá trình ứng phó dịch bệnh. Thay vào đó, nỗ lực kiểm soát đại dịch COVID-19 hiện nay đòi hỏi sự hợp tác đa chủ thể, mô hình đa trung tâm, và nhiều cấp độ. Bên cạnh việc duy trì cấu trúc ứng phó dịch bệnh thống nhất trên cả nước, chiến lược “sống chung với dịch bệnh” cũng đòi hỏi sự phân quyền, phi tập trung, khả năng tự tổ chức và tự chèo lái của các chủ thể. Quản trị linh hoạt lợi ích chính là cơ sở để huy động sự tham gia của mọi chủ thể và thành phần trong xã hội, qua đó chia sẻ trách nhiệm và nguồn lực để cùng chính quyền từng bước đẩy lui và kiểm soát được dịch bệnh.
>>Hướng đến nền quản trị quốc gia hiện đại
Linh hoạt phòng chống dịch bệnh đặt ra nhu cầu phân cấp, phân quyền, và trách nhiệm cho các địa phương cũng như từng đơn vị, tổ chức nhằm chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó. Chiến lược này không chỉ giúp chúng ta huy động được nguồn lực bền vững mà còn có thể vừa bảo đảm an toàn sức khỏe vừa hiệu quả trong phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, để tránh tư duy vị kỷ, đùn đẩy trách nhiệm cũng như sự phân tán trong hành động, cơ quan phòng chống dịch bệnh quốc gia cần bám sát tình hình và kịp thời xử lý các tình huống phát sinh, qua đó bảo đảm sự thống nhất và nhất quán trong hành động của các chủ thể đa dạng.
Bước tiến trong đổi mới quản trị quốc gia. Nguồn: Bộ Công an
Trên tất cả, để vượt qua trạng thái bất thường hiện nay, lòng tin của từng người dân là yếu tố cần được duy trì và liên tục vun đắp. Mỗi cá nhân trong xã hội phải được thuyết phục rằng chúng ta đang cùng hành động tập thể và chúng ta sẽ thành công trong ứng phó dịch bệnh, vượt qua tình huống nan giải hiện nay. Cũng có nghĩa, các nhà lãnh đạo ở mọi cấp độ không chỉ phải kiên định quan điểm mà còn phải nhất quán giữa tuyên bố và hành động. Mọi sự khuất tất, tiêu cực, hay toan tính vị kỷ cho đơn vị, tổ chức, ngành hay cho địa phương mình cần phải loại bỏ. Mọi sự vi phạm đối với các giá trị nền tảng như: công khai, minh bạch; hợp tác và đoàn kết, bình đẳng, công bằng…cần được xử lý nghiêm khắc.
Những bài học trong lịch sử đất nước cho thấy, khi mỗi người dân và các nhà lãnh đạo cùng đồng lòng hướng đến mục tiêu chung và lòng tin tập thể được giữ vững thì chúng ta sẽ vượt qua mọi nguy nan hay thách thức.
Có thể bạn quan tâm
Diễn đàn cải cách 2021-2025 (Bài 18): Quản trị quốc gia trong thế giới biến đổi
04:10, 18/12/2021
DIỄN ĐÀN CẢI CÁCH 2021-2025 (Bài 17): Quản trị quốc gia vì hạnh phúc của nhân dân
04:10, 20/11/2021
Nâng cao năng lực quản trị quốc gia để “bứt phá” sau đại dịch
05:15, 28/10/2021
Bầu cử Quốc hội và khát vọng Việt Nam (Bài 2): Hướng đến nền quản trị quốc gia hiện đại
07:00, 09/05/2021