Theo TS. Cấn Văn Lực, để thị trường tài chính lành mạnh, cần chú trọng hơn đến rủi ro hệ thống tài chính lan truyền giữa khu vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và bất động sản.
>>JPMorgan: Chiến sự Nga – Ukraine làm chao đảo thị trường tài chính toàn cầu
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, trong hai năm vừa qua, thị trường tài chính thế giới đã có nhiều biến động, nhưng điểm tích cực là đã trụ vững hơn so với những giai đoạn khủng hoảng trước. Trong đó, cú sốc về dịch bệnh COVID-19 chỉ được coi là cú sốc ngắn hạn, nên sau khi kinh tế phục hồi, thị trường tài chính cũng dần ổn định trở lại.
Về cơ bản, tài chính thế giới có nhiều biến động nhưng vẫn tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, trong năm nay và năm tới, thị trường sẽ có nhiều biến động hơn do chiến sự Nga - Ukraine và những thay đổi chính sách tài khóa - tiền tệ ở các nước. Nhất là một số nước phương Tây bắt đầu thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất, kèm theo các vấn đề lạm phát, giá cả leo thang dẫn đến rủi ro thanh khoản hệ thống tài chính ở mức độ lớn hơn.
Đối với Việt Nam, có một số điểm tương đồng với thế giới là khả năng chống chịu đã tốt lên rất nhiều so với giai đoạn trước đây, mặc dù kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng tương đối thấp do 2 năm dịch bệnh hoành hành. Trong đó có một số điểm đáng chú ý như:
Thứ nhất, hệ thống tài chính ngân hàng về cơ bản tích cực, lợi nhuận bình quân tăng trưởng 20-30%/năm ở cả khu vực ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm.
Thứ hai, các ngân hàng đã gia cố quản trị rủi ro bằng cách áp dụng Basel II và các công ty chứng khoán, bảo hiểm cũng được yêu cầu tiếp tục nâng cao công tác quản trị.
Thứ ba, về thể chế cũng tiếp tục hoàn thiện như Luật chứng khoán, các Nghị định hướng dẫn và kể cả những Thông tư, Nghị định gần đây trong khu vực tài chính ngân hàng.
Theo vị chuyên gia, gần đây có một số vụ việc vi phạm xảy ra liên quan đến thao túng giá chứng khoán, vi phạm về công bố thông tin,... Thực ra ở nước phát triển nào cũng đã từng trải qua giai đoạn tương tự, nhưng Việt Nam có đặc điểm hơi khác đó là phát triển tương đối nhanh, tương đối nóng trong khoảng 3 năm trở lại đây. Trong khi đó, khâu thanh tra, kiểm tra giám sát đôi khi vẫn chưa hoàn toàn theo kịp yêu cầu của thị trường. Đồng thời, chủ thể tham gia thị trường, nhất là doanh nghiệp cũng rất tinh vi, có nhiều cách lách luật mỗi khi xuất hiện bất kỳ khe hở pháp luật nào.
Một điểm nữa là tính minh bạch, tính chuyên nghiệp của chúng ta chưa cao, đặc biệt là hiện tượng đầu cơ, dùng đòn bẩy tài chính, tâm lý đám đông vẫn tương đối phổ biến ở thị trường tài chính, chứng khoán Việt Nam.
Cuối cùng, những trung gian tài chính tham gia trong những việc này vẫn chưa được phân vai rõ ràng, đôi khi họ làm nhưng chưa hoàn toàn hết trách nhiệm của mình. Tất cả những việc này đã được chính phủ Quốc hội nhận diện để chấn chỉnh, vì vậy thị trường tài chính sẽ tiếp tục phát triển lành mạnh hơn”, TS. Cấn Văn Lực phân tích.
>>Thống đốc NHNN: Cần hình thành đồng bộ các yếu tố cấu thành thị trường tài chính chuyên biệt
Có thể thấy, diện mạo thị trường tài chính Việt Nam vừa qua đã có ít nhiều thay đổi khi những thông tin xấu xảy ra, làm giảm niềm tin của nhà đầu tư cũng như cơ quan quản lý, khiến thị trường suy giảm rõ rệt. Nhiều nhà đầu tư đã có tâm lý hoang mang hơn và cũng đã thoái vốn, giải chấp, khiến cho thị trường lao dốc tương đối nhanh.
Nhưng theo cách nhìn nhận của TS. Cấn Văn Lực, các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư chuyên nghiệp ủng hộ cách làm này, vì chỉ như vậy mới đảm bảo thị trường phát triển bền vững hơn. Tuy nhiên cần đòi hỏi sự cải thiện, thay đổi tốt hơn nữa từ phía cơ quan quản lý, cho đến doanh nghiệp, nhà đầu tư và kể cả các tổ chức hỗ trợ khác. Ví dụ, Việt Nam phải sớm phát triển tốt hơn dịch vụ xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế cũng cần được tăng tốc và quyết liệt hơn.
Mặc dù quy mô thị trường tài chính đến nay tương đối lớn, chiếm khoảng 300% GDP, nhưng dư địa để phát triển vẫn lớn, nhất là đối với lĩnh vực ngân hàng. Trong đó, chúng ta có thể tập trung phát triển ngân hàng bán lẻ, thanh toán không tiền mặt, chuyển đổi số,... vì đâu đó khoảng một nửa dân số Việt Nam vẫn chưa có tài khoản ngân hàng.
Riêng thị trường chứng khoán cổ phiếu, trái phiếu đã có sự phát triển nhanh thời gian vừa qua, nhưng quy mô vẫn nhỏ so với khu vực, sản phẩm tài chính vẫn còn ít, chưa đa dạng, những dịch vụ đi kèm như xếp hạng tín nhiệm, định giá cổ phiếu trái phiếu, định giá doanh nghiệp còn ít, kể cả nhà đầu tư cũng chưa phải đa dạng. Vì vậy, với tất cả các yếu tố này cho thấy, chúng ta sẽ còn nhiều dư địa để phát triển hơn trong thời gian tới.
“Về dự báo, chúng tôi cho rằng năm nay có thể tăng trưởng lợi nhuận của khu vực ngân hàng ở mức 20-25%. Chứng khoán có thể quay về mốc mà theo kịch bản tích cực nhất là khoảng 1.600 điểm, tiêu cực khoảng 1.400 điểm. Chúng ta có thể được nâng hạng bởi bộ chỉ số của MSCI vào năm 2024-2025. Đây là những triển vọng có cơ sở và rất khả thi”, vị chuyên gia nói.
Chia sẻ về các giải pháp để thị trường tài chính lành mạnh hơn, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh, trước mắt phải hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý như sửa đổi Nghị định 153 và rà soát lại Luật Chứng khoán cũng như các chế tài.
Cùng với đó là sớm bổ sung thêm những định chế tài chính tham gia thị trường liên quan đến xếp hạng tín nhiệm, các quỹ đầu tư cần đa dạng hơn, bao gồm cả quỹ đầu tư bất động sản. Song, phải tăng tính chuyên nghiệp của các nhà đầu tư, đặc biệt là tính công khai, minh bạch, nghiêm minh của thị trường định hướng là kim chỉ nam phát triển.
“Điểm cần lưu ý nữa là phải chú trọng hơn đến rủi ro hệ thống tài chính lan truyền giữa khu vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và bất động sản.Vấn đề này các nước đều có tình trạng tương tự và phải rất lưu tâm để quản lý. Trong nền kinh tế số như hiện nay, vấn đề cơ sở dữ liệu của hệ thống tài chính vẫn còn bất cập.
Chúng ta chỉ có thể phát triển lành mạnh, ổn định thị trường tài chính với điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định, bao gồm thực hiện tốt những chương trình về mặt kinh tế xã hội, chú trọng kiểm soát lạm phát để ổn định kinh tế vĩ mô, cũng như cán cân lớn của kinh tế”, chuyên gia nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
16:55, 21/06/2022
04:45, 15/06/2022
12:00, 13/06/2022
05:00, 13/06/2022