Thế hệ Gen Z với ưu thế về tốc độ học hỏi, khả năng tiếp nhận và ứng dụng công nghệ nhanh, tính tự chủ trong công việc.
>>Nhân sự gen Z: Nổi loạn hay “cháy” hết mình?
Điều này theo cách tự nhiên sẽ tạo ra sự mâu thuẫn với văn hóa cũ, phong cách làm việc của các thế hệ trước trong doanh nghiệp.
Doanh nghiệp đối mặt với vấn đề quản trị mối quan hệ khi lãnh đạo thuộc thế hệ Gen X, đội ngũ quản lý thuộc Gen Y và nhân sự trẻ thế hệ Gen Z. Mỗi thế hệ mang đặc trưng với bối cảnh sống, phong cách làm việc và thói quen khác nhau.
Trên thế giới, ở các doanh nghiệp phát triển vấn đề xung đột giữa các thế hệ cũng vẫn đang xảy ra. Jennifer C. Deal, nhà khoa học nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Lãnh đạo Sáng tạo ở Greensboro, đã nghiên cứu thực tiễn của các doanh nghiệp, nhận thấy rằng hầu hết các xung đột giữa các thế hệ là về quyền lực và sức ảnh hưởng. Một người trẻ tuổi muốn có nhiều ảnh hưởng hơn, muốn được chú ý. Họ có những ý tưởng mới nhưng không được lắng nghe. Một người lớn tuổi muốn kinh nghiệm của họ được công nhận và đánh giá cao.
Thế hệ Gen X cũng cho rằng Gen Y được nuông chiều, được trao quá nhiều quyền hành và cơ hội. Ngược lại, Gen Y có thể coi Gen X là những người bi quan và đa nghi. Hai thế hệ X và Y này nhìn nhận Gen Z tự do, thiếu tính kỷ luật, chưa đủ năng lực, có khi ngạo mạn, ảo tưởng về bản thân.
Thêm vào đó là sự khác biệt có thể tạo ra những xung đột giữa các thế hệ ở trong cách thức giao tiếp. Một nghiên cứu từ Raconteur cho thấy rằng trong Gen X thích giao tiếp trực tiếp, Gen Y lựa chọn sử dụng Email. Trong khi, Gen Z thích trò chuyện liên tục, phản hồi ngay. Điều này có thể dẫn đến sự gián đoạn trong giao tiếp, tác động đến sự tin cậy và thấu hiểu giữa các thế hệ.
Một điều chắc chắn rằng, nhân lực Gen Z là lực lượng lao động tương lai, quyết định sự thành công của doanh nghiệp. Để hướng đến thu hút và phát triển đội ngũ này đòi hỏi sự đổi mới từ các nhà quản lý và doanh nghiệp trong cách thức quản trị có nhiều tính thấu hiểu và linh hoạt hơn. Sự xung đột giữa các thế hệ có để được dung hòa khi lực lượng nhân lực Gen X, Gen Y mở rộng tư duy, chấp nhận sự khác biệt và tự thay đổi mình phù hợp với xu thế thị trường. Đồng thời, các nhà lãnh đạo cần có cách thức quản trị hướng đến sự thành công với nhân lực Gen Z, tập trung vào các trọng tâm.
Xây dựng doanh nghiệp trở thành tổ chức Agile (linh hoạt): Tổ chức Agile đặc trưng bởi khả năng thích ứng nhanh, đề cao tốc độ, sự đổi mới sáng tạo. Sẵn sàng chấp nhận rủi ro, liên tục học hỏi, thích nghi, sáng tạo. Đây là môi trường phát huy hết năng lực của thế hệ Gen Z với tính đổi mới và khả năng tự chủ cao.
Tuy nhiên, để hình thành tổ chức Agile đòi hỏi sự thay đổi lớn bên trong doanh nghiệp, từ tư duy của lãnh đạo cấp cao Gen X đến các nhà quản lý Gen Y. Xây dựng tổ chức Agile đòi sự cam kết của các nhà lãnh đạo, gắn với kế hoạch hành động tập trung đổi mới cách thức và quy trình làm việc hướng đến tinh gọn hơn. Truyền tải ý nghĩa của sự thay đổi đến các thành viên, khơi gợi sự tham gia. Cho phép những thử nghiệm, tập trung hành động nhanh và điều chỉnh dựa trên thực tiễn.
Nuôi dưỡng văn hóa trao quyền:Nhân lực Gen Z mong muốn có sự tự chủ và được trao quyền trong công việc để phát huy khả năng sáng tạo cá nhân. Các nhà lãnh đạo nên cho nhân sự nhiều hơn không gian tự ra quyết định. Điều này là thách thức không nhỏ khi thói quen chung các nhà lãnh đạo muốn kiểm soát công việc, tránh những rủi ro. Giải pháp đặt ra là trao quyền nhưng vẫn đảm bảo các nguyên tắc cốt lõi, mục đích, kết quả mong muốn và giới hạn trong phạm vi nhất định.
Hình thành môi trường làm việc vì hạnh phúc nhân viên: Bên cạnh yếu tố về tài chính và đãi ngộ, thế hệ nhân lực Gen Z quan tâm nhiều hơn đến môi trường làm việc tạo cho họ sự thoải mái và cảm giác thân thuộc. Điều này tạo ra sự hạnh phúc và ý nghĩa trong mỗi ngày làm việc. Kiến tạo môi trường vì hạnh phúc nhân viên đòi hỏi doanh nghiệp xây dựng trải nghiệm nhân viên tích cực, đặt con người làm trọng tâm trong xây dựng chính sách….
Đầu tư đào tạo phát triển nguồn nhân lực:Công nghệ ngày càng phát triển thì năng lực và sự gắn kết của nhân sự là nền tảng cho sự tăng trưởng của doanh nghiệp. Hơn 40% nhân viên Gen Z sẵn sàng chấp nhận giảm 5% lương để làm việc ở môi trường mang lại cơ hội phát triển, theo khảo sát của Linkedin. Đầu tư cho đào tạo không thể tạo ra hiệu quả doanh số tức thì, nhưng là khoản đầu tư cho tương lai, nuôi dưỡng nhân tài trong tổ chức.
Điều quan trọng là các nhà lãnh đạo cần coi đây là một tất yếu thời cuộc, đồng thời coi là một cơ hội để doanh nghiệp đối mới, xây dựng nguồn nhân tài mới, có khả năng thích ứng với sự phát triển của khoa học công nghệ, và thay đổi trong môi trường toàn cầu.
Có thể bạn quan tâm