Quảng Bình: Hiệu quả từ nguồn vốn khuyến công

NGUYỄN TUẤN 10/06/2024 10:16

Để tiếp sức cho các doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, tỉnh Quảng Bình luôn chủ động đổi mới tư duy, công nghệ và cơ cấu lại ngành nghề sản xuất, nâng cao hiệu quả.

Quảng Bình là tỉnh miền trung, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, các cơ sở sản xuất, kinh doanh đa phần nhỏ lẻ, tiềm lực kinh tế hạn chế... Việc làm tốt công tác khuyến công đã đạt được nhiều kết quả rõ nét, khẳng định được vai trò, tầm quan trọng trong khuyến khích, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất phát triển công nghiệp nông thôn; góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế - lao động ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Lựa chọn đối tượng hỗ trợ

Theo số liệu từ Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Quảng Bình, riêng năm 2023, trung tâm đã triển khai 3 đề án thuộc kế hoạch khuyến công quốc gia với tổng kinh phí 2,42 tỷ đồng. Các đề án gồm: tổ chức hội chợ hàng công nghiệp nông thôn khu vực Bắc Trung bộ - Quảng Bình; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất viên nén gỗ tại Công ty CP Dũng Nguyệt Anh Quảng Bình; hỗ trợ ứng dụng dây chuyền công nghệ trong sản xuất dăm gỗ tại công ty TNHH Hoàng Lâm. Các đề án bảo đảm hỗ trợ đúng đối tượng, đúng mục đích và đạt hiệu quả cao; đồng thời thu hút 148 tỷ đồng vốn đối ứng và mang lại doanh thu trên 200 tỷ đồng cho các đơn vị.

Cũng trong năm 2023, Trung tâm đã hướng dẫn cho 19 cơ sở công nghiệp nông thôn đăng ký nguồn vốn khuyến công địa phương hỗ trợ 2,875 tỷ đồng; tư vấn  các đơn vị về chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp.

Chương trinh khuyến công của Quảng Bình đã giúp các cơ sở sản xuất nâng cao nhận thức về công nghiệp hóa, ứng dụng công nghệ mới, từ đó mạnh dạn mở rộng đầu tư phát triển sản xuất một cách hiệu quả. Trong đó, đặc biệt phải kể đến vai trò các cụm công công nghiệp, làng nghề, tiểu thủ công nghiệp. Cụ thể, theo quy hoạch phát triển cụm công giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050. Quảng Bình có 38 cụm công nghiệp, diện tích 757 ha; đã phát triển 10/38 CCN, diện tích 109 ha, trong đó đất công nghiệp cho thuê 38,5 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 61%, thu hút 111 dự án, tổng vốn hơn 500 tỷ đồng, tao việc làm cho gần 1800 lao động, doanh thu đạt khoảng 400 tỷ, nộp ngân sách trên 14 tỷ.

Việc hình thành các cụm công nghiệp đã tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất tập trung, hạn chế chế sản xuất nhỏ lẻ, thúc đẩy chuyển dịch sản xuất theo hướng công nghiệp, nâng cao hiệu quả.

Cùng với sản xuất phát triển TTCN và làng nghề có nhiều khởi sắc dần thu hút và giải quyết việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu làng nghề, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Nhiều cơ sở đã mạnh dạn đầu tư công nghệ, thiết bị, mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm như: Làng nghề mộc mỹ nghệ, kính cường lực, cơ khí sửa chữa, may mặc, chế biến thủy sản, tinh bột nghệ, miếm dong, nước mắm... Tạo việc làm cho gần 16.000 lao động địa phương, với doanh thu gần 180 tỷ đồng mỗi năm.

Nâng cao hiệu quả khuyến công

Theo ông Lê Mậu Khánh - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Quảng Bình cho biết, thời gian qua, thông qua các nguồn vốn quốc gia và địa phương, Quảng Bình đã triển khai đồng bộ các hoạt động khuyến công tập trung vào các nội dụng như đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề và phát triển nghề cho người lao động; hỗ trợ các mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới ... Từ chương trình khuyến công địa phương đã hỗ trợ kinh phí cho hơn 120 cơ sở đầu tư mới, đầu tư mở rộng sản xuất và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật.

Đã tổ chức 2 kỳ bình chọn sản phẩm nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, với 82 sản phẩm được bình chọn, trong đó 22 sản phẩm được bình chọn tiêu biểu khu vực, 5 sản phẩm được bình chọn tiêu biểu cấp quốc gia.

Tuy nhiên, theo ông Khánh tình hình kinh tế hiện nay vẫn còn khó khăn, tăng trưởng thấp. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do đơn hàng giảm, kinh phí hoạt động hạn hẹp. Trong khi, việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách trong lĩnh vực khuyến công chưa thực sự đến được với các cơ sở công nghiệp nông thôn ở vùng sâu, vùng xa.

Trong khi, kinh phí cấp cho chương trình còn hạn chế nên việc triển khai còn bị động. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hầu hết quy mô còn nhỏ, năng lực tài chính hạn chế, thị trường không ổn định, do chất lượng một số sản phẩm chưa cao... cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai các hoạt động khuyến công.

Để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động, trong năm 2024 này, Trung tâm đã đăng ký và xây dựng kế hoạch khuyến công quốc gia 1 đề án với tổng kinh phí hỗ trợ 1 tỷ đồng xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất viên gỗ nén năng lượng cho Công ty CP năng lượng xanh VINAFO. Ngoài ra, Trung tâm tiếp tục tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ các chương trình, đề án khuyến công địa phương năm 2024. 

Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác khuyến công và xúc tiến thương mại, Trung tâm tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, xúc tiến thương mại; chú trọng đào tạo nghề, ưu tiên cho các ngành, nghề truyền thống; ưu tiên hỗ trợ những đề án ứng dụng máy móc thiết bị, lồng ghép với hỗ trợ phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu, thiết kế nhãn mác, bao bì sản phẩm. Đồng thời, tăng cường các hoạt động tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy cơ hội trao đổi, kết nối tiêu thụ các sản phẩm.

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Bình - Từ vùng đất hoang sơ đến điểm đến được khách quốc tế yêu thích

    Quảng Bình - Từ vùng đất hoang sơ đến điểm đến được khách quốc tế yêu thích

    16:36, 19/09/2023

  • Phát triển Quảng Bình thành trung tâm du lịch lớn ở khu vực Đông Nam Á

    Phát triển Quảng Bình thành trung tâm du lịch lớn ở khu vực Đông Nam Á

    00:30, 26/06/2023

  • Hà Nội - Quảng Bình kết nối cùng phát triển

    Hà Nội - Quảng Bình kết nối cùng phát triển

    21:16, 08/07/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quảng Bình: Hiệu quả từ nguồn vốn khuyến công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO