Anh Sơn cho biết mô hình sản xuất chăn nuôi của anh được thực hiện theo chu trình khép kín, từ khâu sản xuất con giống đến tiêu thụ, giết mổ. Chỉ sau 5 năm khởi nghiệp, anh Sơn đã thu lãi 1,5 tỷ đồng.
Bỏ công việc lương cao ở Tp.HCM về quê làm giàu từ trang trại, anh Võ Ngọc Sơn (xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) đã tạo dựng được mô hình chăn nuôi gà và heo (lợn) giống, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương.
Năm 2012, khi trở về quê ở xã Đại Minh, anh Sơn qua bên kia bờ sông Vu Gia (thuộc huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) để lập trang trại chăn nuôi gà. Ban đầu, anh đầu tư nuôi 2.000 con gà siêu trứng. Mỗi tháng, trang trại của anh cung cấp ra thị trường 60.000 quả trứng. Lấy ngắn nuôi dài, một thời gian sau, trang trại gà của anh có gần 20.000 con gà. Làm ăn thuận lợi, anh tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng trại chăn heo giống Đài Loan với quy mô 600 con heo nái.
Hiện nay, trang trại nuôi heo của anh Sơn có hơn 5.000 con heo thịt và heo nái. Chuồng trại được đầu tư bài bản từ điện chiếu sáng, hệ thống làm mát, điều hòa nhiệt độ phù hợp cho đàn vật nuôi. Hệ thống máng ăn hoàn toàn tự động.
Anh Sơn cho biết mô hình sản xuất chăn nuôi của anh được thực hiện theo chu trình khép kín, từ khâu sản xuất con giống đến tiêu thụ, giết mổ. Chỉ sau 5 năm khởi nghiệp, anh Sơn đã thu lãi 1,5 tỷ đồng.
Để mở rộng quy mô sản xuất cũng như giúp đỡ nhiều hộ dân khác phát triển kinh tế, anh Sơn đã vận động thành lập HTX Nông nghiệp và Dịch vụ kinh doanh tổng hợp Duy Đại Sơn do chính anh làm Giám đốc. HTX thu hút 150 lao động, chủ yếu là thanh niên, con em hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Hàng tháng, mỗi lao động thu nhập ổn định 6 - 15 triệu đồng.
Lê Quốc Hùng ở xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên là một thành viên làm việc tại HTX cho biết gần 3 năm làm việc ở đây, anh có thu nhập ổn định đủ để trang trải cuộc sống gia đình. “Được anh Sơn và HTX tạo điều kiện mỗi tháng tôi được trả lương 6 triệu đồng đủ trang trải lo cho gia đình”, anh Hùng cho biết.
Với kỹ thuật chăn nuôi an toàn, chú trọng khâu phòng trừ dịch bệnh, chuồng trại sạch sẽ và đề ra 3 tiêu chí: Sạch nhất - tươi nhất - ngon nhất, HTX luôn đặt lợi ích khách hàng lên hàng đầu, nói không với thực phẩm bẩn. Để có được thực phẩm sạch, HTX áp dụng phương pháp trồng trọt, chăn nuôi không có sự can thiệp từ các loại hóa chất công nghiệp, tốn nhiều công sức chăm sóc kết hợp ứng dụng các kỹ thuật khoa học hiện đại.
Sản phẩm thịt heo sạch và trứng gà sạch của HTX trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ đã qua khâu kiểm tra chất lượng rất nghiêm ngặt và phải được cấp giấy chứng nhận của cơ quan chức năng. Anh Sơn khẳng định: “HTX chúng tôi chẳng những tạo việc làm cho rất nhiều thanh niên ở địa phương, mà còn cung cấp lượng thịt sạch lớn cho thị trường, cho người dân”.
HTX còn liên kết với những HTX, Tổ hợp tác khác để mua lại sản phẩm và cung cấp đầu ra đầu vào cho họ. Ngoài ra, HTX còn mở các đại lý chuyên cung cấp thức ăn cho heo, gà tại thị trấn Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc) và cung cấp con giống cho nhiều nơi.
Đây là HTX đầu tiên ở tỉnh Quảng Nam đăng ký hưởng ứng chương trình “Mỗi địa phương mỗi sản phẩm” (OCOP). HTX cũng nằm trong 5 chuỗi sản phẩm an toàn của tỉnh Quảng Nam. Hiện, HTX chuyên cung cấp heo sạch cho bếp ăn các trường học, doanh nghiệp ở tỉnh Quảng Nam và Tp.Đà Nẵng.
Tại huyện Duy Xuyên hiện có 9 trang trại chăn nuôi tập trung lớn. Các mô hình này đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương. Chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện hỗ trợ mặt bằng và giúp các HTX phát triển sản xuất.
Ông Văn Bá Năm - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, cho biết “Phong trào chăn nuôi trên địa bàn huyện thời gian vừa qua theo hướng tập trung, quy mô trang trại lớn chiếm tỷ lệ rất cao. Huyện cũng đã quy hoạch một số vùng chăn nuôi tập trung và khuyến cáo các doanh nghiệp vào đầu tư. Trong đó, nổi lên là HTX Duy Đại Sơn đang phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị có đầu ra rất ổn định. Đây có thể nói là mô hình sản xuất thịt lợn sạch gắn với thị trường”.