Thời gian qua, tình hình sản xuất gây ô nhiễm trong thời gian dài tại nhà máy cồn tại xã Đại Tân, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam đã khiến cho người dân sống xung quanh lâm vào cảnh hoang mang.
Theo phản ánh của người dân, từ khi nhà máy cồn đưa vào hoạt động đến nay đã nhiều lần gây ô nhiễm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt khiến họ gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng trong thời gian dài, công ty vẫn không có biện pháp khắc phục, ổn định đời sống cho người dân ở địa bàn xã đã khiến cho sự việc trở nên nghiêm trọng hơn.
Ô nhiễm kéo dài
Đỉnh điểm vào giữa tháng 9, trong quá trình sản xuất, công nhân nhà máy cồn Đại Tân vận hành đã để tràn dầu fusel từ bồn chứa ra ngoài và phát tán tạo thành mùi hôi thối "tấn công" cư dân xung quanh. Trong đêm, người dân xã Đại Tân kéo về cổng nhà máy dựng lều để phản đối, đồng thời gửi đơn đến UBND Quảng Nam yêu cầu đóng cửa nhà máy hoặc di dời dân đến nơi ở mới, vì bị ô nhiễm môi trường khói bụi, mùi hôi... xảy ra nhiều năm nay.
Bà Nguyễn Thị Bền (thôn Nam Phước) cho biết mặc dù đã có cán bộ về xét nghiệm mẫu nước bị ô nhiễm nhưng nhà máy cồn vẫn tiếp tục hoạt động, không có dấu hiệu ngưng sản xuất. Trước đó cũng đã xảy ra tình trạng cháy nổ tại nhà máy khiến cho người dân sống xung quanh hoang mang lo sợ.
“Nhà máy sản xuất sát với khu dân ở, nước xả thải của nhà máy lại đổ ra gần với nguồn nước sinh hoạt của người dân. Đã từ lâu rồi dân ở đây không dám dùng nước để sinh hoạt vì lo sợ ảnh hưởng sức khỏe. Ngay khi phát hiện mùi lạ, tất cả các hộ dân có con nhỏ đều phải gửi đi nơi khác, không thể ở nhà vì sợ nhiễm bệnh.
Mong muốn của người dân ở đây hoặc là đóng cửa nhà máy, hoặc là bố trí tái định cư để người dân di dời. Gần 10 năm qua, nỗi khổ khi bà con phải ngửi mùi hôi thối đã quá sức chịu đựng rồi. Nếu cứ thế này, con cháu chúng tôi sẽ chết dần chết mòn vì ô nhiễm” – bà Bền nói
Trước vấn đề trên, tỉnh Quảng Nam yêu cầu chủ nhà máy cồn khẩn trương có phương án khắc phục sự cố tràn dầu fusel, tuyệt đối không để dầu tràn ra ngoài, xử lý triệt để mùi hôi, không để xảy ra cháy nổ, bao gồm cả việc xử lý an toàn đối với 9.000 m3 dịch tồn hiện nay.
Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam yêu cầu nhà máy cồn phải phối hợp với UBND xã Đại Tân, Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Đại Lộc rà soát khu vực dân cư bị ảnh hưởng nguồn nước, khẩn trương thực hiện hỗ trợ, cung cấp nước sinh hoạt và nước uống cho người dân.
Nhà máy xin tiếp tục sản xuất bất thành
Trao đổi với phóng viên, ông Hồ Thanh Phương, Trưởng phòng TNMT huyện Đại Lộc cho biết, đại diện Công ty CP Nhiên liệu sinh học Tùng Lâm đã phản hồi thông tin xung quanh sự cố này. Đơn vị đã có văn bản gửi cơ quan chức năng đề nghị được vận hành lại nhà máy để xử lý số lượng dịch còn tồn kho. Công ty đề xuất được sản xuất để xử lý hết lượng dịch tồn và hàng tồn kho, sau đó sẽ tạm dừng sản xuất để chờ kết luận của các cơ quan chức năng cũng như sự thống nhất của người dân trước khi hoạt động trở lại.
Có thể bạn quan tâm
17:14, 01/10/2019
17:23, 18/09/2019
11:10, 13/09/2019
Tại văn bản này, Công ty CP Nhiên liệu sinh học Tùng Lâm, đơn vị vận hành nhà máy cồn Ethanol Quảng Nam gửi UBND huyện Đại Lộc, Công an huyện Đại Lộc và Phòng TNMT huyện đại Lộc xin xử lý lượng dịch tồn khoảng 9.000m3 và giải phóng hàng tồn kho hiện tại của nhà máy cồn Ethanol Quảng Nam.
Với lượng dịch lên men và lượng hàng tồn kho này nếu không được xử lý kịp thời ngoài gây thiệt hại cho công ty còn có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và an toàn cháy nổ trong khu dân cư.
Thế nhưng tại buổi đối thoại giữa chính quyền và nhân dân xã Đại Tân, người dân đã không đồng tình với phương án để nhà máy tiếp tục được sản xuất. Người dân tại khu vực bị ô nhiễm yêu cầu Công ty phải ngưng sản xuất hoàn toàn, cần phải thống nhất phương án là di dời dân hoặc di dời nhà máy.
“Việc người dân nhất quyết với phương án dời dân hoặc dời nhà máy đã khiến cho tình hình rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, rất khó cho việc xử lý” - ông Phương nói thêm.