Quảng Nam: DDCI sẽ có đóng góp trong cải thiện PCI

TUẤN VỸ 09/12/2023 15:56

Sau khi công bố kết quả DDCI, tỉnh Quảng Nam nhận định đây cũng sẽ là yếu tố góp phần tạo cơ sở để các cơ quan, địa phương rà soát, thay đổi cải thiện môi trường đầu tư và cải thiện chỉ số PCI.

Trong năm 2023, tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu lọt vào top 20 cả nước về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

 Từ kết quả chỉ số DDCI vào ngày 30/11 vừa qua, tỉnh Quảng Nam sẽ có những chỉ đạo, điều chỉnh cụ thể để cải thiện chỉ số PCI.

Từ kết quả chỉ số DDCI vào ngày 30/11 vừa qua, tỉnh Quảng Nam sẽ có những chỉ đạo, điều chỉnh cụ thể để cải thiện chỉ số PCI.

Kết quả DDCI gây chú ý

Mới đây, tỉnh Quảng Nam đã công bố kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương (DDCI Quảng Nam 2023) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại miền Trung – Tây Nguyên (VCCI miền Trung – Tây Nguyên) tư vấn triển khai. Trong đó, nhóm các sở, ban, ngành có 22 đơn vị được đánh giá, xếp hạng dựa vào 8 chỉ số thành phần (tính minh bạch, tính năng động, vai trò người đứng đầu, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, hỗ trợ doanh nghiệp và thiết chế pháp lý) và 18 đơn vị nhóm các địa phương ngoài 8 chỉ số như sở, ban, ngành còn có thêm chỉ số tiếp cận đất đai.

Theo kết quả khảo sát của VCCI miền Trung – Tây Nguyên, đứng đầu bảng xếp hạng, thuộc nhóm rất tốt của nhóm sở, ban, ngành là Cục Hải quan Quảng Nam và Sở Tư pháp đứng thứ hai với điểm tổng hợp lần lượt là 74,62 điểm và 74,11 điểm. Với nhóm địa phương, Đại Lộc dẫn đầu với tổng điểm 71,72 điểm. Kế đến là Quế Sơn (71,21 điểm), Bắc Trà My (69,06 điểm) và Hiệp Đức (68,15 điểm), thuộc nhóm rất tốt.

Trong số 8 chỉ số của nhóm sở, ban, ngành đã bị cộng đồng doanh nghiệp đánh giá thấp, thuộc về tính năng động, chi phí không chính thức và hỗ trợ doanh nghiệp. Còn nhóm địa phương (9 chỉ số) thì chỉ số cạnh tranh bình đẳng, chi phí hỗ trợ doanh nghiệp và chi phí không chính thức được cho là điểm yếu nhất.

Đáng chú ý, các doanh nghiệp tham gia khảo sát cũng chưa đánh giá cao tiêu chí “thông tin được cung cấp rõ ràng, đầy đủ”, doanh nghiệp cũng cảm nhận các chương chính hỗ trợ là thiết thực chưa cao, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, trao đổi thông tin/ đối thoại là chưa nhiều. Vì vấn đề khó tiếp cận, các doanh nghiệp cho rằng cần có những thay đổi từ các đơn vị được đánh giá để cải thiện các chỉ số thành phần, cùng với đó là có thêm giải pháp hỗ trợ thiết thực để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.

Ông Trần Quốc Bảo – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam cho rằng , vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp ở cả nhóm sở, ngành và nhóm địa phương đều thấp là vì nhiều nguyên nhân khách quan và có cả mặt hạn chế. “Thời gian tới, địa phương cần giải quyết nhanh vấn đề của doanh nghiệp. Và đặc biệt, mới đây đã có Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân trong tình hình mới, đây cũng sẽ là bước đệm để địa phương thay đổi chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong tương lai”, ông Bảo nhấn mạnh.

DDCI góp phần cải thiện PCI

Theo ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thì bảng xếp hạng DDCI 2023 sẽ đánh giá, tạo sự thi đua về chất lượng điều hành kinh tế giữa các cơ quan công quyền và địa phương. Vị này cũng nhìn nhận kết quả chỉ số DDCI sẽ là một trong những căn cứ để đánh giá công tác điều hành, xếp loại thi đua cuối năm của các đơn vị, địa phương và người đứng đầu.

Cùng với đó, DDCI cũng sẽ hỗ trợ lãnh đạo các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, thị, thành phố xác định nhiệm vụ trọng tâm cần cải cách, triển khai các giải pháp kịp thời, phù hợp để cải thiện hiệu quả hoạt động của đơn vị mình, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Từ đó, chính quyền cấp tỉnh có thể đưa ra một chương trình để chấn chỉnh, cải thiện, tạo động lực thúc đẩy cải cách.

“Với nỗ lực của các đơn vị, địa phương cùng đứng với doanh nghiệp thì chắc chắn tình hình sẽ khá hơn, từ đó đưa ra mục tiêu năm sau sẽ khá hơn năm trước. Từ đó, chỉ số PCI của địa phương cũng sẽ có những bước tiến. Hiện nay, mỗi tháng địa phương đều yêu cầu mỗi tháng phải thể hiện các chỉ số liên quan đến PCI để các đơn vị kịp thời điều chỉnh”, ông Bửu cho hay.

Theo kết quả PCI 2022, tỉnh Quảng Nam tụt 3 hạng từ 19 xuống 22. Theo phân tích, vấn đề tụt hạng bắt nguồn từ sự thiếu quyết liệt, sâu sát, năng động của chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu cơ quan đơn vị, địa phương.

Trong năm 2023, tỉnh Quảng Nam xác định mục tiêu cải thiện PCI là vào Top 20 với nhiều yêu cầu cụ thể trong nâng cao chất lượng quản lý, điều hành, tạo sự đồng thuận, hài lòng từ thương giới để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu các đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện các văn bản chỉ đạo, từ Chính phủ đến UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI đã từng ban hành, nhất là các nhiệm vụ, công việc liên quan đến doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm

  • Đẩy nhanh tiến độ các dự án du lịch tại Quảng Nam

    Đẩy nhanh tiến độ các dự án du lịch tại Quảng Nam

    01:00, 07/12/2023

  • Quảng Nam sẽ xử lý nghiêm các dự án chậm tiến độ

    Quảng Nam sẽ xử lý nghiêm các dự án chậm tiến độ

    13:00, 06/12/2023

  • Năm khởi nghiệp - Quảng Nam 2023: Diễn đàn Doanh nghiệp được công nhận có thành tích xuất sắc

    Năm khởi nghiệp - Quảng Nam 2023: Diễn đàn Doanh nghiệp được công nhận có thành tích xuất sắc

    11:49, 03/12/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quảng Nam: DDCI sẽ có đóng góp trong cải thiện PCI
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO