Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các đơn vị được cấp phép khai thác cát khẩn trương đi vào hoạt động, niêm yết công khai giá để cung cấp vật liệu cát xây dựng cho các công trình, dự án.
>>Cụ thể hóa “quyền bề mặt” trong Luật Đất đai sửa đổi
Ngày 06/3, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam đã phát đi kết luận của ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh về việc quản lý, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn, Tại kết luận, ông Thanh cho hay thời gian qua địa phương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương quán triệt, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn mình phụ trách.
Qua thanh tra, kiểm tra, các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khoáng sản đã được chấn chỉnh, xử lý nghiêm theo quy định. Tuy nhiên, ông Thanh cho biết hiện nay việc khai thác các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (trong đó có cát, sỏi lòng sông, đất san lấp công trình, đá xây dựng) vẫn còn một số tồn tại, bất cập như một số doanh nghiệp khai thác vượt công suất, ngoài diện tích giấy phép khai thác khoáng sản được cấp, chậm thực hiện hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khai thác nhưng các ngành chức năng chưa kịp thời kiểm tra, xử lý.
"Công trường cát" tại khu vực cầu Hà Nha, huyện Đại Lộc im lìm không hoạt động.
“Việc quản lý, giám sát sản lượng khoáng sản khai thác thực tế của các cơ quan chức năng và qua hệ thống camera giám sát tại khu vực mỏ còn mang tính hình thức, chưa chặt chẽ, chưa hiệu quả. Một số doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động kinh doanh khoáng sản như bán hàng không xuất hóa đơn, xuất hóa đơn với giá trị ghi thấp hơn thực tế thanh toán…”, ông Lê Trí Thanh nêu.
Thông tin từ Chủ tịch Quảng Nam, hiện nay, nguồn vật liệu phục vụ thi công các công trình, dự án ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đang khan hiếm. Trong đó có cát xây dựng, đất san lấp, xây dựng công trình ở các địa phương vùng đồng bằng và cát, đá xây dựng ở các huyện miền núi. Đặc biệt trong thời gian gần đây, từ sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 đến nay, giá cát xây dựng trên địa bàn tỉnh liên tục tăng cao, ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư và quyền lợi của người tiêu dùng.
“Trong khi đó, trình tự, thủ tục về đầu tư, đất đai, môi trường, thăm dò đánh giá trữ lượng, cấp phép khai thác khoáng sản còn rườm rà, thời gian kéo dài. Tình trạng này cần phải sớm chấn chỉnh, khắc phục. Các ngành, các địa phương phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước trong hoạt động khai thác khoáng sản, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hướng dẫn, tham mưu giải quyết kịp thời các hồ sơ, thủ tục theo quy định để sớm đưa các mỏ vào khai thác, cung cấp vật liệu thi công xây dựng các công trình, dự án và phục vụ nhu cầu của nhân dân trên địa bàn”, ông Lê Trí Thanh kết luận.
Một khu vực mỏ khai thác mới chưa đưa vào hoạt động.
Vì vậy, tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu các đơn vị khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên đã được cấp giấy phép, còn thời hạn hoạt động phải khẩn trương đưa mỏ vào hoạt động khai thác đúng công suất theo giấy phép được cấp và niêm yết công khai giá bán, cung cấp kịp thời vật liệu cát xây dựng cho các công trình, dự án. Các địa phương và đơn vị liên quan theo dõi, kiểm tra, trường hợp không đưa mỏ vào khai thác thì báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo xử lý nghiêm hành vi vi phạm và thu hồi giấy phép.
Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt 41 Danh mục các dự án đề xuất đầu tư khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn, đến nay, UBND các huyện Phước Sơn, Nam Giang đã hoàn thành việc tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản 09 điểm mỏ. Các địa phương còn lại khẩn trương rà soát, cân đối nhu cầu cần đáp ứng của các công trình thi công (kể cả các công trình, dự án trên địa bàn các địa phương lân cận hoặc các công trình trên địa bàn tỉnh đã có chủ trương khai thác vật liệu xây dựng tại những vị trí này), tuyệt đối không được hạn chế khai thác vì lợi ích cục bộ địa phương.
Tỉnh Quảng Nam yêu cầu các đơn vị được cấp phép khai thác cát khẩn trương đi vào hoạt động, niêm yết công khai giá để cung cấp vật liệu cát xây dựng cho các công trình, dự án trên địa bàn.
Địa phương này cũng yêu cầu các đơn vị trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản phải ký cam kết với địa phương chấp hành đúng các quy định của pháp luật trong quá trình hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản, đảm bảo vệ sinh, môi trường, an toàn giao thông trên tuyến đường vận chuyển và lập các hồ sơ, thủ tục đảm bảo thời gian yêu cầu. kịp thời khắc phục ngay các bật cập trong quá trình khai thác, vận chuyển, không để mất an ninh trật tự tại địa phương.
“Yêu cầu các đơn vị khai thác khoáng sản phải niêm yết công khai giá bán vật liệu tại mỏ tại từng thời điểm và bán đúng giá niêm yết, xuất hóa đơn bán hàng đúng với giá trị thực tế thanh toán, gửi thông báo giá niêm yết về các cơ quan Thuế, Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thị xã và các cơ quan chức năng liên quan để theo dõi, giám sát. Kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nếu không bán đúng giá niêm yết và có các hành vi thao túng giá”, ông Lê Trí Thanh nhấn mạnh.
Trước đó, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nhất là khu vực các huyện vùng Đông và Bắc xảy ra tình trạng khan hiếm nguồn cát xây dựng vì các mỏ khai thác hết giấy phép, nhiều mỏ còn hạn khai thác cũng ngưng hoạt động không lý do. Vì vậy, giá cát xây dựng trên địa bàn đã tăng đột biến ảnh hưởng tiêu cực đến người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.
Có thể bạn quan tâm