Nhiều doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đang đối mặt với khó khăn chưa có tiền lệ là không có cát xây dựng khi nguồn cung gần như bị cắt hoàn toàn.
>>Quảng Nam: Tìm “lối ra” cho dự án khu dân cư Thống Nhất
Hàng loạt mỏ khai thác cát xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã ngừng hoạt động, gây đứt gãy nguồn cung cho các công trình.
Cuối năm 2022, tỉnh Quảng Nam đã xuất hiện tình trạng thiếu cát xây dựng khi nhiều mỏ khai thác, bãi tập kết,... hết giấy phép. Lúc này, giá cát xây dựng đã tăng đến 270.000 đồng/khối và tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu các đơn vị kinh doanh phải niêm yết giá rõ ràng. Tuy nhiên, đến đầu năm 2023 thì giá cát xây dựng đã tăng vọt lên trên 400.000 đồng/khối nhưng các đại lý cũng không có cát để bán.
Nguyên nhân là do các mỏ như Giao Thủy, Ngọc Kinh Đông, Pha Lê,… đều đồng loạt thông báo tạm dừng khai thác cát. Trước tình trạng này, gần như tất cả các đại lý vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đều hết cát xây dựng, đóng cửa suốt một thời gian dài.
Dư luận đang có ý kiến rằng các doanh nghiệp đóng mỏ, bắt tay nhau tạo khan hiếm để đẩy giá cát lên cao. Bởi lẽ, chỉ có các mỏ khu vực hạ lưu là đủ trữ lượng lớn để cung ứng cho các công trình trên địa bàn cũng như cung cấp cho nhiều địa phương khác như Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế,... Cùng với đó, nhiều nghi vấn về câu chuyện độc quyền khi hàng loạt đơn vị xin được thăm dò, khai thác mới nhưng không được cấp phép với nhiều lý do.
Dù đó là nguyên nhân gì thì trước mắt, nhiều công trình xây dựng trên địa bàn bị gián đoạn hoặc hoạt động cầm chừng, thậm chí một số công trình đành phải lùi ngày khởi công gây ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Nhật Thanh, cho hay nhiều đại lý đang tính nhập cát từ tỉnh Quảng Ngãi về bán với giá 350.000 đồng/khối, thêm chi phí vận chuyển đã lên trên 400.000 đồng/khối.
“Nếu tình hình khan hiếm cát xây dựng kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tiến độ của nhiều dự án khi không đủ vật liệu. Ngoài ra, hoạt động cầm chừng cũng sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động trong giai đoạn hiện tại”, ông Thanh cho hay.
Căng thẳng hơn, ông Đoàn Nga, Giám đốc Công ty TNHH Nhật Anh cho biết công ty ông vừa dời lịch khởi công một dự án vì không tìm được nguồn cung cát xây dựng. “Việc thiếu cát không chỉ xảy ra ở Quảng Nam. Chúng tôi tìm mua cát ở các địa phương khác như Đà Nẵng cũng không có cát”, ông Nga thở dài.
Chủ bãi một cát tại TP. Hội An cho biết trong nhiều tháng qua, đơn vị này đã không có cát xây dựng để bán vì nguồn cung nhỏ giọt. Đến nay, đơn vị này đã ngưng hẳn hoạt động và cho biết có lẽ phải rất lâu nữa nguồn cung cát xây dựng mới ổn định, giá thành giảm nhiệt.
Trước thực trạng trên, ông Trần Thanh Hà, Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Quảng Nam, cho biết UBND tỉnh Quảng Nam vừa yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương tổ chức lấy ý kiến đồng thuận của cộng đồng dân cư trong vùng dự án để tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 39 điểm mỏ khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương và UBND tỉnh phê duyệt danh mục các dự án đầu tư khai thác khoáng sản, giao cho các địa phương tổ chức đấu giá.
“UBND các huyện, thị xã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường kiểm tra lại; trường hợp chưa thực hiện rà soát thì chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, đề xuất loại bỏ các điểm mỏ khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường không còn phù hợp, các điểm mỏ đã khai thác xong và đề xuất bổ sung các điểm mỏ khoáng sản mới phù hợp vào quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới”, ông Hà cho hay.
Chỉ đạo nói trên của UBND tỉnh Quảng Nam là rất kịp thời, song người dân và doanh nghiệp tại tỉnh Quảng Nam rất mong các cơ quan quản lý có liên quan cần sớm quy hoạch, cấp phép tại các địa điểm khai thác mỏ khoáng sản mới để đáp ứng nhu cầu trong xây dựng. Cùng với đó, xem xét chấp thuận, triển khai các dự án nạo vét để giải quyết tình trạng thiếu cát cục bộ tại các địa phương.
Có thể bạn quan tâm