Tỉnh Quảng Nam yêu cầu các đơn vị cùng triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút đầu tư,... để đạt mục tiêu phát triển 2 con số.
Để phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu, tỉnh Quảng Nam xác định ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế, tăng tốc, bứt phá, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2025 tăng 9,5-10%. Theo lãnh đạo địa phương, đây là mục tiêu lớn và năm 2025 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, là năm tăng tốc, bứt phá, tạo nền tảng, tiền đề cho việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới.
Từ đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, xây dựng cơ chế hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, tập trung xúc tiến, thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao. Đồng thời, sở này cũng phải kịp thời nắm bắt, xử lý khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp FDI, nhất là thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ các dự án tại tỉnh. Đặc biệt là tăng cường thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao như đầu tư sân bay, cảng biển, chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo,...
Tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu các sở, ban, ngành chủ động xây dựng các mục tiêu, chỉ tiêu của từng ngành, lĩnh vực quản lý phù hợp với mục tiêu và kịch bản tăng trưởng GRDP năm 2025. Các huyện, thị xã, thành phố được giao nhiệm vụ tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư xã hội, thúc đẩy hợp tác công tư, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án, nhất là các dự án, công trình quan trọng của tỉnh, các chương trình mục tiêu quốc gia.
Trong đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông chiến lược, sân bay, cảng biển, dự án liên vùng, liên tỉnh. Tăng cường các giải pháp kích thích cầu tiêu dung, thúc đẩy sản xuất, bảo đảm cung ứng đầy đủ nhu cầu,phát triển thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh mới hiệu quả; gắn kết giữa sản xuất, phân phối và tiêu dùng.
Với lĩnh vực du lịch, Quảng Nam sẽ phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, tăng cường quảng bá thu hút khách du lịch quốc tế và trong nước. Với sản xuất, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tận dụng tối đa các cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết, mở rộng, khai thác hiệu quả thị trường mới và hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn mới của thị trường xuất khẩu.
Cùng với đó là các giải pháp về đẩy nhanh chuyển đổi số một cách sâu rộng, toàn diện, bứt phá. Song song, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, sớm tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, giải phóng nguồn lực, khuyến khích phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Đặc biệt, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng hiện đại hoá, phát triển theo chiều sâu, nâng cao năng suất, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm các ngành công nghiệp có lợi thế, nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Triển khai hiệu quả chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn theo chỉ đạo của Chính phủ, phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, tăng cường liên kết giữa khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực trong nước. ,...
Tỉnh Quảng Nam cũng sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để khơi thông, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ thị trường bất động sản. Chủ động, quyết liệt, tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, tập trung rà soát, phân loại và đề xuất giải pháp để tháo gỡ các vướng mắc, sớm đưa vào sử dụng, giải phóng nguồn lực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tại hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình công tác năm 2025 và công tác chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 ngày 3/1, ông Lê Văn Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định năm 2025 là một năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tỉnh Quảng. Ông Dũng nhận định, năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá để về đích và các nhiệm vụ, chỉ tiêu của năm mang ý nghĩa quan trọng, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh trong giai đoạn tới.
Vì vậy, ông Lê Văn Dũng yêu cầu các cấp ngành, đơn vị, địa phương cần quán triệt sâu sắc nguyên tắc “5 rõ” trong lãnh đạo điều hành theo chỉ đạo của Chính phủ, tập trung triển khai quyết liệt và đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư, quyết liệt triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, chăm lo văn hóa - xã hội, quản lý ngân sách.