Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá tôm sụt giảm so với hàng năm khoảng 20-30%, khiến nông dân Quảng Nam loay hoay tìm đầu ra.
Tại TP Hội An (Quảng Nam), diện tích nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 200 ha, tổng sản lượng tôm nuôi hàng năm từ 200 - 250 tấn tập trung ở các xã Cẩm Thanh, phường Cẩm Châu. Số lượng sau thu hoạch sẽ được đưa ra Đà Nẵng và một số tỉnh phía Nam để chế biến, xuất khẩu. Tuy nhiên, việc Đà Nẵng thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội đã ảnh hưởng đến việc di chuyển, khiến một lượng lớn tôm chịu cảnh tồn đọng.
Ông Nguyễn Tâm (xã Cẩm Thanh, TP Hội An) cho biết hiện tại gia định ông vẫn còn khoảng 3 tấn tôm thẻ chân trắng chưa thể xuất hồ. Với hơn 6.000 m2 diện tích mặt nước nuôi tôm, mỗi ngày ông Tâm phải bỏ ra gần 2 triệu đồng để mua thức ăn duy trì cho số tôm trên.
“Nếu không xuất tôm được, việc kéo dài thời gian nuôi dễ khiến tôm sinh bệnh chết, lây lan sang các hồ khác gây thiệt hại nặng cho người dân. Chưa kể dịch COVID-19 cũng khiến giá tôm giảm nhiều”, ông Tâm nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên DĐDN, giá bán cho thương lái trước đây khoảng 100.000 đồng/kg, tuy nhiên mức giá hiện tại chỉ còn 60.000 - 70.000 đồng/kg. Giá tôm giảm nhưng không tìm được đầu ra sớm khiến người dân địa phương đau đầu, bởi trong thời gian tới dịch bệnh cho tôm rất dễ bùng phát.
Ông Nguyễn Thế Hùng- Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An, cho hay dịch COVID-19 khiến việc di chuyển gặp nhiều khó khăn nên việc tiêu thụ tôm nuôi trên địa bàn gặp bất lợi.
“Việc Đà Nẵng thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội khiến thương lái không tiếp cận thu mua được tôm nên người nuôi gặp nhiều khó khăn. Thời gian qua, địa phương đã có văn bản gửi đến Sở Công Thương và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đề nghị hỗ trợ thông tin, kết nối tiêu thụ thủy sản nhằm giúp đỡ người dân. Tuy nhiên, kết quả chưa như kỳ vọng”, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An nói.
Theo ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, dù nhu cầu tiêu thụ tôm của người dân cao, nhưng không nhiều so với nhà máy thu mua xuất khẩu tôm. Trước đây, các nhà máy tại TP. Đà Nẵng thu mua tôm để xuất khẩu, nhưng nay do dịch bệnh nên họ ngừng sản xuất, nên tôm còn tồn đọng tại các hồ. Sở vẫn liên tục kết nối các đơn vị thu mua; đồng thời phối hợp với Sở Công Thương đưa thông tin xuất bán thủy sản lên sàn thương mại điện tử để gỡ khó khăn cho người dân. Ngoài ra, đề nghị các phòng kinh tế các quận, huyện tại TP Đà Nẵng hỗ trợ, thông tin đến người dân, doanh nghiệp để kết nối nông dân tiêu thụ thủy sản, giúp người dân Quảng Nam giải quyết khó khăn hiện nay.
Có thể bạn quan tâm
Tham vọng của Vĩnh Hoàn khi rót vốn vào startup sản xuất thịt tôm nhân tạo tại Singapore?
11:00, 22/07/2021
Tìm giải pháp phát triển ngành tôm
03:30, 19/07/2021
Vì sao xuất khẩu tôm sang Mỹ tăng mạnh?
04:00, 05/07/2021
“Thủ phủ tôm” Trung Quốc ngừng nhập khẩu thủy sản: Gián đoạn chuỗi cung ứng trong khu vực
11:04, 14/06/2021
Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu tôm
11:00, 27/05/2021