Nhiều bãi tập kết cát tại khu Viêm Trung, phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn rầm rộ hoạt động trở lại, với quy mô khủng, khiến dư luận hoài nghi sự buông lỏng của cấp chính quyền.
Thời gian qua, nhiều bãi tập kết cát tại phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam bắt đầu hoạt động ồ ạt trở lại sau một thời gian bị tạm dừng hoạt động. Bãi tập kết cát tại khối phố Viêm Trung hiện có 7 doanh nghiệp đang hoạt động nhưng vẫn chưa được tỉnh Quảng Nam cấp phép. Xe vận chuyển cát tấp nập ngày đêm không chỉ ảnh hưởng đến đất sản xuất người dân mà còn làm hư hại đường xá và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Ồ ạt hoạt động sau thời gian bị tạm dừng
Theo phản ánh của người dân, khu tập kết cát trái phép này bắt đầu lộng hành sau thời gian tạm dừng hoạt động. Việc tập kết cát, sỏi ban đầu lén lút, giờ công khai cả ngày lẫn đêm. Tàu thuyền tấp nập nối đuôi nhau chở cát về tập kết, hoạt động mạnh ồ ạt nhưng chưa thấy chính quyền địa phương đến để giải quyết.
Ghi nhận của phóng viên, tại đoạn lòng sông Ngân Hà rộng chưa tới 200m nối hai thôn Ngân Hà và Viêm Trung những bãi cát đã mọc lên cao quá một ngôi nhà. Tại bãi có đến 4, 5 chiếc máy xúc hoạt động hết công suất múc cát đổ lên bờ. Người dân cho biết, lúc cao điểm, tàu cát còn neo đậu hàng dài dưới khúc sông, tạo lên một đại công trường tấp nập hoạt động tập kết, trung chuyển mua bán cát, sỏi huyên náo cả một khu vực. Với quy mô bề thế, hoạt động trái phép, công khai như vậy khiến người dân nơi đây đặt câu hỏi, phải chăng việc làm vi phạm trên đang “lộng hành” mà các cấp chưa có phương án xử lý.
Ông N.V.T, người sống gần bãi cát nói rằng: “Sau khi bị tạm dừng một thời gian thì hiện nay các bãi cát đã hoạt động rầm rộ trở lại. Khi thấy báo chí hay đội kiểm tra quy tắc đến thì họ sẽ ngưng hoạt động, các tàu sẽ không chở cát đến nữa giống như là đã biết trước vậy. Nếu cứ để tình trạng này tiếp tục diễn ra có lẽ cuộc sống của người dân quanh đây sẽ bị ảnh hưởng nhiều”.
Không cho phép cũng kinh doanh
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do công tác quản lý nhà nước đối với tài nguyên cát sỏi còn bất cập; tại nhiều nơi, chính quyền địa phương còn buông lỏng kiểm tra và thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm…
Trao đổi với phóng viên, ông Trịnh Văn Lượng, Phó chủ tịch UBND phường Điện Ngọc cho biết theo quy định 3354 của UBND tỉnh Quảng Nam trên địa bàn phường có 7 hộ kinh doanh cát thông thường. Theo ông Lượng, hiện khu vực được quy hoạch 7 bến, bãi với diện tích 10.000m2 nhưng đến nay vẫn chưa được cấp phép hoạt động, chỉ có 1 bến bãi của ông Trần Quang Hy đã có giấy phép hoạt động bến thủy nội địa nhưng vẫn chưa đủ điều kiện hoạt động như: cam kết bảo vệ môi trường, xây dựng quy hoạch bến bãi vv… đặc biệt là chủ trương cho phép hoạt động của UBND TX Điện Bàn. Hộ kinh doanh ông Phạm Văn Thịnh đang làm thủ tục thuê đất của thị xã. Các hộ còn lại gồm: Bà Nguyễn Thị Xáo, bà Mai Thị Lan, bà Nguyễn Thị Thanh, bà Huỳnh Thị Yến, ông Huỳnh Bá Vương là các hộ bị cấm kinh doanh ở Tứ Câu và đưa vào quy hoạch tại bến bãi Viêm Trung nhưng đến nay công tác giải phóng mặt bằng chưa được thực hiện xong.
“Họ so bì vì sao cũng trên 1 khu vực quy hoạch nhưng họ chưa làm được mà ông Hy làm được dẫn đến khó khăn cho địa phương. Hơn nữa hộ ông Hy thuê đất trả tiền hằng năm nhưng hiện tại đang cho các hộ khác thuê để kinh doanh. Hiện tại chúng tôi đang trong quá trình điều tra và xác minh vụ việc. Nếu đúng như vậy chúng tôi đề nghị thị xã xử lý” - ông Lượng nói thêm.
Thế nhưng, một số đối tượng, như: C.Đ, H.V, B.N… thuê một phần đất của ông Hy hoặc lấn chiếm đất do Nhà nước quản lý, tự ý mở bến bãi tổ chức kinh doanh cát lậu tại khu vực sẽ quy hoạch. Điều đáng nói là cát được mua bán tại đây đều có nguồn gốc từ việc khai thác trộm. Hơn nữa là hoạt động kinh doanh của những điểm không phép này diễn ra ì xèo, cả ngày lẫn đêm.
Qua vụ việc có thể thấy rằng, việc dư luận hoài nghi sự buông lỏng quản lý để cho bến bãi tập kết cát trái phép tại khối phố Viêm Trung là có cơ sở. Chính quyền địa phương cần có những phương án xử lý triệt để những sai phạm tránh trường hợp các chủ kinh doanh tiếp tục phớt lờ pháp luật để hoạt động.
Trước đó, vào tháng 4/2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã ký văn bản số 1736/UBND-KTN, về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước, phát huy vai trò của các cấp, ngành trong việc quản lý khoáng sản cát, sỏi lòng sông, cửa biển trên địa bàn tỉnh, nêu rõ: Chủ tịch UBND cấp xã phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra điểm nóng, phức tạp về tình trạng khai thác, kinh doanh cát sỏi trái phép, đưa bến bãi tập kết, trung chuyển, kinh doanh cát, sỏi vào hoạt động khi chưa đủ điều kiện, gây mất an ninh, trật tự trên địa bàn, gây bức xúc trong dư luận.
Qua đó, chỉ cho phép đưa bến bãi vào sử dụng (hoạt động) khi đã có giấy phép hoạt động bến thủy nội địa (đối với trường hợp có sử dụng bến thủy), hoàn thành đầy đủ các hồ sơ, thủ tục pháp lý liên quan. Theo đó, kiên quyết đóng của các bến bãi vi phạm, không xem xét cấp mới đối với doanh nghiệp đã bị xử phạt hành chính, cũng không gia hạn giấy phép hoạt động.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Theo đó, trước những diễn biến phức tạp về tình hình khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam tiếp tục tập trung chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để hoạt động khai thác, vận chuyển cát, sỏi trên địa bàn tỉnh tuân thủ quy định của pháp luật; kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm và trách nhiệm người đứng đầu các địa phương, cơ quan liên quan để xảy ra hoạt động khai thác, vận chuyển cát, sỏi trái phép.