Là tỉnh đầu tiên ban hành bộ tiêu chí du lịch xanh và đã có nhiều hoạt động hiệu quả, song định hướng phát triển du lịch xanh tại Quảng Nam vẫn còn khá nhiều "điểm nghẽn".
>>Việt Nam tự tin phục hồi nền kinh tế
Thông tin từ Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch Quảng Nam, tổng lượt khách tham quan, lưu trú trong tháng 1/2023 đạt 500 nghìn lượt, trong đó khách quốc tế 235 nghìn lượt và khách nội địa 265 nghìn lượt. Doanh từ tham quan, lưu trú du lịch đạt 500 tỷ đồng, tăng 25 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Con từ con số thống kê cho thấy ngành du lịch Quảng Nam đang trên đà phục hồi khá ổn, số lượng khách quốc tế đến Quảng Nam đã tăng đáng kể. Phần lớn, khách quốc tế đến từ các thị trường lớn trước dịch Covid-19 như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, châu Âu cùng một vài thị trường mới nổi như Ấn Độ đều đang phục hồi rất khá.
Để thu hút được các thị trường quốc tế trở lại, tỉnh Quảng Nam được đánh giá là đã đón đầu xu thế mới của sau dịch bệnh là du lịch xanh. Trước mắt, việc phát triển du lịch xanh đã có những hiệu quả rõ ràng, định hướng xu thế tăng trải nghiệm, gắn du lịch với văn hóa bản địa, nông nghiệp,... Qua đó từng bước chiếm ưu thế so với các địa phương khác, được khách du lịch lựa chọn là điểm đến không thể bỏ qua.
Tuy nhiên, bên cạnh những dấu ấn bước đầu, tiến trình phát triển du lịch xanh ở Quảng Nam hiện gặp nhiều vướng mắc. Trong đó, việc thiếu nguồn lực tài chính để triển khai nhiều hoạt động du lịch xanh đến cộng đồng doanh nghiệp đã và đang trở thành trở ngại.
Cùng với đó, nguồn nhân lực để phát triển du lịch xanh hiện rất hạn chế chủ yếu là kiêm nhiệm và tình nguyện. Hiện tại, cộng đồng doanh nghiệp tiên phong đã chuyển đổi mạnh mẽ nhưng cơ chế chính sách chưa hỗ trợ nhiều để tạo động lực,...
Theo các doanh nghiệp, để mục tiêu phát triển du lịch xanh đạt kết quả như đề ra cần có thêm chương trình hành động hậu chứng nhận du lịch xanh, phát triển nguồn tín dụng xanh cho doanh nghiệp đạt tiêu chí xanh, thành lập hội đồng kiểm toán du lịch xanh cần vận hành như một đơn vị tư vấn, đánh giá độc lập và có chi phí vận hành,...
Theo ông Văn Bá Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch Quảng Nam kế hoạch phát triển du lịch xanh là một chủ trương đúng đắn nhưng việc triển khai thực hiện đang ở “giai đoạn thí điểm”, còn ở mức vận động, khuyến khích nên nhiều doanh nghiệp. Ông Sơn cũng nhìn nhận rằng các đơn vị, doanh nghiệp vẫn còn mơ hồ với bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam.
“Cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn boăn khoăn rằng chuyển đổi mô hình du lịch xanh sẽ mang lại cho doanh nghiệp so với việc vận hành thông thường như lâu nay. Hầu hết cấp quản lý du lịch ở cơ sở cũng còn khá mơ hồ về du lịch xanh”, ông Sơn chia sẻ.
Sự thật hiện hữu, những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đã và đang là thách thức rất lớn đối với ngành du lịch Quảng Nam. Tại địa phương, đã có hàng chục doanh nghiệp du lịch từng tiên phong tham gia thực hiện khung chương kế hoạch giảm rác thải vào năm 2019 phải bỏ ngỏ việc tham gia du lịch xanh vì khó khăn bởi tác động của đại dịch.
Ông Trần Thái Do, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Á Đông Villas, chủ đầu tư Silk Sense Hội An River Resort (một đơn vị đã được cấp chứng nhận du lịch xanh) cho rằng định hướng về du lịch xanh của Quảng Nam đang triển khai sẽ thu được nhiều kết quả tốt về mặt dài hạn. Tuy nhiên, ông Do cũng nhìn nhận để doanh nghiệp có động lực theo đuổi quá trình này thì cần đề cập rõ một số lợi ích trong ngắn hạn.
“Có thể nói về lợi ích về marketing hoặc nguồn khách hàng mà họ có thể nhận được khi tham gia du lịch xanh, từ đó mới dần hướng đến lâu dài. Có thể điều này chưa rõ ràng nên lượng đơn vị du lịch tham gia còn khiêm tốn”, ông Do thẳng thắn.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam Phan Xuân Thanh chia sẻ Hiệp hội không có nhiều nguồn tài chính cũng như chưa tiếp cận được ngân sách để triển khai các hoạt động đến cộng đồng doanh nghiệp. Thông tin từ ông Thanh, cộng đồng doanh nghiệp du lịch tiên phong chuyển đổi cũng đã mất nhiều phí tổn nhưng chưa có cơ chế chính sách tạo động lực cho việc chuyển đổi.
“Hội đồng thẩm định, đánh giá du lịch xanh Quảng Nam hiện không có kinh phí vận hành, nguồn tài chính hỗ trợ. Hội đồng này có nhiệm vụ tham mưu cho UBND tỉnh nên cũng phải thông qua nhiều kênh, dẫn đến nhiều rào cản, rất cần chính sách thúc đẩy, mà cụ thể ở đây là sự tự chủ trong huy động cộng đồng du lịch làm du lịch xanh. Ở đó cơ quan quản lý nhà nước sẽ đồng hành tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp làm chủ thể trong việc cấp chứng nhận”, ông Phan Xuân Thanh nói.
Quảng Nam là địa phương đầu tiên cả nước ban hành Bộ tiêu chí du lịch xanh cấp tỉnh cho 6 chủ thể gồm du lịch cộng đồng, doanh nghiệp lữ hành, điểm tham quan, khu nghỉ dưỡng, khách sạn, homestay. Năm 2022, đã có 11 doanh nghiệp, đơn vị được UBND tỉnh Quảng Nam cấp chứng nhận du lịch xanh. Dù vậy con số này chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong số hàng nghìn doanh nghiệp, đơn vị, điểm đến du lịch đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. |
Có thể bạn quan tâm