Quảng Nam: Sạt lở nghiêm trọng do đắp đập ngăn mặn?

TUẤN VỸ 20/10/2022 09:22

Người dân vùng ven sông Vu Gia ở Quảng Nam cho hay khu vực bị sạt lở nghiêm trọng uy hiếp đến nhà cửa, đồng thời đất sản xuất cũng đã bị cuốn trôi nghi xuất phát từ việc đắp đập ngăn mặn.

>>Mòn mỏi chờ nhà ở xã hội tại Đà Nẵng

Nguy cơ mất đất, mất nhà

Theo tìm hiểu, tình trạng sạt lở bờ sông Vu Gia đoạn qua xã Đại An (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) đã diễn ra từ 3 năm nay. Cùng với đó, sau 2 trận mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 4 và số 5, khu vực này càng bị sạt lở nghiêm trọng, nhà cửa của người dân tại khu vực đứng trước nguy cơ bị thiệt hại vì mép nước đã đến ngay phía sau.

Để cảnh báo nhân dân, chính quyền xã Đại An đã giăng dây, gắn biển cảnh báo nguy hiểm để cảnh báo người và phương tiện không đến gần điểm sạt lở bờ sông Vu Gia. Tuy nhiên, tình hìn sạt lở vẫn kéo dài qua từng ngày khiến sợi dây cùng biển cảnh báo càng ngày càng xê dịch dần vào khu vực phía trong khu dân cư.

Sạt lở nghiêm trọng khu vực sông Vu Gia đe dọa đến cuộc sống của người dân địa phương.

Sạt lở nghiêm trọng khu vực sông Vu Gia đe dọa đến cuộc sống của người dân địa phương.

Người dân địa phương cho rằng nguyên nhân khiến bờ sông Vu Gia sạt lở là do  tỉnh Quảng Nam có chủ trương đắp đập tạm trên sông Quảng Huế để lấy nước về giải mặn cho TP. Đà Nẵng. Theo đa số ý kiến, việc sạt lở nghiêm trọng hơn kể từ khi con đập bắt đầu hình thành.

Theo ông Ngô Xung, người dân xã Đại An, hiện tại khoảng cách từ mép nước Vu Gia đến nhà ông chỉ còn chưa đầy 15m. Người này cho biết từ những năm trở lại đây, nhiều diện tích đất canh tác của người dân địa phương đã bị kéo tuột xuống dưới sông vì sạt lở sau mỗi mùa mưa lũ.

“Mưa lớn kéo dài cùng với ảnh hưởng của trận lũ vào giữa tháng 10 vừa qua khiến bờ sông lâm vào tình trạng sạt lở nặng, mép nước hiện đã tiến hơn chục mét so với trước. Cùng với đó, hàng cây số bờ kè bảo vệ hai bên bờ sông cũng đã bị đánh sập, hiện tại gia đình tôi phải thu dọn đồ đàng để chuẩn bị sơ tán đến vùng an toàn hơn, nhưng ngôi nhà thì vẫn trong trạng thái bị nước đe dọa”, ông Xung lo lắng.

Vệt sạt lở ngày càng kéo dài khiến chính quyền địa phương phải di dời người dân đến khu vực an toàn hơn.

Vệt sạt lở ngày càng kéo dài khiến chính quyền địa phương phải di dời người dân đến khu vực an toàn hơn.

Chung nỗi lo với ông Xung, bà Phạm Thị Hồng cho hay ngôi nhà mình đang sinh sống cũng dần trở trên không an toàn khi chỉ cách điểm sạt lở trên 20m. Theo bà Hồng, trước đây gia đình có đất sản xuất nhưng rồi cùng đã bị sạt lở, chẳng thể canh tác được.

“Không sản xuất được, nếu nhà cửa cũng bị hư hại do sạt lở thì người dân chúng tôi xem như mất hết. Nhà nước cần sớm có phương án xây dựng bờ kè bảo vệ khu dân cư để đảm bảo an toàn nhà cửa cho nhân dân ổn định cuộc sống và đảm bảo sản xuất”, bà Hồng nói.

Xem xét lại việc đắp đập

Để đảm bảo an toàn trong khu vực, chính quyền địa phương đã tiến hành di dời khẩn cấp nhiều hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở bờ sông Vu Gia. Cùng với đó, các lực lượng chức năng cũng tiến hành khảo sát, tìm hướng khắc phục tình trạng sạt lở để giảm thiệt hại trong thời gian tới.

Theo ông Đỗ Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Đại An cho hay hiện tại địa phương đang tập trung di dời xen ghép 7 hộ dân nằm gần khu vực sạt lở đến nơi an toàn. Vị này cho rằng việc đắp đập tạm trên sông Quảng Huế để lấy nước về giải mặn cho TP. Đà Nẵng là hợp lý. 

Địa phương tiến hành khảo sát tại khu vực, đồng thời cũng sẽ kiến nghị xem xét lại việc đắp đập ngăn giải mặn cho TP. Đà Nẵng

Địa phương tiến hành khảo sát tại khu vực, đồng thời cũng sẽ kiến nghị xem xét lại việc đắp đập ngăn để giải mặn cho TP. Đà Nẵng.

“Tuy nhiên, quá trình đắp đập khiến độ chênh lệch trên và dưới đập mực nước quá cao. Do đó, khi lũ về dòng nước chảy mạnh từ trên đổ xuống gây xói lở. Ban đầu thì xói lở một khoảng nhưng càng ngày việc xói lở càng mạnh hơn”, ông Đỗ Văn Hòa thông tin.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết chính quyền địa phương đã huy động máy móc, vật tư và nhân lực để triển khai biện pháp dùng các bao tải cát, cọc tre nhằm giữ chân mái taluy bị sạt. Về biện pháp lâu dài, địa phương này sẽ kiến nghị tỉnh Quảng Nam hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng lại đoạn kè này xung quanh khu vực này.

“Đồng thời, chúng tôi sẽ làm việc với các cơ quan liên quan xem xét kỹ lại đập tạm trên sông Quảng Huế”, Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho hay.

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Nam rà soát các dự án chậm tiến độ

    Quảng Nam rà soát các dự án chậm tiến độ

    13:59, 18/10/2022

  • Quảng Nam yêu cầu cấp “sổ đỏ” cho người dân dự án Nam Hội An

    Quảng Nam yêu cầu cấp “sổ đỏ” cho người dân dự án Nam Hội An

    20:16, 17/10/2022

  • Quảng Nam tập trung ứng phó mưa lũ nơi vùng cao

    Quảng Nam tập trung ứng phó mưa lũ nơi vùng cao

    00:00, 12/10/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quảng Nam: Sạt lở nghiêm trọng do đắp đập ngăn mặn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO