Các Hội khởi nghiệp tại Quảng Nam đang từng bước cho thấy vai trò của mình trong việc hỗ trợ các chủ thể khởi nghiệp, đồng thời các Hội cũng cần được “trợ lực” để phát triển bền vững.
>>Cầu nối với hệ sinh thái khởi nghiệp Quảng Nam
Là địa phương đầu tiên và duy nhất triển khai Ngày hội khởi nghiệp cấp huyện, Quảng Nam đã cho thấy công tác hỗ trợ, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn đang phát triển mạnh mẽ. Đến nay, đã có 14/18 huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thành lập Hội khởi nghiệp, với 4 địa phương còn lại đặt mục tiêu tổ chức đại hội thành lập trước tháng 6/2024.
Nhìn lại chặng đường năm 2023, công tác hỗ trợ khởi nghiệp tại Quảng Nam đã gặt hái được nhiều thành công rực rỡ. Nhiều chủ thể đạt giải cao trong các cuộc thi từ cấp địa phương đến cấp vùng, cấp Trung ương. Cùng với đó, có 2 sản phẩm vinh dự đạt cả giải nhất và nhì tại Chương trình phát triển dự án khởi nghiệp quốc gia.
Nhìn lại một năm hoạt động sôi nổi, các Hội khởi nghiệp cấp huyện đã đóng vai trò tích cực trong hướng dẫn, kết nối các chủ thể với nhau. Từng bước, một hệ sinh thái khởi nghiệp cấp huyện được hình thành và phát triển theo hướng bền vững, trở thành nhân tố quan trọng với hệ sinh thái khởi nghiệp cấp tỉnh.
Ông Nguyễn Đăng Việt – Chủ tịch Hội khởi nghiệp sáng tạo huyện Duy Xuyên cho hay Hội đã tổ chức Đại hội lần thứ 1, nhiệm kỳ 2023-2028 trong khuôn khổ sự kiện năm Quốc gia khởi nghiệp – Quảng Nam 2023 vào tháng 4 vừa qua. Theo ông Việt, trong bối cảnh hiện nay, phong trào khởi nghiệp đã lan tỏa rộng khắp, tinh thần doanh nhân, khát vọng khởi nghiệp bắt đầu khởi sắc, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là một động lực, nguồn lực quan trọng trong phát triển của mỗi địa phương.
“Đến nay, Hội đã có hơn 70 thành viên và các chủ thể khởi nghiệp luôn nỗ lực để tìm hướng đi phát triển, mở rộng thị trường, kết nối với nhau để dìu nhau qua những khó khăn trong hành trình nhiều gian nan. Đặc biệt hơn, tháng 9 vừa qua, UBND huyện cũng đã tổ chức Ngày hội khởi nghiệp, chuyển đổi số, kết nối việc làm và giao thương sản phẩm OCOP, du lịch huyện Duy Xuyên năm 2023 với các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm khởi nghiệp,... mang lại ý nghĩa rất quan trọng trong tiến trình thúc đẩy phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, kích cầu, lan tỏa khát vọng khởi nghiệp, sẽ chia cùng cộng đồng và hướng đến đa dạng hóa các sản phẩm phục vụ phát triển du lịch của từng địa phương nói riêng và của huyện Duy Xuyên nói chung.
Từ đó đã tạo động lực và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, tạo sức bật cho mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện. Đẩy mạnh liên kết Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, kết nối các chủ thể, phát triển mạnh phong trào khởi nghiệp sáng tạo trong thanh niên, nông dân, phụ nữ trên địa bàn huyện”, ông Nguyễn Đăng Việt cho hay.
Một mô hình khác là Hội khởi nghiệp sáng tạo huyện Hiệp Đức ra mắt từ năm 2018 tuy nhiên lại tốn rất nhiều thời gian để thành lập. Bà Nguyễn Thị Minh Thủy - Chủ tịch hội cho hay Hiệp Đức ra mắt câu lạc bộ khởi nghiệp rất hoành tráng nhưng sau đó hoạt động không hiệu quả.
“Một trong những nguyên nhân là do câu lạc bộ không có tư cách pháp nhân. Đến năm 2021 với tâm huyết của bản thân, tôi đứng ra thành lập ban vận động thành lập hội, và đến tháng 7/2023 thì mới tổ chức đại hội chính thức thành lập Hội khởi nghiệp sáng tạo huyện”, bà Thủy cho hay.
Trên thực tế, để thành lập và ra mắt một Hội khởi nghiệp cấp địa phương là một vấn đề đơn giản. Tuy nhiên, để vận hành “trơn tru”, phát triển bền vững là một bài toán cần phải tính kỹ. Từ câu chuyện pháp nhân, đến kinh phí hoạt động, sản phẩm chủ lực,... cần được từng địa phương cấp huyện xem xét.
Ông Phạm Ngọc Sinh – Phó Giám đốc Sở KH&CN, Trưởng Ban điều hành hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Nam cho hay việc thành lập Hội khởi nghiệp cấp huyện đã có nhiều đóng góp vào thành công của Năm khởi nghiệp – Quảng Nam 2023. Ông Sinh cũng cho biết tỉnh Quảng Nam có rất nhiều chính sách hỗ trợ các Hội khởi nghiệp, và nguồn kinh phí dành cho việc hỗ trợ trong năm 2023 vẫn không thể dùng hết.
“Vì vậy, các Hội phải tích cực hoạt động để từng bước phát triển, định hưỡng xuyên suốt là hướng tới sự bền vững. Trong năm 2024, tỉnh Quảng Nam vẫn sẽ tích cực hỗ trợ các Hội, chủ thể khởi nghiệp và nguồn kinh phí cho việc này khá lớn, các Hội cần tận dụng”, ông Sinh nói.
Trong khi đó, ông Đinh Việt Hòa - Chủ tịch Hiệp hội khởi nghiệp Quốc gia nhìn nhận Hội hay hiệp hội đề chung nền tảng cốt lõi là con người, là thành viên, hội viên. Theo ông Hòa, nếu từng cá nhân trong hội không tích cực thì Hội chỉ là cái “hộp rỗng”.
“Vai trò của Hội khởi nghiệp là giúp hội viên, doanh nghiệp của mình phát triển. Do đó, để phát huy vai trò, hội nên thường xuyên tổ chức gặp mặt để chia sẻ, kết nối, giúp đỡ lẫn nhau. Hội phải là nơi để mọi người “chăm sóc” nhau, phát triển các mối quan hệ”, ông Hòa nói.
Có thể bạn quan tâm
Công ty khởi nghiệp xe điện vươn mình ra thị trường thế giới trước thềm IPO
01:02, 08/01/2024
Hội đồng Tư vấn và Hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam: Góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam
21:50, 05/01/2024
Chung kết cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo 2023: Dự án Trà gạo trái cây Nhân Bình giành giải nhất
16:36, 05/01/2024
Quảng Nam chung tay xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
01:31, 04/01/2024
Đồng Tháp điểm đến hấp dẫn cho những chương trình khởi nghiệp
06:03, 03/01/2024
Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là động cơ tăng trưởng nền kinh tế
11:28, 02/01/2024