Được đánh giá là một trong những trụ cột dẫn dắt mới trong tăng trưởng kinh tế, tỉnh Quảng Ninh đang đặt niềm tin lớn vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của địa phương.
>>>Quảng Ninh: Tăng sức hấp dẫn từ những sản phẩm du lịch mới
>>>Quảng Ninh tăng sức hút cho các khu công nghiệp
Khẳng định vai trò dẫn dắt mới
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 1.098 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Từ đầu năm đến nay, địa phương này đã thu hút mới 10 dự án, điều chỉnh 2 dự án vào KCN, KKT với tổng số vốn đầu tư đăng ký là hơn 623 triệu USD. Trong đó 10/11 dự án thuộc lĩnh vực chế biến chế tạo.
Đến thời điểm hiện tại nhiều sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo mang tính chủ lực trong thống kê tính chỉ số tăng trưởng kinh tế GRDP đều đã và đang vượt sản lượng so với dự kiến ban đầu, mức tăng trưởng trong quý I/2024 đạt 25,95%.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh, trong tháng 5/2024, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục thể hiện vai trò dẫn dắt mới trong tăng trưởng kinh tế khi tăng trưởng 35,02% và ước 5 tháng tăng 36,12% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, các ngành công nghiệp truyền thống của tỉnh tiếp tục duy trì ổn định, trong đó sản lượng than ước 5 tháng đạt 18,3 triệu tấn (bằng 83,6% kịch bản tăng trưởng).
Thực tế, công nghiệp chế biến, chế tạo được tỉnh Quảng Ninh xác định là một trong những ngành kinh tế quan trọng và trở thành một trong 3 trụ cột chính của nền công nghiệp. Địa phương này hiện đang là địa điểm đầu tư các dự án lớn của hàng loạt các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, với hàng loạt dự án tầm cỡ của các nhà đầu tư tên tuổi, tiềm năng.
Theo đại diện Công ty Tonly Việt Nam, hạ tầng giao thông đồng bộ, nguồn nhân lực dồi dào, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương chính là lý do để công ty tiếp tục đầu tư dự án sản xuất tại Quảng Ninh. Trong định hướng phát triển tầm nhìn dài hạn, phía công ty vẫn tiếp tục nghiên cứu, đầu tư thêm các dự án mới tại KCN này. Qua đó, sẽ hiện thực hóa mục tiêu từng bước hình thành chuỗi dây chuyền sản xuất đồng bộ, hiệu quả.
Đặt mục tiêu lớn
Tỉnh Quảng Ninh đang đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 thu hút khoảng 2 tỷ USD/năm vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, giai đoạn 2026-2030, phấn đấu mỗi năm thu hút 3 tỷ USD. Tỷ trọng đóng góp cho GRDP hằng năm của nhóm ngành này đến năm 2025 khoảng 20%; tốc độ tăng trưởng của ngành hằng năm đạt 20% trở lên...
Để hoàn thành mục tiêu này, tỉnh Quảng Ninh đã quyết liệt chỉ đạo triển khai các giải pháp như: tiếp tục tập trung cải cách hành chính, đa dạng hóa các hình thức xúc tiến đầu tư, chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết, đẩy nhanh tiến độ GPMB… nhằm nắm bắt thời cơ, đón đầu, thu hút làn sóng dịch chuyển vốn FDI. Đặc biệt, để phát huy thế mạnh, nâng tầm giá trị, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đưa ra những định hướng và giải pháp mới nhằm thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Địa phương này đã và đang tháo gỡ vướng mắc của các dự án lớn trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo do các nhà đầu tư chiến lược trong, ngoài nước nghiên cứu; thu hút có chọn lọc dự án FDI chất lượng cao vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông động lực kết nối các khu kinh tế trọng điểm trên địa bàn với các trung tâm kinh tế của miền Bắc, hoàn thiện hạ tầng KKT ven biển Quảng Yên, hạ tầng các KCN Sông Khoai, Bắc Tiền Phong, Nam Tiền Phong…
Theo ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, năm 2024 để giữ vững tốc độ tăng trưởng GRDP 2 con số, phải đảm bảo tăng nhanh quy mô, tỷ trọng đóng góp vào GRDP và thu ngân sách của công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư FDI thế hệ mới… Tỉnh Quảng Ninh phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với phát triển các KCN bền vững theo mô hình “3 trong 1” gồm: khu công nghiệp - khu đô thị - khu dịch vụ, với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại.
Việc tập trung cho nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng là một trong những yếu tố quan trọng để Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quá trình chuyển dịch mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”. Qua đó tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghệ thông minh.
Theo đại diện Sở Công thương tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Quảng Ninh xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại khu vực công nghiệp, phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo có giá trị tăng cao. Sở đã đề xuất UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh... Đồng thời, tập trung phát triển các KKT, nhất là KKT ven biển, phát huy lợi thế cảng biển, xây dựng mối liên kết phát triển logistics.
Mới đây, tại phiên họp thường kỳ tháng 5/2024 của UBND tỉnh Quảng Ninh để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong tháng; triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác tháng tiếp theo, ông Cao Tường Huy - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã đề nghị các đơn vị cần bám sát các đề án, kế hoạch, chương trình hành động của tỉnh để tích cực thực hiện hiệu quả các công việc.
Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung thực hiện quyết liệt mục tiêu tăng trưởng GRDP 6 tháng năm 2024 đạt 9%; các ngành công nghiệp như Than, Điện tiếp tục triển khai giải pháp tăng năng suất; đẩy mạnh công tác hỗ trợ, xúc tiến đầu tư, phấn đấu thu hút FDI 6 tháng đạt khoảng 1,48 tỷ USD.
Cũng theo ông Cao Tường Huy, tỉnh Quảng Ninh sẽ không thu hút FDI bằng mọi giá, mà ưu tiên các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, thân thiện môi trường, suất vốn đầu tư cao, giá trị gia tăng lớn, đóng góp tích cực vào tăng trưởng và thu ngân sách.
Có thể bạn quan tâm