Trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng (VLXD) tại Quảng Ninh do thiếu bãi tập kết nên gặp rất nhiều khó khăn.
Theo quy hoạch sử dụng cát, sỏi xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 được phê duyệt tại Quyết định 3166/QĐ-UBND của UBND tỉnh, trên địa bàn TP Móng Cái chỉ có duy nhất một điểm là Cảng Thọ Xuân, phường Hòa Lạc, được quy hoạch làm cảng, bến bãi vật liệu cát, sỏi.
Song thực tế tại địa phương hiện có 15 cảng, bến tập kết, hoạt động kinh doanh VLXD dựng cát, sỏi, đá, gạch... Trong đó, có 6 cảng, bến được cấp phép; 9 cảng, bến chưa được cấp phép. Ngoài ra còn một số bãi tập kết nhỏ lẻ tạm thời của các tổ chức, cá nhân để thực hiện thi công các dự án, công trình tại địa phương.
TP Móng Cái đã yêu cầu các tổ chức, cá nhân nghiêm cấm hoạt động neo đậu các phương tiện thủy nội địa để bốc xếp hàng hóa, vật liệu xây dựng tại bề mặt bến, bãi. Dừng hoạt động tập kết vật liệu xây dựng cát, đá, sỏi tại bến, bãi bắt buộc đối với các tổ chức, cá nhân, gồm: Công ty TNHH Mạnh Tùng, Công ty TNHH Thành Ngọc, Công ty TNHH 1TV San lấp và Xây dựng Dũng Mạnh, Công ty TNHH MTV Tấn Ca, Công ty TNHH Vinh Ngàn, hộ gia đình ông Bùi Văn Nghiêm.
“Cực chẳng đã, chẳng ai muốn vi phạm. Cũng chỉ vì thành phố Móng Cái thiếu quy hoạch bến, bãi, trong khi trước đó doanh nghiệp chúng tôi đã đầu tư nhiều trang thiết bị, rồi phải lo cho biết bao công nhân lao động. Cùng với dịch bệnh, rồi lại phải di chuyển thì đúng là khó khăn chống chất khó khăn”, đại diện một doanh nghiệp nói
Ngay cả việc chấp hành việc di dời thì các doanh nghiệp này cũng không biết di dời đi đâu. Mong muốn của họ là, chính quyền địa phương cần tạo điều kiện để doanh nghiệp có được bến bãi ổn định theo đúng quy định.
Có thể bạn quan tâm
05:42, 17/06/2018
16:16, 19/11/2019
23:00, 02/09/2019
21:15, 30/01/2019
04:50, 23/03/2020
Đây cũng là câu chuyện đã và đang tồn tại tại thành phố Hạ Long, một thành phố có mức độ xây dựng rất lớn đã được Báo DĐDN phản ánh vào cuối năm 2018.
Cụ thể, ông Bùi Xuân Khoản, Giám đốc công ty Cát Sông Lô chia sẻ, ở thành phố Hạ Long, hiện cát, sỏi khan hiếm và giá đã tăng khoảng gần gấp rưỡi so với trước đây, bởi Hạ Long hiện giờ được ví như một “Đại công trường” của Quảng Ninh, các công trình lớn nhỏ đều đang được triển khai xây dựng rầm rộ”.
Để đảm bảo cát phục vụ thi công, doanh nghiệp chúng tôi đã phải thuê bãi chứa cát tại các điểm dân cư với giá 40 triệu đồng/tháng. “Tôi thấy việc kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết cát, sỏi là cần thiết. Tuy nhiên, cần phải có giải pháp để ổn định nhu cầu về vật liệu cát sỏi. Với tình hình như hiện nay, rất khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.” ông Khoản nói.
Đặc biệt, vấn đề lao động việc làm và món nợ vay ngân hàng đang là nỗi lo. Ông Khoản trao đổi thêm, để mua sắm máy móc, thiết bị và vốn kinh doanh, tôi đã vay ngân hàng hàng tỷ đồng. Bên cạnh đó là việc làm, thu nhập của 20 lao động. Chúng tôi chấp hành nghiêm chỉ đạo của tỉnh, nhưng đề nghị các cấp xem xét quy hoạch địa điểm, để chúng tôi tiếp tục sản xuất, kinh doanh, kéo dài ngày nào, doanh nghiệp và người lao động sẽ rất khó khăn.
Sau phản ánh của DĐDN thời điểm đó, thành phố Hạ Long đã trình văn bản lên tỉnh đề nghị xem xét quy hoạch bến, bãi cho các doanh nghiệp VLXD. Thông tin trên làm nhiều doanh nghiệp vui mừng, tuy nhiên đến nay đã qua hơn một năm doanh nghiệp vẫn cứ khổ sở chờ đợi.
Một số doanh nghiệp đã không thể cầm trụ buộc phải chuyển hướng kinh doanh, các doanh nghiệp khác thì cố gắng được ngày nào hay ngày đó.
Một đô thị đang phát triển mạnh như Hạ Long, Móng Cái nguồn cung cấp vật liệu xây dựng là rất cần thiết. Quy hoạch một điểm tập kết VLXD cho các doanh nghiệp này là việc cần làm ngay của chính quyền địa phương, để doanh nghiệp có thể ổn định đời sống và hoạt động sản xuất kinh doanh.