Để du lịch bứt phá, Quảng Ninh đã, đang tiến tới hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh có sự gắn kết các chủ thể từ khách du lịch, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và cơ quan quản lý nhà nước.
>>>Quảng Ninh: Từ du lịch đến Hội chợ OCOP
>>>Sự trở lại của du lịch Quảng Ninh
Tận dụng triệt để cuộc cách mạng 4.0…
Du lịch trong thời đại công nghệ, khi du khách có xu hướng tự khám phá, trải nghiệm, chủ động tìm kiếm thông tin, tự lên lịch trình, đặt phòng nghỉ, nhà hàng... thì những ứng dụng hỗ trợ cung cấp thông tin du lịch là vô cùng cần thiết.
Nhận thấy chuyển đổi số trong hoạt động du lịch là hướng đi tất yếu để tự cứu lấy mình sau cú "rơi thẳng đứng" vì dịch COVID-19, ngành du lịch Quảng Ninh đã chú trọng mục tiêu này. Hiện, tỉnh Quảng Ninh đã phát triển kho tích hợp dữ liệu du lịch và cổng thông tin điện tử về du lịch tại địa chỉ “halongtourism.com.vn”, “discoverhalong.com” bằng cả 3 ngôn ngữ: Việt, Anh, Trung. Thông qua các trang thông tin này, du khách có thể tìm kiếm đầy đủ thông tin về điểm đến, dịch vụ giải trí, các lễ hội, ẩm thực độc đáo, cơ sở lưu trú, mua sắm... cùng bản đồ số du lịch, hướng dẫn đặt phòng trực tuyến, đặt trước xe theo lịch trình, đường dây nóng hỗ trợ và phản ánh chất lượng du lịch…
Ngoài ra, Quảng Ninh đã đẩy mạnh ứng dụng thông tin, trang bị cơ sở hạ tầng công nghệ tại các điểm đến, lắp đặt wifi miễn phí, quảng bá trực tuyến. Nhiều sản phẩm du lịch của tỉnh Quảng Ninh đã được du khách trong và ngoài nước biết đến thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, tiktok, instagram…
Theo ông Phạm Hải Quỳnh - CEO Du lịch Vân Hải Xanh, Chủ tịch Hội Du lịch Cộng đồng Việt Nam, chia sẻ: Chuyển đổi số là thời cơ, động lực cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch thay đổi phương thức quản lý, cách thức tiếp cận, xúc tiến, quảng bá tới khách hàng. Bởi khi ngành du lịch áp dụng chuyển đổi số, thay vì phải đến công ty du lịch, lựa chọn trong hàng trăm gói tour, dịch vụ, khách hàng chỉ với chiếc điện thoại thông minh sử dụng các ứng dụng số có thể thấy rõ được sự hấp dẫn của điểm đến. Từ đó, lên kế hoạch chi tiết cho chuyến đi và đưa ra những lộ trình phù hợp nhất…
Còn theo bà Đỗ Thúy Hằng - Phó trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch, BQL Vịnh Hạ Long, vừa qua, BQL Vịnh Hạ Long đã phối hợp với Viettel Quảng Ninh xây dựng phần mềm tích hợp dịch vụ hành khách qua cảng tàu du lịch theo hoá đơn điện tử. Theo đó, việc thu phí tham quan danh lam thắng cảnh Vịnh Hạ Long tích hợp dịch vụ hành khách qua cảng tàu du lịch theo hoá đơn điện tử hiện được áp dụng cho khách du lịch tham quan ban ngày và tham quan lưu trú nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long, chứng từ thu là vé tham quan chuyển đổi theo hóa đơn điện tử. Trên vé ghi tuyến tham quan, loại vé, đơn vị cấp vé, giá tiền, ngày sử dụng... Ngoài ra, hóa đơn điện tử sử dụng hai ngôn ngữ là tiếng Việt và tiếng Anh để giúp du khách trong nước và nước ngoài dễ dàng theo dõi.
Để du lịch bứt phá
Theo các chuyên gia nhận định, chuyển đổi số không chỉ đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng từ trải nghiệm chân thực, phong phú đến cam kết tính minh bạch, nhanh chóng, thuận tiện mà còn mang lại nhiều lợi ích trong quá trình phục hồi cũng như định hướng phát triển ngành du lịch Quảng Ninh.
>>>Doanh nghiệp du lịch Quảng Ninh đón đầu cơ hội
>>>Mang đến “diện mạo” mới, du lịch Quảng Ninh kỳ vọng không dưới 10 triệu lượt du khách
Thông tin từ Sở Du lịch Quảng Ninh cho biết, chỉ tính riêng trong ngày 30/4, lượng khách đến tham quan, trải nghiệm tại các khu, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ trên địa bàn tỉnh ước đạt gần 100.000 lượt khách. Trong đó, khách thăm Vịnh Hạ Long đạt 24.383 lượt; Bảo tàng tỉnh đạt trên 4.000 lượt; Yên Tử trên 3.500 lượt; Chùa Ba Vàng 10.000 lượt; Đền Cửa Ông: 1.487 lượt; khu vui chơi Sun World Halong Complex đạt trên 20.000 lượt…
Con số này cho thấy, du lịch Quảng Ninh đang hồi phục mạnh mẽ sau thời gian dài “đóng băng” do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Đặc biệt, việc áp dụng công nghệ số vào phát triển, chia sẻ sản phẩm du lịch đến khách hàng, tiếp cận khách hàng cũng là một kênh đóng góp lớn vào sự thay đổi diện mạo du lịch này. Bởi, nhờ sự hỗ trợ của chuyển đổi số, khách hàng có thể so sánh giữa các đại lý và kiểm tra phản hồi từ những người dùng trước về các điểm du lịch. Ngoài ra, chuyển đổi số trong du lịch còn tạo ra sự khác biệt, mới lạ khi du khách hoàn toàn có thể yêu cầu một chuyến tham quan ảo đến điểm đến mong muốn của họ… trước khi “chốt” một chuyến đi.
Trong năm 2022, tỉnh Quảng Ninh đã mở cửa hoàn toàn các dịch vụ du lịch, với quyết tâm thu hút trên 10 triệu lượt khách, trong đó là 1,5 triệu lượt khách quốc tế. Để đạt được mục tiêu này, thời gian tới, ngành du lịch Quảng Ninh sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp để đẩy mạnh chuyển đổi số; đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ du lịch thông minh như: Bản đồ số du lịch, thẻ du lịch thông minh, ứng dụng thuyết minh du lịch, ứng dụng du lịch trên nền tảng di động... vào phục vụ du khách. Đồng thời, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số để quản lý, điều hành du lịch; hình thành các sản phẩm du lịch số bằng công nghệ thực tế ảo, số hóa điểm đến du lịch bằng giao diện ảnh 360, 3D… Ngành du lịch Quảng Ninh cũng đang xây dựng phương án triển khai thí điểm mô hình phố thông minh không dùng tiền mặt tại khu du lịch Tuần Châu để tạo thuận lợi cho du khách khi trải nghiệm các dịch vụ tiện ích trong quá trình du lịch tại Quảng Ninh.
Ông Phạm Ngọc Thủy - Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh đã và đang cùng với các địa phương trong cả nước tiến tới hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh có sự gắn kết các chủ thể từ khách du lịch, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và cơ quan quản lý nhà nước để phát huy lợi ích của công nghệ số.
Cũng theo ông Thuỷ, để có thể phát triển du lịch số tầm vĩ mô, trên nền tảng công nghệ số mà các sở, ngành, các đơn vị, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã và đang triển khai, hy vọng ngành du lịch của địa phương tiếp tục nhận được quan tâm chỉ đạo, định hướng của các bộ, ngành, chính quyền địa phương. Về phía các doanh nghiệp du lịch tại Quảng Ninh cũng cần nhanh chóng bắt nhịp chuyển đổi số, xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu; đổi mới phương pháp quản lý, điều hành, phát triển trên cơ sở phân tích các dữ liệu một cách khoa học; kịp thời đề xuất các giải pháp với các cơ quan chức năng...
Theo ông Nguyễn Thành Trung - CEO Công ty Adver, nhà sáng lập ứng dụng tripmap cho biết, hiện Công ty đang tập trung phát triển nội dung cho du lịch Hạ Long, Quảng Ninh. Riêng tại khu vực Hạ Long, tripmap đã xây dựng được mạng lưới với 20 “thổ địa” là những người dân địa phương ở các mảng như nhà hàng, khách sạn, điểm đến... Các “thổ địa” sẽ là người cung cấp thông tin chính xác, thường xuyên cập nhật lên hệ thống để đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy cho điểm đến.
Có thể bạn quan tâm