Nhằm bắt kịp với sự phát triển của thời đại 4.0, các doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh đã và đang nỗ lực tiếp cận, đầu tư để thích ứng với CĐS, tạo hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh.
>>>Quảng Ninh: Bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản trên Vịnh Hạ Long
Xu thế thời đại
Theo anh Trần Thanh Hải – trạm trưởng Nhà máy nước Hoành Bồ, Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh cho biết: Từ ngày Công ty nâng cấp nhà máy với dây chuyền mới, công nghệ mới thì cán bộ công nhân viên trong nhà máy rất thuận tiện trong công tác vận hành, chuyển từ vận hành bằng tay sang vận hành tự động. Chất lượng nước được đảm bảo, rút ngắn thời gian xử lý nước, chất lượng nước tốt đảm bảo cho khách hàng. Thiết bị hiện đại, tự động hóa cũng giúp cho cán bộ công nhân viên kịp thời phát hiện và xử lý sự cố nhanh, đảm bảo cấp nước an toàn.
Hướng tới hệ thống cấp nước thông minh, Quawaco cũng đang hướng đến sử dụng các thiết bị công nghệ cao như hệ thống quản lý lưu lượng và áp lực từ xa, scada với 230 điểm giám sát trên toàn hệ thống mạng cấp nước.
Điều này giúp tăng hiệu quả vận hành, giảm chi phí nhân lực và cải thiện khả năng phản ứng nhanh chóng với các sự cố. Đặc biệt, doanh nghiệp cũng đã đẩy mạnh các ứng dụng nền tảng số, công nghệ số trong kinh doanh để nâng cao trải nghiệm khách hàng, điển hình như kênh chăm sóc khách hàng qua zalo OA, ứng dụng MyQuawaco, thanh toán hóa đơn tiền nước không dùng tiền mặt giúp khách hàng tiết kiệm thời gian, chủ động thanh toán và tăng tương tác giải quyết bất cập, sự cố.
Ông Trịnh Văn Bình – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh: “Trong thời gian tới thì Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh tiếp tục là ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa CĐS trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình với mục tiêu đảm bảo an toàn an ninh cấp nước, hiện đại hóa hệ thống cấp nước, tiến tới cấp nước thông minh.
Chúng tôi tiếp tục mạnh mẽ hơn nữa hoạt động CĐS, ứng dụng trong nhà máy và ứng dụng các tiện ích đối với các dịch vụ chăm sóc khách hàng, tiến tới đưa Quawaco trở thành một trong những đơn vị có tốc độ chuyển đổi số nhanh trong toàn tỉnh”.
Hiện ứng dụng CĐS cũng giúp cho Công ty TNHH Phương Đông Hạ Long nâng cao được hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đa dạng hóa các sản phẩm, đáp ứng nhu cầu khách hàng. Hiện tại doanh nghiệp đang áp dụng chuyển đổi số trong khâu quản lý nhân sự, điều hành công việc, sử dụng công nghệ AI trong thiết kế, in ấn, soạn thảo văn bản, các phần mềm kê khai thuế, bảo hiểm xã hội.
Qua đó, mang lại thuận lợi trong quản lý, tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Đặc biệt, tham gia vào nền tảng thương mại điện tử cũng giúp những sản phẩm của doanh nghiệp này không chỉ có mặt tại các tỉnh thành trong cả nước mà vươn đến thị trường quốc tế như Lào, Campuchia.
Ông Trịnh Văn Đông – Giám đốc Công ty TNHH Phương Đông Hạ Long cho biết: Hiện nay, trong hoạt động sản xuất, Công ty cũng đang biết sử dụng số hóa, tất cả thời gian lấy hàng, giao hàng, vật tư… chúng tôi cũng nắm bắt được. Như vậy, chúng tôi cũng tiết kiệm được rất nhiều chi phí, tiền bạc, thời gian cho sản xuất kinh doanh, quản lý, từ khâu nhập xuất hàng, bán hàng. Như phần mềm Misa, chúng tôi chuyển từ hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử, đem lại nhiều thuận lợi vì nó có thể xuất ngay trong ngày, chúng ta có thể kiểm tra ngay từ đầu hóa đơn đầu vào, hóa đơn có chuẩn không, có chính xác không.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghệ 4.0, nhiều doanh nghiệp cũng đã và đang tận dụng tối đa tiện ích của công nghệ, nền tảng số để gia tăng giá trị kinh doanh, mở rộng đầu ra tiêu thụ sản phẩm.
Theo ông Phan Mạnh – Chủ cơ sở sản xuất sá sùng Mạnh Nhung, TP Hạ Long, Quảng Ninh: Cũng đang học tập các kênh livestream ở Tik tok – một kênh phát triển, mình cũng đã đạt được nhiều doanh số trên nền tảng này. Ngoài ra, mình cũng đang phát triển các kênh Fanpage Facebooj=k, chạy quảng cáo trên các nền tảng như chạy website. Các nền tảng này được đánh giá là mới, tiếp cận được nhiều bạn trẻ. Chúng tôi cũng đạt được khá nhiều lợi nhuận trên các kênh này.
Tích cực thúc đẩy...
Ông Ngô Quang Ninh – Giám đốc Công ty CP Sữa An Sinh Đông Triều, Quảng Ninh cho biết: Khi áp dụng được hệ thống dây chuyền máy móc giúp cho chúng tôi giảm được chi phí vận hành, chi phí sản xuất, chất lượng sản phẩm được đồng đều, nâng cao, đa dạng hóa thêm sản phẩm. Thời gian sắp tới, chúng tôi đang liên kết với các nhà máy lớn để cho ra các sản phẩm sữa tiệt trùng, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Việc CĐS cũng được áp dụng vào sản xuất, nuôi trồng thủy sản trong ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh. Điển hình là khu vực phức hợp sản xuất giống công nghệ cao Việt Úc Quảng Ninh, tại xã Tân Lập, huyện Đầm Hà do Tập đoàn Việt Úc làm chủ đầu tư có quy mô gần 170 ha.
Thực hiện chủ trương số hóa trong sản xuất, công ty đã đầu tư khu nhà sản xuất, khu sản xuất thức ăn tươi sống Atemia, phòng xét nghiệm đạt chuẩn quốc tế, hệ thống lọc nước tự động hiện đại nhất thế giới, hệ thống tự động cho tôm ăn. Các hệ thống này được kết nối qua hệ thống máy tính xử lý để có thể theo dõi quá trình sinh trưởng và môi trường sinh trưởng tốt nhất cho tôm giống. Bên cạnh đó, tôm giống đã được mã hóa, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, chủng loại, bố mẹ, địa điểm nuôi, thời gian xuất bán, qua đó khẳng định chất lượng tôm giống trên thị trường.
Ông Nguyễn Văn Cường – Giám đốc Công ty CP Thủy hải sản Tất Thành chia sẻ: CĐS được doanh nghiệp chú trọng trong khâu chế biến nhằm nâng cao giá trị con hàu. Hiện, doanh nghiệp đang có các thiết bị tiên tiến như máy đục, xâu vỏ hàu tự động có thể thay thế cho 8 – 10 nhân công lao động.
Theo ông Cường, trong tương lai chúng tôi sẽ mở rộng thêm quy mô sản xuất kết hợp với các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong sản xuất, đóng gói, đảm bảo làm sao đưa được các con hàu của Quảng Yên đi ra thị trường trong và ngoài nước. Việc bảo quản sản phẩm là một việc hết sức quan trọng, cần phải có những nỗ lực, áp dụng các công nghệ khoa học kỹ thuật cao, tiên tiến vào trong sản xuất thì mới đưa được các sản phẩm đi xa hơn nữa.
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh: Xác định CĐS là xu thế tất yếu, là nền tảng, động lực tạo đột phá cho sự phát triển, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Ngày 5/2/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Đối với doanh nghiệp, Nghị quyết cũng đề ra mục tiêu 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số, 100% tổ chức cá nhân, hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử, phấn đầu toàn tỉnh quy tụ được 50 doanh nghiệp số, trong đó có ít nhất 3 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển các sản phẩm, dịch vụ số.
Nhằm thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều quyết sách, nhất là kế hoạch số 110-KHUBNC năm 2023 về việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh về chuyển đổi số. Kế hoạch 83-KHUBNC năm 2024 về triển khai Nghị quyết 155-NQHĐNC của HĐND tỉnh về một số giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển bền vững đến năm 2025.
Tỉnh Quảng Ninh cũng quan tâm tổ chức các chương trình kết nối, hội thảo, tập huấn về chuyển đổi số trong từng ngành, lĩnh vực cụ thể nhằm nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp. Những chuyển động từ phía doanh nghiệp tỉnh nhà bước đầu đã khẳng định ý nghĩa quan trọng của chuyển đổi số với sự phát triển bền vững, lâu dài của cộng đồng doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm