Quảng Ninh: Mở đường cho nông sản "xuất ngoại"

BÙI HIỀN 21/06/2024 01:17

Với những ưu thế phát triển nông, lâm, thủy sản, Quảng Ninh đang nỗ lực không ngừng để các doanh nghiệp đổi mới, nâng cao cả sản lượng và chất lượng sản phẩm xuất khẩu.

>>>Doanh nghiệp cần quan tâm nguyên liệu sản xuất là nông sản của địa phương

>>>"Đặc sản" cho du khách khi đến vùng núi Quảng Ninh

Nhiều lợi thế

Quảng Ninh là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển các cây ăn quả, nuôi trồng thủy, hải sản phong phú. Đến nay, tỉnh đã quy hoạch 17 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, nuôi trồng. Toàn tỉnh có 91 cơ sở trồng trọt được chứng nhận VietGAP với diện tích trên 1.095 ha, 4 cơ sở chứng nhận nông nghiệp hữu cơ (quế, lúa) với tổng diện tích 419 ha, 9 cơ sở đóng gói và 51 vùng trồng được cấp mã số; duy trì 16 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn với 59 loại nông sản an toàn được xác nhận.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh có vị trí địa lý đặc thù, là cửa ngõ kết nối liên quốc gia, liên vùng, liên tỉnh, vô cùng thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu. Quảng Ninh là địa phương duy nhất ở Việt Nam có đường biên giới cả trên bộ lẫn trên biển tiếp giáp với Trung Quốc. Do đó, Quảng Ninh đã trở thành tỉnh nằm trong hành lang giao thương kinh tế Việt Nam - Trung Quốc như các tuyến: Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Nam Ninh - Bằng Tường - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ. Cùng với Hà Nội và Hải Phòng, Quảng Ninh được xác định là tỉnh nằm trong tam giác phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Những lợi thế trên đã tạo tiền đề cho Quảng Ninh vươn lên trở thành địa phương phát triển các ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, trở thành trung tâm xuất khẩu hàng đầu cả nước trong nhiều năm qua. Nhất là nông sản tỉnh Quảng Ninh có đầy đủ tiềm năng để “xuất ngoại” sang thị trường Trung Quốc và thị trường các nước khu vực.

1.Quảng Ninh có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông, lâm, thủy sản trên địa bàn

 Quảng Ninh có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông, lâm, thủy sản trên địa bàn

Ngoài ra, thủy sản cũng là ngành thế mạnh phát triển của địa phương. Diện tích nuôi trên địa bàn tỉnh đạt 32.092 ha với 10.443 cơ sở nuôi trồng thuỷ sản, trong đó có 3.017 cơ sở nuôi tôm, 691 cơ sở nuôi cá biển, 1.395 cơ sở nuôi nhuyễn thể... Riêng diện tích nuôi tôm công nghiệp đạt hơn 4.700 ha. Các cơ sở nuôi biển đang dần tập trung vào quy trình nuôi tiến bộ, áp dụng công nghệ cao, nhất là trong nuôi tôm.

Được biết, Quảng Ninh đang phát triển 2 đối tượng nuôi chủ lực cấp quốc gia là tôm thẻ chân trắng và tôm sú, chủ yếu ở Móng Cái, Tiên Yên, Đầm Hà, Quảng Yên. Nhờ điều chỉnh cơ cấu nuôi hợp lý, phát triển các vùng nuôi tôm tập trung ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, sản lượng tôm tăng mạnh qua các năm; năng suất trung bình đạt hơn 10 tấn/ha/vụ, có những mô hình đạt năng suất 25 - 30 tấn/ha/vụ. UBND tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025 có 500 ha liên kết chuỗi nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú, sản lượng ước đạt 2.100 tấn; đến năm 2030 là 4.848 ha, sản lượng đạt 25.650 tấn.

Để đưa các nông sản của tỉnh vươn xa hơn, tiến đến xuất khẩu, đặc biệt là tại thị trường các nước khó tính, các cơ quan ban ngành của tỉnh đã và đang không ngừng nỗ lực kết nối, tháo gỡ khó khăn, giúp các doanh nghiệp đổi mới, hoàn thiện sản phẩm và kết nối thị trường xuất khẩu. Các địa phương đang tích cực phát triển các loại cây chủ lực, cây có giá trị kinh tế cao, liên kết sản xuất để tạo ra các sản phẩm có giá trị, bước đầu đáp ứng những tiêu chuẩn để xuất khẩu.

Anh Đặng Văn Giang - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp tổng hợp Trường Giang (thôn Trại Dinh, xã Đầm Hà, huyện Đầm Hà) chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp: Cuối tháng 11/2023, qua tìm hiểu và được sự hỗ trợ của huyện về nguồn kinh phí đào tạo, tập huấn, 70% kinh phí giống, phân bón, vật tư với tổng số tiền 323 triệu đồng cho mô hình, HTX đã chuyển từ trồng rau màu sang trồng cây chanh leo. Toàn bộ 3 ha trồng chanh leo được thực hiện quy trình trồng cây hữu cơ. Quá trình chọn giống, trồng cây, chăm sóc, đến thu hoạch, bảo quản chanh leo được cán bộ xã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện và đơn vị thu mua là Công ty Cổ phần Sài Gòn - Gia Lai hướng dẫn, tập huấn chi tiết. Đến nay đã thu hoạch vụ đầu tiên với hơn 1 tấn quả. Vườn chanh leo được đánh giá đạt tiêu chuẩn toàn cầu GlobalGAP, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.

Đồng hành doanh nghiệp xuất khẩu

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 5 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của tỉnh Quảng Ninh ước tính đạt 24,14 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị xuất siêu nông, lâm, thủy sản đạt 6,53 tỷ USD, tăng 64,5%. Chỉ tính riêng tháng 5/2024, đạt 5,06 tỷ USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ. Đây là những tín hiệu đáng mừng đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung trong năm 2024. Hoạt động xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản đang dần khởi sắc trở lại, mở ra nhiều cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản tại địa phương và cả nước vươn lên, tiếp cận thị trường các nước khó tính.

Ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho hay: Trước mắt, để phát triển chuỗi giá trị cung ứng, đáp ứng việc xuất khẩu nông sản trên địa bàn, tỉnh đã có các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng để kinh doanh dịch vụ logistics. Cùng với đó, tăng cường sự kết nối chặt chẽ ở các cửa khẩu lớn, nối liền biên giới hai nước, đầu tư hàng loạt tuyến đường cao tốc góp phần kết nối tiêu thụ nông sản, giảm thời gian vận chuyển.

2.UBND tỉnh Quảng Ninh luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp, đưa nông lâm, thủy sản đạt chuẩn tiếp cận thị trường khó tính

UBND tỉnh Quảng Ninh luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp, đưa nông lâm, thủy sản đạt chuẩn tiếp cận thị trường khó tính

UBND tỉnh Quảng Ninh luôn đồng hành, ưu tiên mọi nguồn lực để hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhất là sự hỗ trợ về máy móc, trang thiết bị trong sản xuất, sơ chế, chế biến sản phẩm, cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp. Từ đây, góp phần thúc đẩy chế biến sạch, chế biến sâu, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng cho nông sản toàn tỉnh, đáp ứng những tiêu chuẩn sản xuất an toàn đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP… Qua đó, hoàn thành mục tiêu tạo ra các sản phẩm an toàn, đẩy mạnh giá trị xuất nhập khẩu, tiến tới cả thị trường khó tính.

Với những lợi thế có sẵn, UBND tỉnh Quảng Ninh đang đồng hành cùng doanh nghiệp trong sản xuất, tìm kiếm thị trường. Nhất là đồng hành cũng các doanh nghiệp nắm bắt những cơ hội, tập trung khai thác thị trường. Hơn thế, việc tận dụng tối đa công nghệ số, khai thác sàn thương mại điện tử để tăng cường quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường của sản phẩm ở trong và ngoài nước. 

Có thể bạn quan tâm

  • KCN cảng biển Hải Hà (Quảng Ninh): Điểm sáng thu hút vốn FDI

    KCN cảng biển Hải Hà (Quảng Ninh): Điểm sáng thu hút vốn FDI

    18:24, 13/06/2024

  • Quảng Ninh: Đặt niềm tin lớn vào nhóm ngành chế biến, chế tạo

    Quảng Ninh: Đặt niềm tin lớn vào nhóm ngành chế biến, chế tạo

    08:57, 03/06/2024

  • Quảng Ninh tăng sức hút cho các khu công nghiệp

    Quảng Ninh tăng sức hút cho các khu công nghiệp

    01:23, 27/05/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quảng Ninh: Mở đường cho nông sản "xuất ngoại"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO