Quảng Ninh: Mở cơ hội phát triển cảng biển những tháng cuối năm

HẢI NGÂN 18/10/2021 00:42

Việc mặt hàng container đã “vắng bóng” tại Quảng Ninh nhiều năm quay trở lại vào tháng 9/2021 đã mở ra cơ hội tăng tốc cho cảng biển Quảng Ninh những tháng cuối năm.

Năm 2021, tỉnh Quảng Ninh đã đặt và kỳ vọng nhiều vào sự phát triển cảng biển cũng như dịch vụ cảng biển. Trong chiến lược phát triển kinh tế tỉnh Quảng Ninh xác định chú trọng vào kinh tế biển, đây không chỉ là động lực mà còn là mũi nhọn của nền kinh tế dịch vụ - công nghiệp.

Tỉnh Quảng Ninh hiện đang khai thác tại 6 cụm cảng, được Chính phủ phê duyệt thuộc nhóm I

Giai đoạn 2019-2025, cảng biển Quảng Ninh phấn đấu sản lượng hàng hóa đạt 114,5-122,5 triệu tấn

Để thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế biển, tỉnh Quảng Ninh đã có lộ trình, bám sát các nhiệm vụ, trong đó có việc phát triển hạ tầng cảng biển như: Đầu tư hệ thống kho bãi, khu hậu cần logistics, cảng cạn, đầu tư mới khu bến cảng và hạ tầng giao thông kết nối; các giải pháp quảng bá thương hiệu cảng biển, thu hút nguồn hàng…

Tháng 9/2021, tỉnh Quảng Ninh đã tiếp nhận 2 tàu container cập cảng gồm: Tàu Cape Moss, quốc tịch Cộng hòa Marshall có trọng tải trên 41.000 tấn, để dỡ xuống cảng 1.215 container và xếp lên tàu 288 container hàng hóa; tàu Synergy Busan, quốc tịch Cộng hòa Marshall, có trọng tải gần 51.000 tấn, dỡ xuống trên 2.000 container và xếp lên tàu 150 container hàng hóa. Đây là 2 chuyến tàu được hãng tàu MAERSK LINE khai thác thử nghiệm tại CICT Cái Lân nhằm hướng đến việc mở chuyến tàu container chuyên tuyến quốc tế qua cảng Cái Lân trong thời gian tới. Việc đón 2 chuyến tàu container quốc tế cập cảng đã mở ra tín hiệu vui để cảng biển Quảng Ninh tăng tốc trong những tháng cuối năm.

Thực tế, dịch COVID-19 bùng phát đã khiến cho hoạt động kinh tế bị ảnh hưởng. Nhiều nhà máy, công xưởng phải đóng cửa khiến cho chuỗi cung ứng bị đứt gãy, hàng hoá thông qua cảng biển cũng vì thế mà giảm sút.

Sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển của Quảng Ninh trong 9 tháng đầu năm 2021 bằng 81% so với cùng kỳ năm 2020.

Sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển của Quảng Ninh trong 9 tháng đầu năm 2021 bằng 81% so với cùng kỳ năm 2020

Tại Quảng Ninh, địa phương hiện đang khai thác tại 6 cụm cảng, được Chính phủ phê duyệt thuộc nhóm I, có vai trò là cảng cửa ngõ hoặc cảng trung chuyển quốc tế như cảng: Cái Lân, Mũi Chùa, Cẩm Phả, Vạn Gia… Hiện tuyến đường biển của Quảng Ninh có thể đảm nhận 40,5% tổng lượng hàng hóa thông qua các cảng biển khu vực phía Bắc.

9 tháng đầu năm 2021, các cảng biển đón được tổng số 83.981 lượt tàu các loạt, bằng 98,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển của Quảng Ninh giảm đáng kể, chỉ đạt gần 68 triệu tấn, bằng 81% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo ông Bùi Ngọc Nam - Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh, trong 9 tháng năm 2021, 2 mặt hàng chủ chốt tại các cảng biển của Quảng Ninh gồm: xăng dầu và than đã giảm sút sâu; riêng nhập khẩu than gần như không có. Các mặt hàng khác như: Dăm gỗ, nông sản đều khá chậm.

Tuy nhiên, mặt hàng container đã “vắng bóng” tại Quảng Ninh nhiều năm quay trở lại vào đầu tháng 9/2021 thông qua việc hãng tàu MAERSK LINE khai thác và đảm bảo an toàn về phòng, chống dịch COVID-19 đã ngầm dự báo khối lượng hàng hóa thông qua vào cuối năm tăng cao, đặc biệt là mặt hàng container.

Quảng Ninh có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế cảng biển, bởi trên địa bàn có ngành than phát triển khá sôi động với lượng hàng hàng hoá, thiết bị, máy móc xuất, nhập khẩu lớn. Ngoài ra, hiện các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh đang hình thành và phát triển mạnh mẽ, trong đó nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đến đầu tư sẽ kéo theo hàng loạt các nhà đầu tư phụ trợ vào địa phương. Điều này cũng dẫn đến nhu cầu vận chuyển, nhập và xuất thiết bị cao vào dịp cuối năm.

Hiện tỉnh Quảng Ninh hiện đã đưa ra hàng loạt những biện pháp để chuẩn bị cho đợt tăng trưởng mới. Một trong những giải pháp căn cơ chính là việc tích cực ứng dụng công nghệ trong giải quyết thủ tục hành chính cho tàu thuyền đến cảng tại các đơn vị có liên quan như: Cảng vụ Hàng hải, hải quan, biên phòng. Đơn cử như tại cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh, đơn vị đã áp dụng thực hiện thủ tục điện tử cấp độ 4 đối với tất cả các tàu biển đến, rời cảng biển Quảng Ninh. Tính đến hết tháng 9/2021, số lượng hồ sơ điện tử được phê duyệt trên cổng thông tin một cửa quốc gia của đơn vị đạt gần 5,6 nghìn hồ sơ, đạt tỷ lệ 99%.

Về phía các cảng biển tại Quảng Ninh cũng tối đa hóa năng suất khai thác và tăng chất lượng dịch vụ; tăng tính tiện ích trong phát triển các loại hình dịch vụ logistics như đưa dịch vụ vận tải đường bộ, đường thủy. Đồng thời, nâng công suất kho chứa và năng suất bốc xếp, vận chuyển; chủ động kết nối, thu hút nguồn hàng mới về cảng. Đặc biệt, tích cực kiểm soát, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo chuỗi dây chuyền khép kín.

Ông Frank Van Rompaey - Tổng giám đốc Công ty TNHH cảng container quốc tế Cái Lân cho biết, việc các hãng tàu container lớn nhất thế giới cả về quy mô đội tàu lẫn năng lực vận chuyển hàng hoá đưa các chuyến tàu về cảng Cái Lân khai thác thử nghiệm, làm hàng là tín hiệu hết sức tích cực. Nếu hình thành được các tuyến tàu container chuyên tuyến quốc tế qua cảng Cái Lân kết nối với các thị trường lớn trên thế giới trong thời gian tới thì sẽ là cơ hội để tỉnh Quảng Ninh đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu, tăng thu ngân sách và thu hút đầu tư…

Theo đại diện hãng tàu MAERSK LINE tại Việt Nam cho biết, doanh nghiệp lựa chọn triển khai thí điểm làm hàng container tại cảng Cái Lân là do tỉnh Quảng Ninh có thế mạnh là sở hữu cảng nước sâu Cái Lân, nằm trong vùng vịnh kín, luồng nước vào cảng ít bị sa bồi, hạ tầng tốt. Bên cạnh đó, công tác kiểm soát dịch COVID-19 tại Quảng Ninh được triển khai rất tốt. Hiện phía doanh nghiệp đang xem xét việc xây dựng chuyên tuyến quốc tế kết nối với các thị trường lớn trên thế giới, đặc biệt là châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN tại cảng Cái Lân.

Tỉnh Quảng Ninh đang trên đà phát triển để trở thành một trong các trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước, là cửa ngõ, động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gắn với hệ thống cảng biển nước sâu; trọng tâm là các địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Quảng Yên, Vân Đồn, Cô Tô, Hải Hà gắn với các ngành kinh tế biển; trở thành trung tâm du lịch quốc gia kết nối với các trung tâm du lịch quốc tế lớn của khu vực và thế giới thông qua đường biển. 

Giai đoạn 2019-2025, cảng biển Quảng Ninh phấn đấu doanh thu đạt khoảng 25.000 tỷ đồng (tăng trưởng bình quân 17,5%, đóng góp khoảng 1,2-1,5% trong GRDP của tỉnh), sản lượng hàng hóa đạt 114,5-122,5 triệu tấn; lưu lượng hành khách vận tải biển đạt 250.000-300.000 lượt. Giai đoạn 2026-2030, cảng biển phấn đấu doanh thu đạt khoảng 47.500 tỷ đồng (tăng trưởng bình quân 18,5%, đóng góp khoảng 3-3,5% trong GRDP của tỉnh)…

Đến năm 2045, định hướng phát triển cảng biển và kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật vào quản lý, khai thác, phát triển 20/20 dịch vụ, phát triển hậu cần sau cảng và logistics theo quy hoạch. Trong đó, tập trung khai thác tối đa quy hoạch khu bến Yên Hưng (Đầm Nhà Mạc, thị xã Quảng Yên), biến nơi đây thành trung tâm dịch vụ cảng biển của khu vực miền Bắc, mang đặc thù là nơi cung cấp các dịch vụ logistics cho hệ thống các cảng của TP Hải Phòng.

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Ninh: 3 chủ tịch phường bị đình chỉ công tác vì lơ là chống dịch

    Quảng Ninh: 3 chủ tịch phường bị đình chỉ công tác vì lơ là chống dịch

    12:12, 17/10/2021

  • Doanh nghiệp nông nghiệp Quảng Ninh sẵn sàng vượt COVID

    Doanh nghiệp nông nghiệp Quảng Ninh sẵn sàng vượt COVID

    15:54, 16/10/2021

  • Quảng Ninh: Chung tay hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm lao động

    Quảng Ninh: Chung tay hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm lao động

    13:20, 16/10/2021

  • Tín hiệu tích cực cho cảng biển Quảng Ninh

    Tín hiệu tích cực cho cảng biển Quảng Ninh

    16:10, 12/10/2021

  • Quảng Ninh khơi thông du lịch nội địa

    Quảng Ninh khơi thông du lịch nội địa

    21:07, 11/10/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quảng Ninh: Mở cơ hội phát triển cảng biển những tháng cuối năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO