Cặp cửa khẩu Hoành Mô - Động Trung và lối thông quan tuyến biên giới Quảng Ninh vừa được mở chính thức, góp phần giảm chi phí trong hoạt động xuất khẩu, thúc đẩy hợp tác thương mại qua biên giới.
>>>Quảng Ninh: Bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản trên Vịnh Hạ Long
>>>Quảng Yên (Quảng Ninh) : Bứt phá tăng trưởng kinh tế
Theo đó, tỉnh Quảng Ninh vừa phối hợp với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây tổ chức công bố mở chính thức cặp cửa khẩu song phương Hoành Mô (Việt Nam) - Động Trung (Trung Quốc), bao gồm lối thông quan Bắc Phong Sinh (Việt Nam) - Lý Hỏa (Trung Quốc).
Việc công bố mở chính thức cặp cửa khẩu song phương là một bước cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng và giải pháp thực hiện quy hoạch phát triển KKT cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn, KKT cửa khẩu Bắc Phong Sinh đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Quảng Ninh phê duyệt, chỉ đạo triển khai thực hiện.
Đồng thời là một trong những nội dung được cụ thể hóa kết quả chuyến thăm chính thức Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) của Đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Quảng Ninh vào tháng 2/2024. Qua đó, góp phần tăng cường mối quan hệ giao lưu hữu nghị, hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực giữa tỉnh Quảng Ninh và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây.
Ông Vũ Văn Diện - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, tỉnh Quảng Ninh đánh giá cao những nỗ lực của 2 tỉnh, khu trong việc hoàn tất các thủ tục công bố cặp cửa khẩu song phương Hoành Mô (Việt Nam) - Động Trung (Trung Quốc), bao gồm lối thông quan Bắc Phong Sinh (Việt Nam) - Lý Hỏa (Trung Quốc).
Để làm tốt công tác xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống cửa khẩu, lối mở trên tuyến biên giới đất liền Quảng Ninh (Việt Nam) và Quảng Tây (Trung Quốc) nói chung và tại cặp cửa khẩu song phương Hoành Mô (Việt Nam) - Động Trung (Trung Quốc), bao gồm lối thông quan Bắc Phong Sinh (Việt Nam) - Lý Hỏa (Trung Quốc) nói riêng, ông Vũ Văn Diện đề nghị thời gian tới, hai bên tiếp tục thực hiện tốt ba văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc và các thoả thuận liên quan; chỉ đạo các lực lượng chức năng tại cửa khẩu tích cực, phối hợp vận hành hiệu quả xây dựng cặp cửa khẩu song phương Hoành Mô - Động Trung, bao gồm lối thông quan Bắc Phong Sinh - Lý Hoả văn minh, hiện đại, đảm bảo an ninh, an toàn. Qua đó, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thông quan, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội địa phương hai bên.
Cũng theo ông Diện, hai bên cần tiếp tục quan tâm phối hợp chặt chẽ trong quy hoạch, mở, xây dựng, quản lý hệ thống cửa khẩu, lối mở biên giới. Trong đó, tập trung đầu tư mạnh mẽ cả về cơ sở hạ tầng cũng như các trang thiết bị hiện đại tại cửa khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho người, phương tiện xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu và thúc đẩy hợp tác thương mại qua biên giới, nhất là phát triển thị trường khách du lịch giữa hai bên.
Đồng thời, tăng cường trao đổi hợp tác, tích cực nghiên cứu đề xuất những mô hình quản lý cửa khẩu hiệu quả, như: Mô hình cửa khẩu số, cửa khẩu thông minh, nâng cao hiệu suất thông quan tại các cặp cửa khẩu. Trong đó, tập trung tạo thuận lợi cho hoạt động du lịch qua biên giới, phối hợp chặt chẽ, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến, điểm du lịch kết nối đến cửa khẩu Hoành Mô - Động Trung, bao gồm lối thông quan Bắc Phong Sinh - Lý Hoả, góp phần phát triển du lịch biên giới giữa các địa phương hai bên.
Đại diện Công ty TNHH đầu tư thương mại và vận tải An Trang cho biết, trước đây, để thực hiện hoạt động xuất khẩu, thông quan hàng hóa qua cửa khẩu Hoành Mô sang cửa khẩu Động Trung (Trung Quốc) bằng xe container hoặc xe tải cỡ lớn, các doanh nghiệp phải mất rất nhiều thời gian, chi phí nhân công để chuyển tải xuống các phương tiện nhỏ. Sự kiện mở cặp cửa khẩu song phương rất ý nghĩa cho các doanh nghiệp khi làm thủ tục qua cửa khẩu Hoành Mô. Bởi sau khi cặp cửa khẩu song phương được công bố, thời gian và chi phí trong hoạt động xuất khẩu sẽ giảm đi nhiều, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu tại đây.
Được biết, tại cửa khẩu Hoành Mô, mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm: Giấy đế, vỏ keo, mây tre, hồi, quế, hạt tiêu, hạt điều, mít sấy, long nhãn, chè khô... Hàng nhập khẩu chủ yếu là: Gạch ốp lát, giày dép, một số linh kiện phụ tùng ô tô...
Hiện, cùng với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa thì hoạt động xuất nhập cảnh cũng được triển khai thực hiện đối với công dân của 2 nước tại cặp cửa khẩu Hoành Mô (Việt Nam) - Động Trung (Trung Quốc).
Theo ông Phạm Đức Thắng - Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu, sự kiện công bố chính thức cặp cửa khẩu song phương tiếp tục là động lực để huyện biên giới Bình Liêu phát triển. Đặc biệt là các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh phát triển du lịch, dịch vụ. Để phát triển KKT cửa khẩu, huyện Bình Liêu cũng đang tập trung hoàn thiện công tác quy hoạch, thu hút đầu tư các doanh nghiệp mạnh trong hoạt động logistics, vận tải…
Có thể bạn quan tâm