Đánh giá những chỉ tiêu tích cực và “mổ xẻ” những chỉ số yếu kém để khắc phục, Quảng Ninh đặt quyết tâm duy trì ngôi vị quán quân PCI trong năm 2018.
Nhìn vào thành tích PCI của Quảng Ninh trong những năm gần đây cho thấy địa phương này có bước cải thiện đáng kể. Từ một tỉnh có chất lượng điều hành xếp hạng khá (20/63) đã trở thành tỉnh có chất lượng điều hành kinh tế trong nhóm rất tốt 05 năm liên tiếp (từ 2013 đến 2017). Năm 2017, Quảng Ninh không chỉ xếp thứ nhất cả nước mà còn đạt tổng điểm PCI tuyệt đối cao hơn so với tổng điểm của vị trí số 01 năm 2016 (70,69/ 70,00 điểm).
Nhìn vào bảng xếp hạng 10 chỉ số thành phần PCI cho thấy, Quảng Ninh có 07 chỉ số thành phần tăng điểm gồm: Tiếp cận đất đai, Chi phí thời gian, Cạnh tranh bình đẳng, Tính năng động, Dịch vụ Hỗ trợ doanh nghiệp, Đào tạo lao động, Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự; 03 Chỉ số giảm điểm: Chi phí gia nhập thị trường, Tính minh bạch, Chi phí không chính thức.
Về thứ hạng, có 04 chỉ số tăng thứ hạng: Tính minh bạch, Chi phí thời gian, Cạnh tranh Bình đẳng, Đào tạo Lao động, 02 chỉ số giữ nguyên thứ hạng là Chi phí gia nhập thị trường, Dịch vụ Hỗ trợ doanh nghiệp và 04 chỉ số giảm thứ hạng gồm Tiếp cận đất đai, Tính năng động, Chi phí không chính thức, Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự.
Phân tích từng chỉ số thành phần cho thấy, Quảng Ninh đã cải thiện tăng điểm 07/10 chỉ số thành phần PCI, trong đó các chỉ số chiếm tỷ trọng lớn trong PCI đều có những cải thiện nổi bật như: Dịch vụ Hỗ trợ doanh nghiệp tăng 1.26 điểm, xếp thứ 3/63; Đào tạo lao động tăng 0,82 điểm (xếp thứ 4/63); Chi phí thời gian tăng 0,87 điểm (xếp thứ 6/63). Có 04 chỉ số nằm trong nhóm 05/63 (Chi phí gia nhập thị trường (1), Tính minh bạch (3), Cạnh tranh Bình đẳng (4), Đào tạo lao động (4). Riêng chỉ số Chi phí Gia nhập thị trường tuy có giảm điểm vẫn đứng số 01/63 tỉnh/thành phố. Chỉ số Tiếp cận đất đai, Thiết chế pháp lý & An ninh trật tự có sự cải thiện tăng điểm nhưng vẫn đứng ở thứ hạng chưa cao so với các tỉnh thành phố trong cả nước.
Trong 03 chỉ số giảm điểm, đáng lưu ý là chỉ số Chi phí không chính thức giảm nhiều điểm và giảm nhiều bậc nhất (giảm 0,59 điểm và giảm 19 bậc); Tính minh bạch giảm điểm 0,04 điểm (từ 6,84 xuống 6,80 điểm) nhưng vẫn tăng 03 bậc từ vị trí số 06 lên thứ 03/63 tỉnh thành; Chi phí gia nhập thị trường giảm 0,35 điểm và duy trì thứ hạng không đổi.
Từ phân tích trên cho thấy, mặc dù có những chỉ số cải thiện tăng điểm nhưng vẫn không tăng hạng, ngược lại một số chỉ số tăng hạng nhưng thực chất giảm điểm. Vì vậy, để có những cải thiện vượt bậc và bền vững, mục tiêu đề ra trong năm 2018 đối với tỉnh Quảng Ninh là cần cải thiện hơn nữa tổng điểm PCI, tập trung chính vào cải thiện điểm số và nâng hạng của 03 chỉ số chính: Tính minh bạch, Chi phí không chính thức và Thiết chế pháp lý & An ninh trật tự. Việc cải thiện điểm số không chỉ so với chính mình so với cùng kỳ mà quan trọng phải so với các tỉnh/thành phố trong nhóm dẫn đầu các chỉ số thành phần.
Một chỉ báo đáng lưu ý là chỉ số cơ sở hạ tầng của Quảng Ninh (gồm khu/cụm CN, đường bộ, điện, điện thoại và mạng internet) đang nằm ở nhóm gần cuối bảng, đứng thứ 44/63 tỉnh/thành phố cả nước (trong khi các tỉnh/thành phố lân cận như Bắc Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hà Nội đều ở nhóm cao hơn). Như vậy, mặc dù hạ tầng giao thông của tỉnh đang được ưu tiên tập trung triển khai, đẩy nhanh tiến độ, các hạ tầng thiết yếu khác đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp như: điện, điện thoại và mạng internet đều đang ở khoảng cách rất xa so với các tỉnh/thành phố trong cả nước.
Ông Nguyễn Văn Đọc - Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh cho rằng, kết quả xếp hạng số 1 PCI năm 2017 là động lực nhưng cũng là thách thức với tỉnh. Điều này thể hiện những đột phá trong kết quả trên mọi lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội. Vị trí số 1 là thương hiệu để Quảng Ninh khẳng định uy tín với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Điều này cũng thể hiện được sự nỗ lực, những đóng góp của cán bộ công chức, viên chức từ tỉnh đến các sở ngành, địa phương trong tỉnh. Đồng thời đó cũng là thước đo, là niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp với chính quyền và nhân dân Quảng Ninh.
Tuy nhiên, ông Đọc cũng lo ngại rằng khi đứng ở vị trí số 1, Quảng Ninh đang có nhiều cơ hội thu hút nhà đầu tư nhưng nếu để mất ngôi vị này cũng sẽ mất đi rất nhiều thứ. Nhiều chỉ số tăng điểm nhưng tụt hạng và ngược lại cũng là vấn đề đáng lo ngại như chỉ số Chi phí không chính thức. Bên cạnh đó, khoảng cách giữa các vị trí giữa các tỉnh, thành trong bảng xếp hạng PCI 2017 cả nước có sự chênh lệch không lớn, việc giữ vị trí số 1 cần bước tăng tốc đồng bộ và mạnh mẽ.
Với quyết tâm duy trì ngôi vị số 1 bảng xếp hạng PCI năm 2018, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh cho rằng cần phải rà soát lại 10 chỉ số trên để tập trung “mổ xẻ” nhằm khắc phục những chỉ số yếu kém. Đồng thời, duy trì và tiếp tục tăng tốc với những chỉ đạt thứ hạng cao vừa qua. Theo đó, tỉnh phải có chương trình, hành động cụ thể, phân công các sở ngành, địa phương quán triệt tinh thần này của tỉnh đến toàn thể cán bộ, công chức. Tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, cải cách hành chính và nâng cao chất lượng thủ tục hành chính công. “Chỉ cần 1 cán bộ công chức không tốt sẽ ảnh hưởng đến cả nỗ lực toàn tỉnh”, ông Đọc nhấn mạnh.
Mục tiêu cụ thể năm 2018, Quảng Ninh sẽ phấn đấu giữ vững ngôi đầu bảng xếp hạng PCI với tổng điểm 76,25 điểm.