Quảng Ninh đang từng bước được nâng cấp hạ tầng cảng tàu khách theo hướng đồng bộ, hiện đại, để đưa địa phương này sớm trở thành trung tâm du lịch quốc tế.
>>>Quảng Ninh: Gia tăng sức hấp dẫn cho ngành du lịch
>>>Quảng Ninh: Hoàn thiện cơ sở hạ tầng đón “sóng” đầu tư mới
Hoàn thiện hạ tầng
Theo các chuyên gia, du lịch tàu biển là một trong những thế mạnh của du lịch Việt Nam. Tại Quảng Ninh, với hơn 250km bờ biển, diện tích mặt biển rộng trên 6.000km2, sở hữu Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, địa phương này có nhiều lợi thế phát triển kinh tế biển, nhất là du lịch biển.
Hiện Quảng Ninh có trên 500 tàu du lịch vận chuyển khách tập trung chủ yếu tại cảng Cái Rồng (Vân Đồn) đi Cô Tô và các xã đảo thuộc huyện Vân Đồn; 5 tuyến vận tải khách du lịch tham quan vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long và trên 15 tuyến vận tải hành khách đường thủy nội địa tại các địa phương: Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Vân Đồn, Cẩm Phả và Hạ Long… Riêng đối với tàu nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh có 187 tàu lưu trú nghỉ đêm với gần 2.200 phòng, chiếm 37,4% số lượng tàu du lịch được cấp phép hoạt động trên Vịnh Hạ Long hiện nay; các tàu này đều đạt hạng từ 1 đến 5 sao.
Xác định thế mạnh du lịch biển, địa phương này đã dành sự quan tâm đặc biệt về phát triển hạ tầng giao thông đường thủy. Đặc biệt, để hình thành hệ thống cảng biển hiện đại phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ, Quảng Ninh cũng huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho hạ tầng du lịch chất lượng cao.
Đơn cử như Dự án Bến cảng cao cấp Ao Tiên thuộc xã Hạ Long, huyện Vân Đồn. Dự án được khởi công từ tháng 4/2022, là bến thủy nội địa cấp I chuyên dùng phục vụ vận tải du lịch tuyến Vân Đồn đi các đảo và các điểm tham quan trên Vịnh Bái Tử Long, Vịnh Hạ Long.
Bến cảng này được đầu tư quy mô gần 30ha, thiết kế 5 cầu cảng, 2 cầu rộng 20m, dài 150m có thể tiếp nhận cỡ tàu khai thác lên đến 300 ghế và 3 cầu phụ cho du thuyền, các tàu loại nhỏ. Khu âu tàu có thể tiếp nhận đồng thời 150 tàu du lịch neo đậu. Khu vực ga hành khách có diện tích sử dụng 8.000m2, công suất thiết kế 2,6 triệu lượt khách/năm ở giai đoạn 2020-2025 và mở rộng lên 3,2 triệu lượt khách/năm, giai đoạn 2025-2030 và đến năm 2040 công suất tối đa khoảng 4,2 triệu lượt khách/năm. Dự kiến, Bến cảng cao cấp Ao Tiên sẽ được đưa vào sử dụng từ đầu tháng 3/2023, là điểm đến của các siêu du thuyền trong mỗi hành trình qua Vân Đồn nói riêng và khu vực miền Đông của tỉnh nói chung.
>>>Hải Phòng – Quảng Ninh: Tăng cường liên kết vùng
Trước đó, vào năm 2016, tỉnh Quảng Ninh cũng đưa cảng tàu khách quôc tế Tuần Châu vào hoạt động. Đến nay, để không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, du lịch, tạo điểm nhấn ấn tượng đối với du khách trong mỗi chuyến hành trình tham quan Vịnh Hạ Long, Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu đã không ngừng được hoàn thiện. Không chỉ đưa thêm bến du thuyền vào khai thác, khu vực nhà ga hành khách cũng được nâng cấp và mở rộng theo chuẩn quốc tế. Khu vực Cảng tàu khách được khai thác theo mô hình “một điểm đến, nhiều tiện ích”, gồm nhà ga, nhà hàng, khu bán hàng lưu niệm... liên kết chặt chẽ, đồng bộ, hiện đại thành chuỗi cung ứng dịch vụ.
Theo đại diện Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, để đảm bảo chất lượng về hạ tầng, đơn vị đã sắp xếp, tu sửa lại khu vực nhà ga hành khách, bố trí theo các phân khu chức năng. Khu vực phía ngoài nhà ga được trang bị mái che, hệ thống ghế chờ và các quầy dịch vụ, sơn kẻ vạch chỉ dẫn, giới hạn khu vực an toàn đón khách của tàu du lịch. Cảng cũng đã bổ sung trung tâm hỗ trợ hành khách, cập nhật đầy đủ thông tin về lịch trình các chuyến tàu tham quan Vịnh, số hoá bằng phần mềm, nhằm tạo sự chuyên nghiệp, hiện đại, văn minh trong thực hiện dịch vụ và quản lý du khách…
Còn tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, được triển khai theo hình thức đối tác công - tư, với năng lực có thể tiếp nhận đồng thời 2 tàu khách cỡ lớn có trọng tải đến 225.000GT, sức chở lên đến 8.400 khách và thủy thủ đoàn. Đến nay, việc đưa Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long vào khai thác đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tàu biển quốc tế đến với Hạ Long mà không phải qua chuyển tải, đồng thời đảm bảo sự an toàn cho du khách.
Để khai thác dòng khách lớn
Nghị quyết 15-NQ/TU của tỉnh Quảng Ninh về phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển đã đặt mục tiêu xây dựng Quảng Ninh trở thành một trong các trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước, trung tâm du lịch quốc gia kết nối với các trung tâm du lịch quốc tế.
Bên cạnh đó, trong chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển của Quảng Ninh, du lịch và dịch vụ biển tiếp tục được xác định là một nội dung trọng tâm. Địa phương này cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, du lịch biển đảo sẽ chiếm tỉ trọng khoảng 75-80% ngành du lịch toàn tỉnh với tổng số trên 28,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó, khách quốc tế đạt trên 8 triệu lượt; tạo việc làm cho trên 225.000 lao động...
Theo Sở Du lịch Quảng Ninh, trung bình mỗi năm, địa phương này đón trên 10 triệu lượt khách du lịch, trong đó có đến 50% lượng khách tham gia các tuyến du lịch tham quan vịnh và các tuyến đảo. Cùng với đội tàu du lịch, tàu khách hùng hậu được đầu tư đồng bộ, hiện đại lên đến hàng trăm chiếc, hoạt động đưa khách tham quan trên biển cũng rất sôi động.
Do vậy, việc đầu tư, nâng cấp hạ tầng cảng tàu khách bằng các sản phẩm có chất lượng cao và đẳng cấp quốc tế sẽ góp phần quan trọng nâng tầm du lịch Quảng Ninh, trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước, trung tâm du lịch quốc gia.
Theo ông Phạm Ngọc Thủy – Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh: “Sự xuất hiện của dòng khách tàu biển ngoài việc đem lại sự sôi động cho nền kinh tế còn có tác dụng truyền thông rất tốt bởi họ đến từ nhiều quốc gia. Nếu chúng ta làm tốt dòng khách này thì sẽ tạo dựng được hình ảnh thương hiệu cho du lịch Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế”.
Cũng theo ông Thuỷ, trong thời gian tới, Sở Du lịch Quảng Ninh sẽ phối hợp với một số đơn vị lữ hành để tập trung khai thác nguồn khách và chuẩn bị tốt cơ sở vật chất một số dịch vụ, mở rộng không gian đến Vân Đồn, Cô Tô, với kỳ vọng trong năm 2023, kinh tế - xã hội chung của toàn quốc nói chung, tỉnh Quảng Ninh nói riêng, trong đó có ngành du lịch sẽ phát triển mạnh mẽ hơn.
Có thể bạn quan tâm