Quảng Ninh: Phấn đấu đứng tốp đầu cả nước về chuyển đổi số toàn diện

HẢI NGÂN 23/04/2024 00:06

Quảng Ninh đang tăng tốc trên nhiều lĩnh vực để trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện, phấn đấu đến năm 2025 đứng trong tốp 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số toàn diện.

>>>Quảng Ninh: Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp FDI

>>>Quảng Ninh: Thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động logistics

Các đại biểu tham quan triển lãm trưng bày, giới thiệu, trải nghiệm trực tiếp các sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam 2023 được tổ chức tại Quảng Ninh

Các đại biểu tham quan triển lãm trưng bày, giới thiệu, trải nghiệm trực tiếp các sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam 2023 được tổ chức tại Quảng Ninh

Tăng tốc chuyển đổi số

Chuyển đổi số được tỉnh Quảng Ninh xác định là xu hướng tất yếu của phát triển. Từ năm 2012, địa phương này đã bắt đầu triển khai ý tưởng về chuyển đổi số. Năm 2022, tỉnh Quảng Ninh nằm trong nhóm tốp đầu về chuyển đổi số toàn quốc, đứng vị trí thứ 3/63 các tỉnh/thành phố, tăng 4 bậc so với năm 2021. Quảng Ninh tiếp tục giữ vững vị trí thứ 3/63 về Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT (ICT Index) năm 2022; đứng thứ 1 toàn quốc về cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Năm 2023, kết quả công bố Cải cách hành chính các tỉnh, thành phố, Quảng Ninh đứng vị trí thứ 2 về chỉ số thành phần Chính quyền số. Đặc biệt, tại Hội nghị tổng kết công tác chuyển đổi số năm 2023 của Ủy ban Quốc gia Chuyển đổi số, Quảng Ninh được ghi nhận và biểu dương là địa phương điển hình trong nhóm top đầu về hạ tầng số.

Đến nay, 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã sử dụng, khai thác hóa đơn điện tử, hơn 2.000 hộ kinh doanh cá thể đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử. Tỉnh Quảng Ninh cũng triển khai mạnh mẽ việc thanh toán số. Ngoài ra, 100% giao dịch trên Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã được xác thực định danh điện tử; hạ tầng Internet băng rộng đã được triển khai tại 177/177 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và tỷ lệ dân số được phủ sóng mạng di động là 100%.

Theo đại diện Tập đoàn Foxconn tại Việt Nam, Foxconn trân trọng và đánh giá cao tinh thần phục vụ, hiệu suất làm việc của tỉnh khi chỉ trong vòng 12 giờ đã hoàn thành việc xét duyệt giấy phép đầu tư. Đây cũng là minh chứng cho việc tỉnh Quảng Ninh đã, đang và sẽ là điểm đến an toàn, tin cậy, hấp dẫn của các nhà đầu tư.

Cán bộ Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh hướng dẫn nhân doanh nghiệp phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán lẻ (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh)

Cán bộ Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh hướng dẫn nhân doanh nghiệp phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán lẻ (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh)

Còn theo ông Nguyễn Tuấn Huy - Trưởng Ban Chuyển đổi số, Tổng Công ty Viễn thông Mobifone, thời gian qua Mobifone đã triển khai một số hợp tác với tỉnh Quảng Ninh và các địa phương, đơn vị trong việc lắp đặt hệ thống phát thanh thông minh, sử dụng trợ lý ảo AI phục vụ tìm kiếm văn bản, xây dựng website... Phía doanh nghiệp cũng đã xây dựng ứng dụng du lịch thông minh Mobifone Smart Travel với mục đích quảng bá hình du lịch, hỗ trợ du khách trong quá trình khám phá điểm đến, tăng cường trải nghiệm du lịch của du khách thông qua công nghệ thực tế ảo.

Phấn đấu trở thành hình mẫu của cả nước

Tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu từ nay đến 2025 và giai đoạn tới, địa phương này phấn đấu đứng trong top 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số toàn diện; nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về an toàn, an ninh mạng.

Theo ông Cao Tường Huy - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, vấn đề quan trọng nhất trong chuyển đổi số là nâng cao vai trò, trách nhiệm, sự quyết tâm, nỗ lực của người đứng đầu các cấp, nâng cao ý thức, nhận thức của cán bộ, công chức viên chức và người dân về chuyển đổi số, những tiện ích chuyển đổi số đem lại cho đời sống kinh tế - xã hội.

Tại hội nghị giao ban Thường trực Tỉnh ủy để nghe và cho ý kiến vào nhiều nội dung, trong đó có đánh giá tình hình, kết quả sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 5/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 mới đây, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh đã yêu cầu các đơn vị liên quan cần phải làm rõ, đánh giá rõ những mục tiêu từ nay đến năm 2025 để có giải pháp cụ thể triển khai đảm bảo tiến độ, yêu cầu đề ra. Trong đó, chú trọng mục tiêu về xây dựng chính quyền số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; về phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh ngành kinh tế; về phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền; đánh giá khả năng đưa ứng dụng về dân cư, định danh, xác thực điện tử phục vụ cho chuyển đổi số toàn diện của tỉnh Quảng Ninh.

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh hướng dẫn người dân, doanh nghiệp giải quyết TTHC (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh)

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh hướng dẫn người dân, doanh nghiệp giải quyết TTHC (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh)

Về các giải pháp, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh cũng yêu cầu các đơn vị liên quan từ nay đến hết năm 2024 phải tập trung cao điểm vào phát triển dữ liệu, xây dựng dữ liệu phục vụ chính quyền số, dữ liệu phục vụ kinh tế số và dữ liệu phục vụ xã hội số; tập trung chuyển đổi số cho các lĩnh vực ưu tiên. Cùng với đó phải tập trung thực hiện chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp, nông thôn, ngành du lịch, hải quan, tài nguyên môi trường, bảo hiểm...

Được biết, Nghị quyết số 09-NQ/TU về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành vào tháng 2/2022. Mục tiêu đặt ra là đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành trong hệ thống chính trị của tỉnh, tạo ra các giá trị tăng trưởng mới cho kinh tế - xã hội, từng bước đưa kinh tế số giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng GRDP và xây dựng xã hội số an toàn, nhân văn, phù hợp quy luật, yêu cầu phát triển trong thời đại 4.0.

Theo ông Cao Tường Huy, trong quá trình triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành các mục tiêu của chuyển đổi số theo Nghị quyết số 09, tuyệt đối không được có tâm lý e ngại, đùn đẩy, né tránh, ngại va chạm, sợ trách nhiệm. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có các vấn đề vướng mắc, các sở, ngành, địa phương báo cáo lại UBND tỉnh để tìm phương án tháo gỡ, giải quyết.

Hiện, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đề ra nhiều giải pháp đột phá để duy trì và phát triển chuyển đổi số trong tất cả các ngành, lĩnh vực của tỉnh trong năm 2024. Trước mắt, địa phương này tập trung khai thác có hiệu quả hạ tầng số, phấn đấu đứng trong top 3 của cả nước về lĩnh vực này, trong đó tập trung vào xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh theo công nghệ điện toán đám mây, bảo đảm hạ tầng số để phát triển xã hội số và kinh tế số.

Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh cũng thúc đẩy nhanh hơn nữa việc kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu của các bộ, ngành, góp phần đẩy nhanh chuyển đổi số, hình thành dữ liệu số, dữ liệu mở để giải quyết các bài toán phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Đồng thời, tập trung triển khai chuyển đổi số đối với 8 lĩnh vực cốt lõi, ưu tiên, gồm: Y tế, giáo dục và đào tạo, du lịch, công nghiệp, giao thông vận tải và logistics, cửa khẩu số, lĩnh vực nông nghiệp…

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Ninh: Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp FDI

    Quảng Ninh: Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp FDI

    02:04, 21/04/2024

  • Quảng Ninh: Thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động logistics

    Quảng Ninh: Thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động logistics

    00:30, 21/04/2024

  • Khai trương khu nghỉ dưỡng

    Khai trương khu nghỉ dưỡng "6 nhất" - Dấu ấn tiên phong của Tập đoàn CEO tại Vân Đồn, Quảng Ninh

    17:40, 20/04/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quảng Ninh: Phấn đấu đứng tốp đầu cả nước về chuyển đổi số toàn diện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO