TP Móng Cái cần tập trung phát triển KKT Cửa khẩu Móng Cái thành KKT Cửa khẩu trọng điểm quốc gia, trung tâm kinh tế thương mại cửa khẩu, cảng biển, logistics, dịch vụ tổng hợp của vùng Bắc Bộ.
>>>Quảng Ninh: Tạo đột phá phát triển du lịch từ xúc tiến, quảng bá
>>>Cảng Hàng không Quốc tế Vân Đồn: Động lực thu hút đầu tư cho tỉnh Quảng Ninh
Đó là chỉ đạo của ông Nguyễn Xuân Ký – Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh tại cuộc làm việc với Ban thường vụ Thành uỷ Móng Cái mới đây.
Theo đó, TP Móng Cái được xác định là địa phương có tỷ lệ bao trùm quy hoạch phân khu lớn nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, là cơ sở quan trọng để quản lý đất đai, xây dựng và thu hút đầu tư. Đồng thời, là địa phương có thể tận dụng hiệu quả kết nối của tuyến đường cao tốc dài nhất Việt Nam từ Lào Cai - Móng Cái để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, phát triển chiều sâu các ngành kinh tế có lợi thế.
Năm 2023, TP Móng Cái đã thu hút được 1 nhà đầu tư FDI thực hiện dự án sản xuất sợi Khánh Nghiệp với tổng mức vốn đầu tư là 316.546 triệu đồng. Đồng thời đã thu hút, hỗ trợ các tập đoàn chiến lược trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư tại thành phố.
Được biết, năm 2012, KKT cửa khẩu Móng Cái được thành lập, trở thành KKT cửa khẩu có quy mô lớn nhất của cả nước. Từ khi thành lập đến nay, KKT cửa khẩu Móng Cái đã phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh và vùng Đông Bắc.
Theo đại diện Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Ngân Long, từ hơn 10 năm trước, tập đoàn Texhong đã nhìn thấy tiềm năng, thế mạnh của KKT cửa khẩu Móng Cái để chọn lựa đầu tư. Trong suốt thời gian đầu tư đến nay, phía doanh nghiệp luôn nhận được nhiều hỗ trợ, ưu đãi theo đúng cam kết ban đầu của tỉnh Quảng Ninh nên các nhà máy sản xuất, kinh doanh đều phát triển.
Theo ông Nguyễn Xuân Ký – Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh, mục tiêu TP Móng Cái cần tập trung thực hiện là phát triển KKT cửa khẩu Móng Cái thành KKT cửa khẩu trọng điểm quốc gia, thành trung tâm kinh tế thương mại cửa khẩu, công nghiệp, cảng biển, logistics, dịch vụ tổng hợp của tỉnh Quảng Ninh và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Đồng thời, phát triển khu du lịch Quốc gia Trà Cổ là khu du lịch biển đảo chất lượng cao, gắn với các sản phẩm du lịch thương mại, cửa khẩu biên giới.
Cũng theo ông Ký, TP Móng Cái cần tập trung thu hút các dự án phát triển sản phẩm du lịch dịch vụ chất lượng cao, phát triển hoạt động thương mại xuất nhập khẩu, logistics trên địa bàn. Đến hết năm 2025, TP Móng Cái phải đạt mục tiêu thu nhập của người dân thuộc các xã phải trên 100 triệu đồng/người/năm; hoàn thành mục tiêu người dân được sử dụng nước sạch qua công trình cấp nước tập trung.
Để đạt được mục tiêu trên, theo ông Nguyễn Xuân Ký, TP Móng Cái phải xác định cơ cấu kinh tế một cách khoa học, khách quan hơn, đúng với sự vận động thực tiễn của thành phố gắn với KKT Cửa khẩu Móng Cái. Trong đó, cần xác định lại tỷ trọng dịch vụ thương mại để tập trung mũi nhọn vào thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; giữ chân, phát triển doanh nghiệp.
Cùng với Hạ Long, Vân Đồn, TP Móng Cái phải là trọng điểm phát triển sản phẩm du lịch dịch vụ chất lượng cao; sớm đưa Bến 1 Cảng Vạn Ninh vào khai thác trong năm 2024. Đồng thời, TP Móng Cái cũng phải có kế hoạch cụ thể để thực hiện mục tiêu Quảng Ninh trở thành thị trường du lịch Việt Nam trọng điểm của Quảng Tây (Trung Quốc) và xây dựng mô hình kiểu mẫu về hợp tác du lịch biên giới Việt Nam - Trung Quốc giữa Quảng Ninh và Quảng Tây.
Cũng theo ông Ký, TP Móng Cái phải thực hiện mục tiêu kết hợp chặt chẽ hiệu quả giữa phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng khu vực biên giới trên địa bàn thành phố giàu mạnh, văn minh, hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác cùng phát triển. Trọng tâm là triển khai hiệu quả biên bản hội đàm “Gặp gỡ mùa xuân năm 2024” và các văn kiện hợp tác được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của đoàn đại biểu tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) đến Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc)…
Được biết, TP Móng Cái hiện đang tích cực cụ thể hóa quy hoạch chung, các quy hoạch phân khu chức năng của KKT cửa khẩu Móng Cái, các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Các dự án đầu tư vào KKT cửa khẩu Móng Cái cũng được áp dụng cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi cao nhất mà nhà nước ban hành về đầu tư nước ngoài, đầu tư trong nước, đầu tư cho KCN, khu chế xuất, KKT cửa khẩu. Các chính sách hỗ trợ về thuế, sử dụng đất, GPMB và các hỗ trợ khác khi doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn được thành phố quan tâm đặc biệt.
Trong thời gian tới, địa phương này sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, đặc biệt là các lĩnh vực thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, chế tạo.
Theo ông Hồ Quang Huy - Chủ tịch UBND TP Móng Cái, với việc vận dụng hiệu quả các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù, cạnh tranh quốc tế, cải cách thủ tục hành chính thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển, TP Móng Cái đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn. Các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển trong KKT Cửa khẩu Móng Cái được hưởng đầy đủ cơ chế ưu đãi với mức cao nhất theo các quy định đang có hiệu lực trên lãnh thổ Việt Nam.
Trước đó, tại chương trình “Gặp gỡ mùa xuân năm 2024” giữa Bí thư Tỉnh ủy 4 tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang (Việt Nam) và Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc), Thành ủy Móng Cái (Quảng Ninh) và Thành ủy Đông Hưng (Quảng Tây) đã ký bản ghi nhớ về thiết lập cơ chế hợp tác toàn diện giữa hai bên.
Có thể bạn quan tâm