Cả 4 chỉ số: PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI của Quảng Ninh đều đứng vị trí dẫn đầu 63 tỉnh, thành phố cả nước.
Ngày 02/7, tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị phân tích các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI, ICT và công bố kết quả xếp hạng các chỉ số của các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh năm 2020.
Thước đo của người dân, doanh nghiệp
4 chỉ số đó là: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index); Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS); Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) vươn lên vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng.
Kết quả xếp hạng các Chỉ số PAR Index, SIPAS, DGI, ICT của sở, ngành, địa phương Quảng Ninh năm 2020, trong đó chỉ số PAR Index: Sở Khoa học và Công nghệ đạt 91,36 điểm, là đơn vị dẫn đầu khối sở, ban, ngành; Khối các huyện, thị xã, thành phố: TX Đông Triều dẫn đầu với 92,67 điểm; Kho bạc Nhà nước tỉnh đứng đầu khối các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh với 92,55 điểm.
Chỉ số SIPAS, Sở Tư pháp đứng thứ nhất khối sở, ban, ngành với tỷ lệ đánh giá hài lòng là 96,46%. Huyện Đầm Hà dẫn đầu khối các huyện, thị xã, thành phố với tỷ lệ hài lòng 95,79%. Bảo hiểm xã hội tỉnh với tỷ lệ hài lòng 96,49% đứng đầu khối các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh.
Chỉ số hiệu quả quản trị cấp huyện (DGI) năm 2020, 3 địa phương có số điểm cao nhất lần lượt là TX Đông Triều (73,31/80 điểm), TX Quảng Yên (71,53/80 điểm) và huyện Tiên Yên (71,28/80 điểm).
Chỉ số ICT 2020, dẫn đầu khối các sở, ban, ngành là Sở Y tế với 89 điểm; TP Uông Bí dẫn đầu khối các huyện, thị xã, thành phố với 148,09 điểm; phường Vàng Danh của TP Uông Bí cũng đứng đầu khối xã với 84 điểm.
Kết quả này có ý nghĩa hết sức quan trọng, tiếp tục khẳng định niềm tin, sự đánh giá hài lòng ngày càng cao của nhân dân, của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư về sự phục vụ của các cơ quan hành chính tỉnh Quảng Ninh; phản ánh đánh giá về hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, cơ quan MTTQ và các tổ chức CT-XH từ tỉnh đến cơ sở. Động viên, khích lệ tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đột phá hơn nữa để thúc đẩy phát triển KT-XH, đảm bảo QPAN, trật tự an toàn xã hội. Khẳng định rõ nét chủ trương, quyết tâm của tỉnh Quảng Ninh trong việc đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phục vụ nhân dân, doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, việc là địa phương đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này cùng lúc xếp hạng nhất ở cả 4 chỉ số đã thể hiện thành quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo kiên trì, quyết liệt của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh, sự nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền tỉnh. Kết quả đó cũng cho thấy niềm tin, sự kỳ vọng của nhân dân, sự đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp dành cho tỉnh rất lớn lao.
“Quảng Ninh đón nhận tin vui khi dẫn đầu các tỉnh, thành phố đồng thời cả 4 Chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI. Niềm vui và tự hào càng cao hơn khi Quảng Ninh đã giữ địa bàn an toàn, ổn định và phát triển trong trạng thái bình thường mới trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhất là trong đợt dịch thứ 3, thứ 4 từ đầu năm đến nay bằng các biện pháp thần tốc, quyết liệt, chủ động “từ xa, từ sớm, từ cơ sở” theo phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”. Nhờ đó, tỉnh đã duy trì đà tăng trưởng kinh tế với tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm 2021 đạt 8,02%” – ông Ký nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia phân tích, Quảng Ninh đã nỗ lực mạnh mẽ và đạt kết quả tốt trong CCHC. Tỉnh đã chứng tỏ được chất lượng cũng như vị thế của mình thông qua bảng xếp hạng chỉ số PAR Index, SIPAS, PAPI, ICT cùng nhiều chỉ số đo lường về hiệu quả, hiệu lực của chính quyền địa phương.
Điển hình, các nội dung đánh giá Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) cho thấy: 95,92% tỷ lệ hài lòng khi tiếp cận dịch vụ; 95,27% tỷ lệ hài lòng về công chức; 98,34% tỷ lệ hài lòng về thủ tục hành chính; 96,29% tỷ lệ hài lòng về giải quyết công việc,…
Ông Đào Duy Hảo - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh cho rằng, mặc dù dịch COVID-19 ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, xã hội, đặc biệt là phát triển kinh tế, nhưng tỉnh Quảng Ninh vẫn kiên trì nỗ lực cải cách hành chính nhằm tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp. Chất lượng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hằng năm đều có sự cải thiện đáng kể. Những hành động kịp thời, thiết thực của lãnh đạo tỉnh đã góp phần tạo thuận lợi cho sự phục hồi và phát triển của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn.
“Để tiếp tục giữ vững những thành quả đạt được, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong đó, tập trung vào các nội dung: Tiếp tục cắt giảm thời gian làm thủ tục và tăng cường ứng dụng CNTT vào nhóm thủ tục đăng ký doanh nghiệp; tạo sự liên thông các TTHC; nâng cao hiệu quả đối thoại, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; kiểm soát việc thực hiện các điều kiện đầu tư kinh doanh mới, sao cho đáp ứng tốt các yêu cầu về tính minh bạch, hợp lý và tối đa hóa môi trường cạnh tranh” – ông Hảo nhấn mạnh.
Hành trình không điểm dừng
Để có kết quả đó, là sự lãnh đạo, chỉ đạo kiên trì, quyết liệt của nhiều thế hệ lãnh đạo; sự cố gắng không mệt mỏi của các cơ quan chức năng từ tỉnh đến cơ sở, luôn kiên trì giữ lửa đổi mới, kiên trì thực hiện các mục tiêu mà Quảng Ninh đã tiên phong.
“Không ngủ quên trên chiến thắng”, với tâm thế khát khao đổi mới, sau khi đạt được những bước tiến mới, Quảng Ninh nhanh chóng nhìn nhận, phân tích những kết quả đạt được và đưa ra những mục tiêu mới cao hơn, lập ra kế hoạch triển khai kĩ lưỡng, bài bản và quyết liệt thực hiện để vượt qua những thử thách mới.
Theo đánh giá của TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, việc Quảng Ninh dẫn đầu trong cả 4 chỉ số đã khẳng định “đẳng cấp” của một “nhà vô địch”, đã được xác lập trong suốt hành trình phát triển của Quảng Ninh. Thành công này bắt đầu tầm nhìn chiến lược từ nâu sang xanh, từ những quy hoạch, chương trình, mô hình cải cách quyết liệt, truyền lửa qua nhiều thế hệ. Những thành tựu trong cải cách hành chính của Quảng Ninh ngày hôm nay cũng xuất phát từ chiến lược cán bộ, tầm nhìn, phong cách lãnh đạo của tỉnh luôn năng động, quyết liệt, hiệu quả. Quảng Ninh là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước đưa các chỉ số PAR Index, SIPAS, PAPI về cấp huyện, sở, ban, ngành, đã thực sự truyền lửa và đưa áp lực cải cách về các địa phương, cơ sở. Đây chính là nguyên nhân gốc rễ tạo nên thành công của Quảng Ninh trong công tác CCHC.
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, song qua kết quả của các chỉ số thành phần, các chuyên gia đầu ngành và những người đứng đầu tỉnh đều cho rằng, dư địa cải cách tại Quảng Ninh còn lớn, không gian cải cách còn rộng mở.
Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Giám đốc dự án PCI, qua nhiều kết quả điều tra doanh nghiệp mà VCCI tiến hành, Quảng Ninh đã không còn là một hiện tượng, mà đã thực sự chứng minh được vị thế của mình trong việc trở thành một địa bàn năng động, hiệu quả và thân thiện, là điểm sáng trong thu hút đầu tư.
Cùng với những chỉ số tăng điểm, qua bảng xếp hạng 10 chỉ số thành phần PCI 2020 cho thấy, Quảng Ninh có 3 chỉ số giảm điểm dẫn đến giảm hạng gồm: Tính minh bạch, Cạnh tranh bình đẳng và Tính năng động. Do đó, để cải thiện các chỉ số này, tỉnh cần tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp; chú trọng giải quyết, giảm tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn khi tuyển dụng lao động; tiếp tục tăng tỷ lệ doanh nghiệp dùng các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh hiệu quả; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đổi mới, tìm cách giải pháp đột phá trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong giải quyết thủ tục hành chính; giảm gánh nặng thanh tra, kiểm tra…
Cuộc đua đánh giá các chỉ số, mục tiêu của tỉnh không phải là giành điểm số cao, giành vị trí cao mà quan trọng nhất là hướng đến xây dựng hình ảnh địa phương đi đầu đổi mới sáng tạo, xây dựng văn hóa cam kết, văn hóa đồng hành, văn hóa thực thi của chính quyền địa phương các cấp trong việc đưa chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn cũng như đánh thức tiềm năng lợi thế của tỉnh. Từ đó đưa những chỉ số của Quảng Ninh không chỉ là thương hiệu của ở cấp tỉnh mà ở tầm quốc gia.
“Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là nhiệm vụ trọng tâm, cơ bản, xuyên suốt, lâu dài trong chiến lược xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Ninh, đòi hỏi các cấp, các ngành, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, gắn trách nhiệm người đứng đầu phải có quyết tâm cao, nỗ lực” – Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh – Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
PCI Quảng Ninh: Thực chất, hiệu quả và khẳng định vị thế!
13:37, 15/04/2021
PCI Quảng Ninh còn “rộng đường” phát triển
05:00, 26/05/2020
Quảng Ninh chung tay cùng doanh nghiệp vượt bão COVID-19
00:04, 28/06/2021
Quảng Ninh: Thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch để đón khách du lịch
00:38, 23/06/2021
Quảng Ninh: Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để thu hút đầu tư
00:17, 12/06/2021
Quảng Ninh nỗ lực “chia lửa” cùng Bắc Giang
17:21, 07/06/2021