Việc tăng cường và đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư, đặc biệt là xúc tiến đầu tư nước ngoài đã và đang mang lại hiệu quả cho Quảng Trị trên hành trình phát triển kinh tế.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, việc thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đã trở thành một trong những chiến lược phát triển quan trọng của nhiều tỉnh, thành phố tại Việt Nam. Đối với Quảng Trị, một tỉnh nằm ở vị trí trung điểm của đất nước, những nỗ lực xúc tiến đầu tư nước ngoài đang ngày càng mang lại hiệu quả rõ nét, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững.
Lợi thế tự nhiên và chiến lược thu hút đầu tư
Quảng Trị được xem là cửa ngõ quan trọng kết nối Việt Nam với các nước Đông Nam Á qua hành lang kinh tế Đông – Tây (EWEC). Với hệ thống giao thông đa dạng gồm quốc lộ 1A, đường sắt Bắc - Nam, cảng biển Cửa Việt, cảng nước sâu Mỹ Thủy, sân bay Quảng Trị và đặc biệt là cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, Quảng Trị có tiềm năng lớn để trở thành trung tâm logistics và cửa ngõ thương mại khu vực.
Nhận thức được lợi thế này, tỉnh Quảng Trị đã xây dựng chiến lược xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực có tiềm năng như năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, logistics, và du lịch. Đặc biệt, khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị với các chính sách ưu đãi đầu tư vượt trội đã trở thành điểm sáng thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Khi còn trên cương vị Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, ông Võ Văn Hưng (nay là Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã nhiều lần nhấn mạnh vai trò trọng tâm của xúc tiến đầu tư trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh. Tại một hội thảo xúc tiến đầu tư ở Hàn Quốc tháng 4/2024, ông Hưng khẳng định: “Phương châm của tỉnh là doanh nghiệp phát triển thì Quảng Trị phát triển, Quảng Trị phát triển thì doanh nghiệp phát triển”. Ông cũng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là từ Hàn Quốc, sẽ hợp tác chặt chẽ hơn để hiện thực hóa tiềm năng và thế mạnh của tỉnh, hướng đến mục tiêu đưa Quảng Trị và các đối tác cùng phát triển mạnh mẽ.
Khẳng định việc này, theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Quảng Trị, tỉnh đã xây dựng các chiến lược đầu tư đồng bộ, tập trung vào nâng cấp cơ sở hạ tầng như cảng biển, sân bay và đường giao thông quan trọng. Các khu kinh tế như Đông Nam Quảng Trị được coi là hạt nhân thúc đẩy sự phát triển công nghiệp và dịch vụ, góp phần tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài.
Ông Nguyễn Đức Tân, Giám đốc Trung tâm cho biết, trong năm 2025, định hướng thu hút đầu tư của tỉnh Quảng Trị là tập trung thu hút đầu tư vào các lĩnh vực trọng tâm, dự án trọng điểm như: đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp; đầu tư các dự án công nghiệp điện - năng lượng (điện mặt trời – điện gió – điện khí…), công nghiệp nhẹ sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ; các dự án thuộc các ngành sản xuất nguyên vật liệu xây dựng, vật liệu trang trí nội ngoại thất, hàng dân dụng, sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu; chế biến các loại nông, lâm, hải sản, bao bì, nhựa, dệt may; các dự án thuộc lĩnh vực du lịch, dịch vụ, các dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển kinh tế biển, nông nghiệp công nghệ cao, dự án phát triển đô thị, các khu dân cư, nhà ở xã hội, dự án về y tế, giáo dục.
Theo số liệu từ UBND tỉnh Quảng Trị, trong những năm gần đây, dòng vốn FDI vào tỉnh đã tăng trưởng đáng kể. Đặc biệt, lĩnh vực năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu. Các dự án lớn như dự án điện gió tại huyện Hướng Hóa, Đakrông hay nhà máy điện mặt trời tại huyện Gio Linh không chỉ tạo ra nguồn thu lớn cho ngân sách mà còn thúc đẩy chuyển đổi năng lượng bền vững.
Bên cạnh đó, Quảng Trị đã tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư quốc tế, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ngoại giao và tổ chức kinh tế để quảng bá hình ảnh tỉnh. Nhờ đó, tỉnh đã ký kết được nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác với các tập đoàn lớn và địa phương tiềm năng, mở ra cơ hội cho nhiều dự án có quy mô, lan tỏalớn. Lần đầu tiên Quảng Trị ký kết Bản ghi nhớ (MOU) hợp tác về đầu tư, thương mại với một địa phương của Hàn Quốc - thành phố đặc biệt Changwon trong tháng 4/2024 là một minh chứng cụ thể.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Trị, hiện tại, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang ngày càng đến nhiều hơn với Quảng Trị, coi đây là “bến đỗ” mới để quyết định “rót vốn”. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 646 dự án được cấp phép đầu tư còn hiệu lực hoạt động với tổng vốn đầu tư lên đến gần 237 nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý, trong số đó có 21 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 2,5 tỷ USD. Riêng trong năm 2023, Quảng Trị thu hút được 52 dự án đầu tư mới, với số vốn đăng ký hơn 3.400 tỷ đồng.
Trong đó, phải kể đến một số dự án trọng điểm của tỉnh, làm động lực để thu hút các dự án thứ cấp, như: Dự án Cảng hàng không Quảng Trị vốn đầu tư hơn 6000 tỷ đồng; Dự án KCN Quảng Trị có tổng mức đầu tư 2.074 tỷ đồng; Dự án KCN đa ngành Triệu Phú 4.500 tỷ đồng; Dự án Nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời 968 tỷ đồng; Dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy hơn 14.000 tỷ đồng,…
Hàn Quốc hiện là quốc gia đứng đầu về đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Đối với tỉnh Quảng Trị, Hàn Quốc chính thức hợp tác từ năm 2001, đã trở thành một trong những đối tác tin cậy, quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Tháng 8 vừa qua, Công ty TNHH Phát triển DRP Hàn Quốc đã đề xuất chính quyền tỉnh Quảng Trị hỗ trợ các thủ tục cần thiết để đầu tư, triển khai, xây dựng dự án sân golf kết hợp với khu nghỉ dưỡng trên địa bàn huyện Gio Linh với diện tích hơn 172 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 100 triệu USD. Theo doanh nghiệp này, sân golf hiện nay là một yếu tố rất cần thiết trong việc thu hút khách du lịch, đón đầu Dự án Cảng hàng không Quảng Trị, thu hút lượng du khách trong nước và quốc tế đến Quảng Trị tham quan, du lịch, hợp tác phát triển trên tất cả các lĩnh vực cũng như đến với sân golf và khu nghỉ dưỡng để có nhiều trải nghiệm thú vị.
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, nhưng cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, Quảng Trị vẫn đối mặt với một số thách thức trong việc thu hút FDI. Trong đó, hạ tầng kỹ thuật tại một số khu vực còn hạn chế, đặc biệt là hạ tầng kỹ thuật xử lý nước thải trong khu, cụm công nghiệp, giải phóng mặt bằng chưa được nhanh chóng, chất lượng nguồn nhân lực chưa đồng đều và thủ tục hành chính trong một số trường hợp vẫn chưa thực sự thuận lợi.
Để giải quyết các vấn đề này, theo các doanh nghiệp, tỉnh cần đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ. Đồng thời, việc xây dựng hình ảnh một Quảng Trị thân thiện, minh bạch và luôn đồng hành cùng doanh nghiệp cũng là yếu tố then chốt để gia tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Hiệu quả xúc tiến đầu tư nước ngoài của Quảng Trị trong thời gian qua là minh chứng rõ ràng cho tầm nhìn chiến lược và nỗ lực không ngừng của chính quyền địa phương. Với sự chủ động trong cải thiện môi trường đầu tư, khai thác tối đa lợi thế địa phương và tăng cường hợp tác quốc tế, Quảng Trị đang trên đà trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn, góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện và bền vững của tỉnh.