"Cánh rừng" cao ốc trên đường Lê Văn Lương đã làm "méo mó" quy hoạch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân thủ đô, thế nhưng câu chuyện xử lý trách nhiệm vẫn chưa được làm rõ…
>>Quy hoạch “băm nát” đường Lê Văn Lương: Hệ lụy từ “cánh rừng cao ốc”
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, trong Kết luận thanh tra số 39 của Thanh tra Bộ Xây dựng vừa ban hành, hàng loạt vi phạm trong quy hoạch, xây dựng các dự án cao ốc hai bên tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu (Hà Nội) đã được chỉ rõ, những dự án “đu bám” bên tuyến đường này liên tục điều chỉnh quy hoạch không đúng quy định, nâng tầng cao, chuyển đổi chức năng sử dụng đất…
Ở trục đường này, sau khi di dời một số cơ quan, việc xây dựng các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, hạ tầng xã hội, kỹ thuật đô thị không được ưu tiên theo quyết định của Thủ tướng, thay vào đó là đầu tư xây dựng công trình hỗn hợp. Đơn vị thanh tra cũng chỉ ra trách nhiệm của các cơ quan như UBND TP Hà Nội, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng và một số cơ quan quản lý địa phương đã để xảy ra các vi phạm trên.
Bàn luận về vấn đề quy hoạch tại Hà Nội, nhiều chuyên gia bày tỏ sự bức xúc trước thực trạng nhiều khu đô thị, quy hoạch 2 bên tuyến đường đã thay đổi chóng mặt do những lần điều chỉnh và tỷ lệ xây dựng tăng lên nhiều lần. Điều đáng nói là cho tới nay, công tác xử lý với những cán bộ có trách nhiệm dường như chưa đủ sức răn đe.
Theo TS. Lưu Bình Nhưỡng - nguyên Phó trưởng Ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân tích: "Hà Nội là Thủ đô của cả nước cho nên sự phát triển là niềm tự hào chung chứ không phải riêng gì địa phương. Những người làm lãnh đạo của các cơ quan quản lý tại Hà Nội cũng phải hiểu được điều này để thấy được trách nhiệm của mình và để hiểu rõ hơn khi đã ở vị trí lãnh đạo thì phải làm cho đúng, đừng vì lợi ích riêng mà gây ảnh hưởng tới mục tiêu chung.
Từ hàng loạt những vấn đề nảy sinh trong quản lý quy hoạch đô thị tại Hà Nội thời gian qua, dư luận có lý khi đặt ra trách nhiệm đối với Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội và lãnh đạo UBND TP. Hà Nội được giao phụ trách vấn đề này cũng như người đứng đầu TP. Hà Nội. Nếu các chủ đầu tư xin "điều chỉnh" quy hoạch, thay đổi so với ban đầu làm tăng tỷ lệ xây dựng lớn như vậy thì trách nhiệm của các đồng chí ra sao khi xảy ra thực trạng như hiện nay? Tôi chưa thấy công khai xử lý trách nhiệm cụ thể đối với cá nhân nào".
Chúng ta phải thẳng thắn đặt ra vấn đề trách nhiệm với những cán bộ là lãnh đạo của các cơ quan này bởi vì thực tế đã có nhiều khu vực có sự "điều chỉnh" thay đổi quy hoạch mà nhiều người nói thẳng là bị “băm nát”. Còn nếu các chủ đầu tư tự ý thay đổi quy hoạch thì xử lý trách nhiệm thế nào, có nghiêm minh không, có kiên quyết không? Vai trò quản lý cơ sở của các chủ tịch quận, chủ tịch phường ra sao khi để xảy ra sai phạm trật tự xây dựng liên tiếp như vậy?
"Tôi mong rằng trong thời gian tới đây, các đồng chí lãnh đạo đứng đầu Hà Nội phải siết chặt được vấn đề quản lý quy hoạch, không cho phép lợi dụng "điều chỉnh" tràn lan làm tăng tỷ lệ, mật độ xây dựng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây áp lực nặng nề lên hạ tầng giao thông đô thị như hiện nay", ông Lưu Bình Nhưỡng cho biết.
>>Cơ quan di dời khỏi đường Lê Văn Lương, cao ốc mọc lên trái quyết định của Thủ tướng
Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội, cho biết trước đây Ủy ban này đã giám sát về thực hiện chính sách pháp luật theo luật Nhà ở tại TP.Hà Nội và chỉ ra nhiều vi phạm trong quy hoạch cũng như điều chỉnh quy hoạch đô thị.
“Không phải tới khi Thanh tra Bộ Xây dựng công bố kết luận thanh tra về quy hoạch khu vực dọc đường Lê Văn Lương khi chỉ 2 km đường mà hàng chục chung cư cao tầng mọc lên ở đây người ta mới biết những bất cập trong quy hoạch đô thị của Hà Nội. Những vi phạm trong vấn đề này có từ lâu và đã thành hệ thống rồi. Việc này tôi nghĩ rằng cần phải thanh tra làm rõ, chỉ ra sai phạm và xử lý nghiêm đối với những người liên quan”, ông Hòa nói.
Theo vị đại biểu này, chịu trách nhiệm cao nhất trong vấn đề này phải là UBND TP.Hà Nội vì là nơi quyết định cao nhất trong việc điều chỉnh tổng thể mặt bằng hay phương án kiến trúc, còn Sở QH-KT, Sở Xây dựng... chỉ là cơ quan tham mưu. Ông Hòa cho hay cách đây hàng chục năm, Hà Nội đã có kế hoạch giảm mật độ cư dân trong nội đô bằng cách di chuyển các trường đại học, các cơ quan, đơn vị ra khu vực xa trung tâm nhưng đến nay đang “nói một đằng làm một nẻo” khi các trường đại học, nhiều cơ quan vẫn chưa thể di dời, còn nội đô vẫn đang bị nhồi nhét các chung cư cao tầng.
Quay trở lại chuyện sai phạm đã được chỉ rõ trong kết luận thanh tra, tuy nhiên, vấn đề truy trách nhiệm để xử lý thì chưa được các cơ quan liên quan đề cập tới. Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, Kết luận của thanh tra Bộ Xây dựng mới chỉ là thanh tra chuyên ngành và là bước khởi đầu, nhưng đã xuất hiện rất nhiều vấn đề. Chính vì thế, theo ông, cần xem xét ở bình diện sâu hơn, rộng hơn thì mới đảm bảo xem xét chính xác trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan để xảy ra vi phạm.
Trong đó, ông Nhưỡng đặc biệt nhấn mạnh việc cần xem xét trách nhiệm của tất cả cơ quan, đặc biệt là trách nhiệm của những người đứng đầu các giai đoạn để xảy ra tình trạng vi phạm như Kết luận nêu.
"Có những người về hưu rồi, nhưng không phải về hưu là chúng ta không xem xét. Có thể không xem xét về mặt hành chính, nhưng phải xem xét về mặt Đảng, hình sự nếu có dấu hiệu", ông Nhưỡng nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Quy hoạch “băm nát” đường Lê Văn Lương: Hệ lụy từ “cánh rừng cao ốc”
03:50, 28/06/2022
Cơ quan di dời khỏi đường Lê Văn Lương, cao ốc mọc lên trái quyết định của Thủ tướng
23:44, 09/06/2022
Những dự án nào “phá nát” quy hoạch trên đường Lê Văn Lương?
00:06, 08/06/2022
Đường Lê Văn Lương - Hà Nội nhồi cao ốc tăng 6 lần: Bất cập công tác quy hoạch
01:46, 07/06/2022