Quy hoạch điện VIII đang được nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng cần cuộc cách mạng ngành điện bắt đầu từ việc lập quy hoạch này.
Sau Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh, ngành điện đang đối mặt với nhiều vấn đề như: phát triển kinh tế dẫn đến nhu cầu điện tăng cao, sự phát triển của nguồn điện không cân đối với nhu cầu phụ tải giữa các vùng miền, tình hình triển khai nhiều dự án điện mặt trời tập trung ở khu vực miền trung dẫn đến quá tải, sự phát triển mạnh mẽ của năng lượng tái tạo khiến cho hệ thống lưới điện quốc gia không đáp ứng được. Mặt khác, nhiều dự án nhiệt điện với nguồn điện lớn bị đắp chiếu, ô nhiễm nặng về môi trường, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh Nghiệp, ông Đào Du Dương – Phó chủ tịch thường trực, Hiệp hội năng lượng sạch Việt Nam cho rằng việc lập quy hoạch điện VIII là nói lên mục tiêu định hướng phát triển năng lượng bền vững, đồng bộ, không lập quy hoạch theo cách chủ quan, theo kiểu mình vỗ tay khen mình hay. Với quy hoạch điện VII, chúng ta đã nhìn ra vấn đề rằng quy hoạch không lường trước được sự phát triển của năng lượng tái tạo, tiếp đó việc lập quy hoạch đang bị thiếu dữ liệu, dẫn đến vỡ quy hoạch.
Ngành điện là ngành cực kỳ quan trọng, được xem như xương sống của nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp tới việc sản xuất công nghiệp hóa, hiện đại hóa, việc sử dụng hiệu quả nó sẽ đánh giá đúng tốc độ của nền kinh tế.
"Việc quy hoạch của ngành điện không đơn giản là của riêng ngành điện mà nó nằm trong bối cảnh chung của sự phát triển kinh tế của đất nước. Trong đó, quy hoạch cần đi theo xu thế của thế giới chuyển dịch sang sử dụng năng lượng sạch" - ông Dương nhấn mạnh.
Ông cũng cho rằng, Chính phủ cần đứng ra là người chủ trì trong quy hoạch điện lần này nhằm đánh giá đúng thực trạng của ngành điện bao gồm: giá điện, hạ tầng lưới điện, khả năng tuyền tải, tiêu thụ... Để thực hiện việc quy hoạch điện này cần có 1 đơn vị, tổ chức độc lập uy tín của Quốc tế vào cuộc nhằm đánh giá khách quan nhất về trực trạng và tốc độ phát triển của ngành điện. Trên cơ sở đó Chính phủ có thể đánh giá tổng quan của ngành điện, qua đó đánh giá đúng năng lực thực tại của EVN và ngành điện nước ta.
"Hiện nay ngành điện đang tự mình làm quá nhiều việc như từ việc báo cáo, đánh giá, đưa ra quy hoạch, dự báo, đề xuất,…. Muốn lập được quy hoạch điện có tầm Quốc tế nhất thiết cần Cách mạng ngành điện. Nếu không làm được thì quy hoạch điện VIII cũng sẽ lại bị vỡ như các quy hoạch trước" - ông Dương chia sẻ thêm.
Ông Bùi Văn Thịnh - Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận cho biết, thứ nhất, cần hạn chế việc cắt giảm điện năng lượng tái tạo bởi việc cắt giảm chính là lãng phí tài nguyên năng lượng quốc gia; thứ hai, trong quy hoạch điện VIII, cần sớm đẩy nhanh việc sử dụng lưới điện thông minh Smart Grid - đây chính là giải pháp công nghệ cho ngành điện, ngoài ra cần đẩy mạnh liên kết lưới trong khu vực các nước trong khu vực cũng rất quan trọng. Thứ ba, cần đẩy mạnh việc khuyến khích điện gió ngoài khơi, mặc dù còn nhiều khó khăn trong việc lắp đặt và vận hành nhưng rất ổn định về nguồn điện.
Theo dự kiến quy hoạch điện VIII, tổng tổng công suất nguồn của hệ thống điện giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 sẽ tăng khoảng 80.000 MW so với năm 2020. Trong đó, các nguồn điện lớn như nhà máy nhiệt điện than, khí và LNG dự kiến thêm khoảng hơn 30.000 MW còn các nhà mái điện gió trên bờ (onshore), ngoài khơi (offshore) và điện mặt trời là gần 30.000 MW. Phần lớn các nguồn điện này đều ở xa trung tâm phụ tải.
Truyền tải điện sẽ có xu hướng thay đổi dần theo chiều từ Nam ra Bắc. Việt Nam cũng có xu hướng mua điện từ Trung Quốc, Lào về Bắc Bộ và bán điện từ miền Trung, miền Nam sang Thái Lan, Campuchia khi dư thừa nguồn gió, mặt trời.
Có thể bạn quan tâm
KINH TẾ CUỐI TUẦN: Dự thảo Quy hoạch điện VIII và sứ mệnh “đi trước một bước”
07:00, 06/03/2021
Dự thảo Quy hoạch Điện VIII (kỳ 6): Khả năng nhập khẩu điện từ các nước láng giềng
05:00, 04/03/2021
Thời hạn giá FiT lộ rõ nhược điểm của quy hoạch điện mặt trời
05:00, 15/01/2021
Quy hoạch điện VIII có thể được phê duyệt vào năm 2021
11:20, 09/11/2020