Tiềm năng, nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội góp phần ổn định kinh tế vĩ mô trên cơ sở triển khai thực hiện tốt quy hoạch sử dụng đất theo Nghị quyết của Quốc hội.
LTS: Dự thảo Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 do Bộ TN&MT xây dựng đang lấy ý kiến cho thấy, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm của các cấp vẫn là những căn cứ quan trọng để Nhà nước thực hiện thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Diễn đàn Doanh nghiệp trích đăng bài viết của PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, đơn vị được Bộ Tài nguyên Môi trường giao hoàn thiện dự thảo.
Thứ nhất: Công tác dự báo nhu cầu sử dụng đất cần được tăng cường, nâng cao chất lượng. Công tác lập, quản lý, tổ chức thực hiện và giám sát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thống nhất chặt chẽ đảm bảo cân đối tổng thể giữa bảo tồn và phát triển, giữa các thế hệ và giữa các bên liên quan, có tầm nhìn dài hạn, khả thi trong thực hiện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.
Tránh quy hoạch treo không thực hiện được hoặc việc bố trí quỹ đất cho các mục đích sử dụng chưa phù hợp với nhu cầu thực tế do không lường hết những khó khăn trong quá trình thi công, giải phóng mặt bằng, huy động vốn đầu tư.
Thứ hai: Tăng cường công tác giám sát việc tổ chức lập, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch tỉnh, kế hoạch sử dụng đất 5 năm cấp tỉnh, quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần thực hiện theo đúng quy trình. Quy hoạch sử dụng đất quốc gia phải thể hiện nội dung, phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cho quy hoạch tỉnh, quy hoạch tỉnh phải thể hiện nội dung, phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cho quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.
Quy hoạch phải được lập từ tổng thể đến chi tiết; quy hoạch sử dụng đất cấp dưới phù hợp quy hoạch với cấp trên, cũng như đảm bảo đảm tính đặc thù, chứa đựng yếu tố liên ngành, liên vùng để tránh tình trạng phát triển mang tính cục bộ, dàn trải địa phương.
Thứ ba: Đẩy mạnh việc đấu giá quyền sử dụng đất. Tổ chức giám sát chặt chẽ quỹ đất được quy hoạch phát triển đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đất cơ sở sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất, khắc phục tình trạng hoang hóa, chậm đưa đất vào sử dụng. Quy hoạch của các ngành, lĩnh vực có sử dụng đất phải thống nhất với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Quản lý, sử dụng đất theo đúng quy hoạch, kế hoạch được duyệt, nhất là các khu vực sẽ chuyển mục đích sử dụng đất để tập trung cho phát triển kinh tế và chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển dịch vụ, đô thị để tăng nguồn thu cho ngân sách.
Thứ tư: Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý dứt điểm các trường hợp dự án treo, quy hoạch treo, bỏ hoang, chậm đưa đất vào sử dụng, lấn chiếm đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất không theo quy hoạch. Các đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng nhân dân các cấp tăng cường công tác giám sát việc tổ chức lập, thẩm định và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương; giám sát quá trình chuyển mục đích sử dụng từ đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng; việc sử dụng đất để thực hiện dự án theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, sử dụng đất đai.
Thứ năm: Tiếp tục rà soát, đánh giá một cách toàn diện thực trạng sử dụng đất và môi trường trong các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế làm cơ sở điều chỉnh quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế đảm bảo tính liên vùng, liên tỉnh trong cả nước và phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từng thời kỳ, không để dự án treo, quy hoạch treo, bỏ trống đất đai gây lãng phí tài nguyên; không phát triển khu công nghiệp khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế khi chưa đảm bảo tỷ lệ lấp đầy theo quy định.
Thứ sáu: Phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế với số lượng và quy mô phù hợp với điều kiện phát triển thực tế của địa phương, tránh tình trạng dự án treo, quy hoạch treo, đảm bảo hiệu quả sử dụng đất khu công nghiệp, khu kinh tế; hạn chế phát triển khu công nghiệp trên đất lúa có năng suất ổn định.
Thứ bảy: Rà soát quy hoạch sử dụng đất đô thị theo hướng bố trí sử dụng đất hợp lý, bảo đảm đồng bộ hạ tầng kỹ thuật với hạ tầng xã hội; nâng cao hệ số sử dụng đặc biệt là các đô thị sử dụng đất lúa. Hạn chế việc thực hiện các dự án nhà ở nhỏ lẻ tại các thành phố. Các công trình xây dựng tại các đô thị cần triệt để khai thác không gian ngầm và trên cao để tiết kiệm đất.
Thứ tám: Củng cố hệ thống cơ quan quản lý nhà nước, nâng cao năng lực giám sát bằng hệ thống thông tin đất đai hiện đại, đồng bộ, thống nhất, tập trung, đa mục tiêu. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong quản lý nhà nước về đất đai. Tăng cường công tác giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và công tác thanh tra, kiểm tra của Chính phủ, quản lý của bộ ngành, các địa phương trong công tác lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Thực hiện công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Thứ chín: Sớm xây dựng hệ thống giám sát, đánh giá và tăng cường năng lực cho các cơ quan, đơn vị lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Tăng cường giám sát của người dân và cộng đồng xã hội thông qua đổi mới phương pháp, nội dung công bố thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để người dân thuận tiện trong việc sử dụng và tham gia giám sát.
Đất đai phải được phân bổ hợp lý với tầm nhìn dài hạn, hài hòa lợi ích tổng thể giữa các thế hệ, giữa bảo tồn với phát triển, giữa phát triển kinh tế - xã hội với, đảm bảo quốc phòng, an ninh, và bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên và, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo quốc phòng, an ninh; được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững; được điều tra, đánh giá, thống kê, kiểm kê, lượng hóa, hạch toán đầy đủ trong nền kinh tế.
Việc quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần phải được quản lý, thống nhất, tập trung, ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và chuyển đổi số trong lĩnh vực đất đai nhằm tăng cường năng lực kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực của bộ máy nhà nước cùng với sự tham gia của toàn thể nhân dân trên nguyên tắc lãnh thổ, tài nguyên đất đai, không gian sinh tồn của dân tộc.
Có thể bạn quan tâm
Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn mới (KỲ II): Kiến nghị thu hồi gần 25 nghìn ha đất sai phạm
14:56, 18/08/2021
Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn mới (KỲ I): Khoanh quỹ đất phát triển kinh tế - xã hội
14:00, 17/08/2021
6 vướng mắc về công tác quy hoạch sử dụng đất quốc gia
05:30, 15/06/2021
Hà Nội: Chuẩn bị lập quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 – 2030
08:38, 11/08/2020
Tăng tính đồng bộ trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia
14:00, 14/05/2020