Theo dự thảo Báo cáo Quy hoạch sử dụng đất Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, Việt Nam sẽ có thêm khoảng 177 khu công nghiệp mới.
Theo dự thảo Báo cáo Quy hoạch sử dụng đất Quốc gia, cả nước hiện có 381 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích quy hoạch là 114.000 ha, trong đó diện tích khu công nghiệp đã được giao đất và đưa vào sử dụng là 90.800 ha, tăng 18.800 ha so với năm 2010.
Cũng theo dự thảo trên, các khu công nghiệp, khu chế xuất đã thu hút được 9.381 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đầu tư đạt 191,6 tỷ USD; Thu hút được 9.331 dự án đầu tư trong nước (DDI), với tổng vốn đầu tư đạt hơn 2 triệu tỷ đồng; vốn thực hiện đạt khoảng 42%.
Tổng doanh thu đạt khoảng 235 tỷ USD, tăng hơn 8% so với năm 2018; kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 142 tỷ USD, đóng góp gần 59% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng khoảng 11% so với năm 2018; nộp ngân sách nhà nước gần 130.000 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo dự thảo trên, đến năm 2030, Việt Nam sẽ có khoảng 558 khu công nghiệp, kể cả 95 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế ven biển và các khu kinh tế cửa khẩu, tăng 177 khu công nghiệp so với hiện tại.
Việc quy hoạch, bố trí diện tích quỹ đất các khu công nghiệp của cả nước như trên là tính tới lâu dài, tránh tốn kém kinh phí trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư.
Sau khi được Quốc hội quyết định, trong quá trình thực hiện, Chính phủ sẽ chủ động điều tiết, phân bổ chỉ tiêu cho các địa phương với các điều kiện và tiêu chí, ưu tiên cho phép các địa phương mở rộng các khu công nghiệp khi đã thực hiện tỷ lệ lấp đầy đạt trên 60%.
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, mặc dù hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID - 19, tuy nhiên bất động sản công nghiệp vẫn là điểm sáng với những con số tăng trưởng tích cực về cả số lượng dự án mới, tỷ lệ lấp đầy cũng như giá thuê ở hầu hết các tỉnh.
Các chuyên gia đánh giá, với vị trí liền kề Trung Quốc cũng như hội tụ nhiều lợi thế chiến lược, đặc biệt là chi phí thuê bất động sản công nghiệp rất cạnh tranh, Việt Nam đang được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm và xem như một điểm đến thay thế cho Trung Quốc. Do đó, bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục là ‘đứa con cưng’ của ngành bất động sản nói chung, với nhu cầu cao và hoạt động thị trường vốn gia tăng.
Tuy nhiên, việc "tăng nóng" thời gian qua lại vô hình chung tạo ra những rào cản, gây ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài đang nhắm đến Việt Nam.
Cụ thể, theo ông John Campell - Quản lý bộ phận bất động sản công nghiệp Savills Việt Nam, thời gian qua việc chi phí ngày càng tăng cao đã khiến một số ngành có tỷ suất lợi nhuận thấp như dệt may và nội thất có xu hướng tìm kiếm các địa điểm sản xuất với chi phí thấp và kinh doanh hiệu quả hơn tại các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, thay vì lấy Việt Nam làm trung tâm sản xuất chính như trước kia.
“Bất động sản công nghiệp Việt Nam đang sở hữu cơ hội lớn để tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ nhưng nếu các địa phương không có sự cẩn trọng tính toán trong việc cấp mới dự án bất động sản công nghiệp, khủng hoảng là điều hoàn toàn có thể xảy ra”, ông John Campbell nhận định.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs), nguồn lực các khu công nghiệp ở nước ta hiện tại chỉ đủ phục vụ, thu hút các doanh nghiệp trong điều kiện bình thường. Nếu có một làn sóng vốn đầu tư nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam trong giai đoạn tới thì diện tích các khu công nghiệp như hiện tại sẽ không đáp ứng đủ. Do đó, việc Chính phủ đồng ý phê duyệt nhiều khu công nghiệp mới là rất cần thiết và kịp thời.
"Song các địa phương có dự án khu công nghiệp vừa được phê duyệt cần “quản” chặt thị trường bất động sản, tránh các làn sóng đầu cơ, ôm đất, đẩy giá lũng loạn thị trường, gây khó khăn cho quá trình đền bù giải phóng mặt bằng xây dựng khu công nghiệp" - vị chuyên gia cảnh báo.
Trao đổi riêng với Diễn đàn Doanh nghiệp, PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên Môi trường cũng nhấn mạnh, việc quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được quản lý thống nhất, tập trung.
“Bộ sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá một cách toàn diện thực trạng sử dụng đất và môi trường trong các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế làm cơ sở điều chỉnh quy hoạch đảm bảo tính liên vùng, liên tỉnh trong cả nước và phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từng thời kỳ. Không để dự án treo, quy hoạch treo, bỏ trống đất đai gây lãng phí tài nguyên; không phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất khi chưa đảm bảo tỷ lệ lấp đầy theo quy định” – ông Thọ khẳng định.
Có thể bạn quan tâm