Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ đáp ứng các mục tiêu đảm bảo quỹ đất cho thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ngày 13/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).
Trước đó, báo cáo tại Quốc hội, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phân bổ hợp lý cho các ngành, các địa phương phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; đáp ứng yêu cầu phát triển kết cấu hạ tầng, công nghiệp hóa, đô thị hóa, phát triển văn hóa xã hội, bảo vệ các hệ sinh thái.
Trong phương án quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, đối với đất nông nghiệp, theo chỉ tiêu được Quốc hội quyết định đến năm 2020 của cả nước là 27,04 triệu ha. Thực hiện quy hoạch được phê duyệt, cả nước đã chú trọng công tác bảo vệ, quản lý đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, đất trồng lúa; thực hiện tốt việc khai hoang, phục hóa; năm 2020, diện tích đất nông nghiệp có 27,98 triệu ha đảm bảo chỉ tiêu Quốc hội quyết định. Để đáp ứng mục tiêu an ninh lương thực quốc gia, đảm bảo độ che phủ rừng đạt 42 - 43% và tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp quy hoạch đến năm 2030 có 27,73 triệu ha.
Đối với đất phi nông nghiệp, thời kỳ 2021 - 2030 đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, đô thị hóa, phát triển hạ tầng đồng bộ quy hoạch đất phi nông nghiệp đến năm 2030 là 4,90 triệu ha. Trong đó, đất giao thông là 921,88 nghìn ha, tăng 199,55 nghìn ha đảm bảo đủ quỹ đất cho phát triển hạ tầng giao thông đi trước một bước để thúc đẩy đầu tư, phát triển, gia tăng giá trị đất đai. Đất cơ sở giáo dục đào tạo là 78,60 nghìn ha, đất cơ sở y tế 12,04 nghìn ha, đất cơ sở văn hóa 20,37 nghìn ha, đất thể dục thể thao 37,78 nghìn ha đáp ứng yêu cầu về chỉ số phát triển con người (HDI) đến năm 2030.
Đối với đất đô thị, để đáp ứng mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%, quy hoạch sử dụng đất đô thị đến năm 2030 là 2,95 triệu ha, tăng 925,78 nghìn ha.
Về nội dung kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025), Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu rõ, kế hoạch sử dụng đất 5 năm được tính toán, phân kỳ trên cơ sở kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm; kế hoạch đầu tư công trung hạn; các kịch bản tăng trưởng kinh tế có tính đến độ trễ do tác động của đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu; kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất kỳ trước; nhu cầu sử dụng đất của các địa phương, Bộ, ngành, lĩnh vực...
Góp ý cho bản quy hoạch này, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho rằng cần bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) quốc gia với các quy hoạch có liên quan.
Thứ nhất, về xác định vị trí của “quy hoạch sử dụng đất” trong hệ thống “các lớp quy hoạch” có sử dụng đất của các ngành quốc gia, chưa thể hiện được vị trí “lớp quy hoạch nền tảng” trong hệ thống “các lớp quy hoạch”.
Thứ hai, về việc lập “kế hoạch sử dụng đất” đối với “khu vực tư nhân” và vướng mắc do quy định dự án đầu tư có sử dụng đất phải phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện và phải có trong danh mục thu hồi đất cấp tỉnh.
Bên cạnh đó, công tác lập “quy hoạch tỉnh”, “kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh”, “quy hoạch sử dụng đất cấp huyện” giữ vị trí rất quan trọng, định hướng cho hoạt động đầu tư, phát triển, theo đó “quy hoạch sử dụng đất cấp huyện” phải phù hợp với “quy hoạch tỉnh” và trong trường hợp nhà đầu tư tư nhân đề xuất dự án đầu tư có sử dụng đất nhưng chưa nằm trong “quy hoạch sử dụng đất cấp huyện” thì cần phải xem xét điều chỉnh đồng bộ “quy hoạch tỉnh”.
Thứ ba, cần có cơ chế lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, đi đôi với việc Nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, phát triển đô thị và điểm dân cư nông thôn và tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư.
Thứ tư, cần quy định chặt chẽ công tác lập, điều chỉnh quy hoạch, trong đó có quy hoạch sử dụng đất, đảm bảo chất lượng quy hoạch thể hiện tầm nhìn của nhà nước và có tính khả thi, tạo nguồn lực từ đất đai để phát triển đất nước.
Thứ năm, về việc nên hay không nên giao cho tư nhân làm quy hoạch, theo ông Châu không nên cực đoan khi thì mời gọi tư nhân làm quy hoạch, khi thì không cho tư nhân làm quy hoạch. Đồng thời cần thiết bổ sung thẩm quyền của “Thường trực Hội đồng nhân dân” cấp tỉnh, cấp huyện quyết định một số nội dung giữa hai kỳ họp Hội đồng nhân dân.
Có thể bạn quan tâm
Đại biểu Quốc hội nói gì về quy hoạch sử dụng đất quốc gia?
15:41, 30/10/2021
Quy hoạch sử dụng đất đô thị đến năm 2030: Ổn định đất trồng lúa, quản chặt đất rừng
17:30, 29/10/2021
Quy hoạch sử dụng đất “đón đầu” phát triển (KỲ III): Minh bạch tiếp cận đất đai
14:05, 29/10/2021
Quy hoạch sử dụng đất “đón đầu” phát triển (KỲ II): 4 đề xuất từ doanh nghiệp
05:00, 29/10/2021
Quy hoạch sử dụng đất “đón đầu” phát triển: Tăng năng lực quản lý Nhà nước
20:02, 28/10/2021