Trong quý đầu năm, số doanh nghiệp thành lập mới đạt 36.244 doanh nghiệp, tăng 6,9% so với cùng kỳ, đây là số doanh nghiệp thành lập mới trong quý cao nhất trong 10 năm gần đây.
>>>Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng 8,5%
Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho biết, chỉ số PMI ngành sản xuất của ASEAN trong tháng 03 đã tăng lên 51,5 điểm, từ 50,4 điểm trong tháng 02/2024, đây là mức cao nhất kể từ tháng 04/2023 nhờ sự tăng trở lại của số lượng đơn đặt hàng mới. Điều này cho thấy, sự tích cực của điều kiện hoạt động trong 3 tháng đầu năm, đây là quý có kết quả hoạt động mạnh nhất kể từ quý II/2023.
TPS cho rằng, sự cải thiện đến từ số lượng đơn hàng mới tăng trở lại, giúp sản lượng tăng nhanh hơn. Tuy nhiên, số lượng đơn đặt hàng mới chủ yếu xuất phát từ nhu cầu khách hàng trong nước, trong khi đó, số lượng đơn hàng quốc tế không ổn định. Ngoại trừ Indonesia, Singapore và Philipine, lĩnh vực sản xuất của các quốc gia còn lại như Thái Lan, Malaysia và Việt Nam đều đang trong tình trạng thu hẹp.
Trong khi đó, PMI ngành sản xuất của Việt Nam tháng 03 quay đầu giảm dưới ngưỡng 50 điểm cho thấy tăng trưởng lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đang chậm lại. Nguyên nhân chủ yếu là do số lượng đơn đặt hàng mới giảm nhẹ. Điểm tích cực của tháng này là niềm tin kinh doanh đang tăng lên, hầu hết các công ty đang ngày càng lạc quan rằng sản xuất sẽ mở rộng trở lại trong những tháng tới. Hơn nữa, các nhà sản xuất đã và đang nỗ lực tăng tuyển dụng trong tháng 3, từ đó tăng số lượng việc làm tháng thứ 2 liên tiếp với tốc độ tăng nhanh nhất kể từ tháng 10/2022.
“Sau khi vượt ngưỡng trung bình ở 2 tháng đầu năm 2024, PMI Việt Nam quay đầu giảm và ghi nhận ở dưới ngưỡng 50, báo hiệu kết thúc giai đoạn phục hồi kéo dài kể từ đầu năm 2024. Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục co lại trong tháng 3 chỉ là sự điều chỉnh trong quá trình phục hồi của lĩnh vực sản xuất. Bên cạnh đó, sự lạc quan trong niềm tin kinh doanh là yếu tố quan trọng để kéo PMI vượt ngưỡng 50 trong thời gian tới”, TPS nhận định.
Theo TPS, IIP tháng 03/2024 tăng gần 20% so với tháng trước và 4,1% so với cùng kỳ. Trong đó, IIP ngành khai khoáng giảm 7,8% so với cùng kỳ, IIP ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 4,6% so với cùng kỳ, IIP ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,5% so với cùng kỳ và IIP ngành cung cấp và quản lý rác thải tăng 9,4% so với cùng kỳ.
Tính chung quý I/2024, IIP tăng 5,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,6%). Trong đó, ngành chế biến chế tạo tăng 5,9% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,9%), đóng góp 5,2 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 12,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 1,1%), đóng góp 1,1 điểm phần trăm, ngành cung cấp nước và quản lý rác thải tăng 4% (cùng kỳ năm 2023 tăng 5,6%), đóng góp 0,1 điểm phần trăm. Ngoại trừ ngành khai khoáng giảm 4,1% (cùng kỳ năm 2023 giảm 3%, làm giảm 0,7 điểm phần trăm).
TPS nhận định, những kết quả đầu năm cho thấy lĩnh vực sản xuất của Việt Nam phục hồi khá tích cực kể từ đầu năm 2024. IIP được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới khi thị trường xuất khẩu của Việt Nam phục hồi và lĩnh vực sản xuất của các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam tiếp tục mở rộng. Tuy nhiên, IIP của Việt Nam tháng tới sẽ không tăng quá mạnh do PMI tháng 03 của Việt Nam đã rơi khỏi ngưỡng 50, báo hiệu sự co nhẹ trong lĩnh vực sản xuất.
Về tình hình doanh nghiệp, TPS cho biết, trong quý I/2024, số doanh nghiệp thành lập mới cao nhất trong 10 năm gần đây. Cụ thể, trong quý đầu năm, số doanh nghiệp thành lập mới đạt 36.244 doanh nghiệp, tăng 6,9% so với cùng kỳ, đây là số doanh nghiệp thành lập mới trong quý cao nhất trong 10 năm gần đây.
Theo đó, số doanh nghiệp tham gia vào thị trường trong quý I/2024 là 59.848 doanh nghiệp, tăng 5,1% so với cùng kỳ. Bình quân 1 tháng có gần 20.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động (so với năm 2023: 19 nghìn doanh nghiệp, 2022: 20,1 nghìn doanh nghiệp, 2021: 14,7 nghìn doanh nghiệp, 2020: 14,8 nghìn doanh nghiệp và 2019: 14,5 nghìn doanh nghiệp).
Ở chiều ngược lại, trong quý I/2024, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 53.365 doanh nghiệp, tăng 24,5% so với cùng kỳ. Theo đó, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường quý đầu năm ghi nhận 73.978 doanh nghiệp, tăng 22,8% so với cùng kỳ. Tương đương bình quân 1 tháng có gần 24,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Công ty Chứng khoán này nhận định, trong quý I/2024, mặc dù số doanh nghiệp tham gia vào thị trường thấp hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Tuy nhiên, TPS cho rằng, điều này không có gì đáng lo ngại. Một phần, là do văn hóa của người Việt Nam thường tạm ngừng các công việc liên quan tới khởi nghiệp trước Tết và tăng tốc sau Tết Nguyên đán.
“Bên cạnh đó, trong 73.978 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường thì có khoảng 72,1% doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh ngắn hạn (trong đó, có tới 90% doanh nghiệp có quy mô dưới 10 tỷ đồng và 74% là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ). Trong thời gian tới, khi xuất khẩu tiếp tục phục hồi, thị trường trong nước duy trì tăng trưởng tích cực sẽ thúc đẩy nhiều doanh nghiệp tham gia vào thị trường”, TPS nhận định.
Có thể bạn quan tâm
Quảng Ninh tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai
15:11, 20/04/2024
Đề xuất doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu: Nhà nước cần kiểm soát “mức trần”
12:31, 20/04/2024
Hải Phòng: Vận động doanh nghiệp thành lập công đoàn cơ sở trong khu kinh tế
02:28, 20/04/2024
Khai thác tiềm năng hợp tác doanh nghiệp Việt Nam - Australia
15:57, 19/04/2024
ESG – Giấy thông hành phát triển bền vững của doanh nghiệp
13:00, 19/04/2024