Quy mô kinh tế Việt Nam vượt Singapore: Chuyện nhỏ!

Trương Khắc Trà 30/05/2019 05:00

Kinh tế là những con số mà bất kỳ nhà kỹ trị nào đều phải quan tâm, chứ không chỉ khẩu hiệu chính trị đơn thuần.

Mới đây ngân hàng DBS Bank (Singapore) công bố báo cáo, trong đó có mấy dòng gây tranh cãi: “Nền kinh tế Việt Nam sẽ có quy mô lớn hơn kinh tế Singapore trong vòng một thập kỷ tới”.

Đọc tin này nhiều người bày tỏ hồ nghi, thậm chí dè bỉu và cho rằng đó là mục tiêu xa vời, làm sao có thể bằng Singapore - một quốc gia phát triển bậc nhất thế giới hiện tại, và 10 năm nữa họ còn tiến xa hơn (!?).

Quy mô kinh tế là gì? Trong tiếng Anh là thuật ngữ “Economy size”, tức là độ lớn bé của nền kinh tế tính theo lượng, thường được xác định bằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP - Gross Domestic Product). Ví dụ: GDP Mỹ là 17.000 tỷ USD, Trung Quốc là 16.000 tỷ USD…

Xét về quy mô, nền kinh tế Việt Nam - nếu vượt qua quy mô nền kinh tế Singapore là điều hoàn toàn bình thường. Xin nhấn mạnh, “hoàn toàn bình thường nếu so với Singapore”. Vì sao?

Singapore là đất nước tí hon về diện tích, xấp xỉ huyện Cần Giờ - TP HCM, họ có 5 triệu dân, GDP hiện tại 336 tỷ USD, xương sống kinh tế nước này là dịch vụ tài chính, logistics, và công nghiệp nhẹ giàu chất xám.

Việt Nam hiện có 95 triệu dân, diện tích, tài nguyên, lịch sử “dày” hơn nhiều so với đảo quốc Sư tử, nhưng GDP khoảng 220 tỷ USD! Nền kinh tế dựa vào xuất khẩu, gia công và nông nghiệp thô sơ.

Nếu chia đều GDP cho dân chúng theo cách tính bình quân, Việt Nam cách xa Singapore 128 bậc! 2.587 USD so với 90.531 USD. Đó mới là thước đo về chất của nền kinh tế.

Có thể so sánh, 5 người Singapore làm việc hiệu quả hơn 95 người Việt Nam, quá chênh lệch nhưng là sự thật! Đó là thước đo về năng suất lao động, con số nói lên rất nhiều điều.

Xét về thu nhập, 5 người Singapore làm việc hơn 95 người Việt Nam

Xét về thu nhập bình quân đầu người, 5 người Singapore làm việc hiệu quả hơn 95 người Việt Nam!

Khoan nói đến thu nhập bình quân đầu người. Đáng lẽ, với quy mô dân số, diện tích, tài nguyên… quy mô kinh tế Việt Nam phải lớn hơn Singapore từ lâu mới đúng logic của vấn đề.

Có thể bạn quan tâm

  • Cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam từ những

    Cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam từ những "gã khổng lồ" công nghệ

    00:16, 29/04/2019

  • Góc nhìn của tổ chức quốc tế về những

    Góc nhìn của tổ chức quốc tế về những "nút thắt" của nền kinh tế Việt Nam

    22:56, 19/05/2019

Nếu đặt trong điều kiện như nhau (thậm chí Việt Nam có lợi thế trội hơn), không có lý do gì 95 người làm việc không bằng 5 người. Vậy, rút cuộc mắc mớ chỗ nào?

Mục tiêu đưa Việt Nam hóa rồng, hổ, xếp hạng bao nhiêu, hình hài như thế nào đến năm 2030, 2045 cũng đồng nghĩa với việc giải quyết nghịch lý trên. Đó là cải thiện năng suất lao động.

Dự báo của DSB Bank không có gì gây sốc, nếu không muốn nói đó là một nỗi tủi hổ của người Việt. Tức là, trong vòng 10 năm tới, khoảng 100 triệu dân Việt Nam chỉ làm ra thêm hơn 100 tỷ USD. Như vậy, năng suất lao động chỉ dẫm chân tại chỗ hoặc thụt lùi.

Giá như năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng nửa Singapore cũng đủ làm phồn vinh đất nước trong vòng một thập kỷ.

Thu nhập bình quân đầu người - nếu thoát bẫy thu nhập trung bình, và mức sống người dân mới là thước đo thật sự cho sự phát triển. Khối lượng dân số thuộc nhóm lớn trên thế giới buộc Việt Nam phải tăng đến hàng nghìn tỷ USD mới đạt con số mong muốn.

Giả sử 10 năm tới, dân số Việt Nam là 100 triệu, để đạt GDP đầu người khoảng 12.000 USD thì khối lượng GDP phải là 1.150 tỷ USD.

Nhưng lưu ý rằng, nền kinh tế Singapore dựa trên nền tảng dịch vụ tài chính, logistics, công nghiệp nhẹ giàu chất xám, tính ổn định cao, môi trường kinh doanh minh bạch, ít tham nhũng thất thoát ngân sách.

Ngược lại, Việt Nam phụ thuộc vào FDI, không ai chắc 10 năm tới Samsung còn thịnh vượng như hiện nay; tham nhũng thất thoát như “quốc nạn”; nền nông nghiệp có lượng nhưng thiếu chất, xuất khẩu thô giá trị hạn chế, chỉ một trận dịch đủ khiến toàn ngành lao đao.

Về lượng, kinh tế Việt Nam có thể đuổi kịp hoặc bỏ xa Singapore là điều bình thường, song về chất - kết cấu nội tại, tính bền vững, khả năng tự chủ mới là thứ căn bản để xếp hạng đẳng cấp.

Bản báo cáo của DSB Bank chỉ là đánh giá sơ bộ, và không nhất thiết phải so sánh mình với bất kỳ ai. Mà nhìn lại thử xem mình có “nguyên liệu” gì để “Make in Viet Nam” hoạt động được?

Kinh tế là những con số mà bất kỳ nhà kỹ trị nào đều phải quan tâm, chứ không chỉ khẩu hiệu chính trị đơn thuần, thay vì vạch ra mục tiêu rồi ngồi chờ đến hạn tổng kết thì phải có hành động cụ thể.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quy mô kinh tế Việt Nam vượt Singapore: Chuyện nhỏ!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO