“Cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý cơ quan chưa quyết liệt, để xảy ra lãng phí, đồng thời quy trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tình trạng lãng phí".
Đại biểu Mai Sỹ Diến (đoàn Thanh Hoá) đã đề xuất như vậy khi thảo luận tại nghị trường chiều ngày 25/5.
Không lo "diệt chuột sợ làm vỡ bình"
Đại biểu Diến cho biết, năm 2017 và 4 tháng đầu năm 2018 các cấp, ngành địa phương ban hành nhiều văn bản luật, nghị định, thông tư, chương trình đề án triển khai thực hiện mục tiêu nhiệm vụ. Việc tổ chức thực hiện đồng bộ cùng công tác phòng, chống tham nhũng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là cơ sở góp phần để nước ta đạt thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.
Dù còn nhiều khó khăn tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và so yêu cầu của dân cần phải có thời gian nhưng chúng ta khẳng định tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đảm bảo an sinh xã hội, lao động, việc làm, an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, cải cách thủ tục hành chính nhiều chuyển biến, đời sống nhân dân tiến bộ. Quyền con người, quyền công dân được đảm bảo theo Hiến pháp và cam kết trong hội nhập quốc tế.
“Trong nhiều giải pháp tạo động lực phát triển, tôi đánh giá cao công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua đạt kết quả quan trọng không chỉ tạo niềm tin cho người dân đảm bảo chấp hành quy định pháp luật nghiêm túc hơn. Đồng bộ giữa các cấp các ngành từ trung ương đến địa phương. Đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng đã và đang xóa bỏ lực cản của sự phát triển.
Thông qua việc phát triển vững mạnh của đất nước minh chứng một điều đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tăng cường đoàn kết dân tộc, đoàn kết nội bộ tạo sức mạnh cho sự phát triển, không lo việc "diệt chuột sợ làm vỡ bình"” – đại biểu Diến nói.
Bày tỏ băn khoăn việc triển khai công tác thực hành chống lãng phí thời gian qua, đại biểu Diến cho rằng, về tổng thể có những chuyển biến tích cực, như việc Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, ban hành nhiều chủ trương giải pháp chấn chỉnh công tác quản lý cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, kiện toàn bộ máy hành nhà nước gắn cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức, sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp, siết lại kỷ luật tài chính, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra trong thất thu ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, theo vị đại biểu này, có những quy định trong Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng như nhiệm vụ, giải pháp trong thực hiện nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, chương trình của Chính phủ đề ra đã không thực hiện được một cách đồng bộ, nghiêm túc, kịp thời ở một số ngành, một số địa phương, cơ quan, đơn vị như mong đợi. Làm ảnh hưởng đến hiệu lực và hiệu quả thực thi pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Ông nếu ví dụ: Có 6/34 bộ, cơ quan ngang bộ, 6/63 tỉnh, thành phố và 9/23 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước không xây dựng chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017.
Đến tháng 4 năm 2018 có 16/34 bộ, cơ quan ngang bộ, 17/63 tỉnh, thành phố, 16/23 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước không báo cáo chương trình thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018 của đơn vị mình để tổng hợp báo cáo với Quốc hội. Điều đó cho thấy việc tuân thủ các quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng như chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ đã không được thực hiện nghiêm túc.
“Việc chấp hành kỷ luật tài chính, ngân sách chưa nghiêm. Công tác quản lý sử dụng kinh phí thường xuyên của nhiều đơn vị không đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ gây thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước các mức độ khác nhau ở các cơ quan quản lý sử dụng tài chính, ngân sách khác nhau. Tình trạng vi phạm chính sách pháp luật về đất đai, khai thác khoáng sản, khai thác cát, đá gây thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản quốc gia và gây nhiều khiếu kiện trong nhân dân. Pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng bị vi phạm, ở một số nơi có biểu hiện thách thức pháp luật và có sự tiếp tay của người có trách nhiệm bảo vệ rừng, gây thất thoát tài nguyên và lãng phí nhiều nguồn lực để khắc phục”. – ông Diến nhấn mạnh.
Tăng cường thanh, kiểm tra trên mọi lĩnh vực
Để việc chấp hành pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thực sự có hiệu quả trên mọi lĩnh vực đời sống, kinh tế - xã hội, ông Diên đưa ra một số kiến nghị:
Một là, phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong lĩnh vực này. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xem xét kết luận việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí nhằm chấn chỉnh và xử lý cơ quan, đơn vị chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo và triển khai thực hiện. Trong thời gian vừa qua việc quy trách nhiệm để bồi thường và xử lý kỷ luật người vi phạm khuyết điểm để xảy ra thất thoát, lãng phí có vẻ như chưa đủ sức dăn đe, ngăn chặn việc thực hiện không nghiêm túc, không hiệu quả Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và chương trình mục tiêu của Chính phủ.
“Tôi thấy thực hiện tốt giải pháp này vừa bảo đảm nâng cao kỷ cương, kỷ luật, vừa giảm việc bổ sung thêm củi vào lò đang nóng từ những vi phạm trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”. – vị đại biểu này nói.
Hai là, tập chung đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thời gian lao động ở khu vực nhà nước, nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, lãng phí lĩnh vực này đang gây bức xúc đối với người dân và doanh nghiệp.
Ba là, siết chặt công tác quản lý tài sản công, định giá doanh nghiệp trong cổ phần hóa, ngăn chặn có hiệu quả việc cố tình làm trái quy định của pháp luật hoặc lợi dụng sơ hở của pháp luật để trục lợi. Thực hiện lợi ích nhóm trong quản lý đất đai, ngân sách của một số lãnh đạo, cán bộ, công chức và doanh nghiệp.
"Đây là vấn đề quan trọng và cấp bách, thất thoát, lãng phí nguồn lực của nhà nước để chảy vào túi một số cá nhân, tiêu cực, tham nhũng, mất đoàn kết". - vị đại biểu này nhìn nhận.
Bốn là, rà soát, sửa đổi, xây dựng mới hệ thống, định mức, chế độ, tiêu chuẩn một cách rõ ràng, minh bạch, đồng bộ cùng với các quy định của pháp luật và của từng cơ quan, đơn vị, bảo đảm trong quá trình đánh giá có thể lượng hóa được, so sánh được đây sẽ là căn cứ quan trọng để xem xét đánh giá thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được khách quan trung thực, và điều quan trọng là phải tính toán được tỷ lệ thất thoát, lãng phí tài sản công so với GDP hàng năm để cảnh báo và đưa ra giải pháp đầy đủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của các cơ quan chức năng.