Một siêu cường thế kỷ 21 không chỉ phải sở hữu “sức mạnh cứng” hữu hình, mà còn phải có nền văn hóa có ảnh hưởng được gọi là "quyền lực mềm".
>>> Vị thế Việt Nam
Lịch sử hình thành và phát triển nhân loại gắn liền với sự hình thành giai cấp và chế độ chiếm hữu tư nhân. Cùng với quá trình tiến hoá đó, sự mâu thuẫn về quyền lực chính trị và kinh tế đã dẫn đến các cuộc chiến tranh triền miên. Cuộc chiến tranh khốc liệt giữa Nga và Ukraina ngay trong thế kỷ văn minh 21 đang diễn ra cho thấy rõ quy luật này.
Nguyên nhân cơ bản của chiến tranh vũ trang bắt nguồn từ hai thuộc tính cơ bản của con người đó là: “lòng tham không có giới hạn” về quyền lực chính trị và lợi ích kinh tế của các quốc gia; và dùng bạo lực để khuất phục đối phương “tham sống sợ chết ”…
Làn sóng trỗi dậy và lan rộng của thế giới trực tuyến ở thời đại số cũng như xu hướng hội nhập quốc tế trong một thế giới xuất hiện vũ khí hủy diệt hàng loạt đã đẩy nhanh sự xuất hiện của ảnh hưởng quyền lực mềm. Không giống như các nguồn sức mạnh cứng vật chất, hữu hình như quân đội, vũ khí, quy mô lãnh thổ và dân số, các tài sản vô hình như văn hóa, các giá trị tư tưởng và các ý tưởng mới đã bắt đầu có ảnh hưởng hơn.
Sự gia tăng mối quan hệ giữa các quốc gia trên toàn cầu làm cho các nền văn hóa khác nhau dễ tiếp cận và thuận tiện hơn để giao thoa. Một siêu cường thế kỷ 21 không chỉ phải sở hữu “sức mạnh cứng” hữu hình, mà còn phải có nền văn hóa có ảnh hưởng bao gồm âm nhạc, phim ảnh, phong tục tập quán và các hình thức nghệ thuật, lối sống và giải trí khác.
Quyền lực mềm là dùng khả năng giành được những thứ mình muốn thông qua việc gây ảnh hưởng để khiến người khác làm theo những gì mình muốn. Quyền lực mềm đạt được những gì mình muốn bằng cách tác động đến hệ thống giá trị của người khác, làm thay đổi cách suy nghĩ của người khác, và qua đó khiến người khác mong muốn chính điều mà mình mong muốn.
Theo các nhà nghiên cứu, việc sử dụng thành công quyền lực mềm nằm ở ba nguồn lực: văn hóa của một quốc gia, các giá trị chính trị của quốc gia và chính sách đối ngoại của quốc gia đó. Ba tài nguyên này được sắp xếp theo thứ tự thời gian. Văn hóa của một quốc gia là thứ có thể gây ra sự thu hút ban đầu đối với quốc gia đó từ phần còn lại của thế giới. Sau đó, khi nền văn hóa bắt đầu lan toà thế giới, quốc gia đó bắt đầu đưa ra các giá trị chính trị của mình để thế giới chịu ảnh hưởng. Cuối cùng, quốc gia này sử dụng chính sách đối ngoại để tích cực tạo ra ảnh hưởng mới phát sinh của mình, ở giai đoạn mà thế giới coi quyền lực mềm của họ là hợp pháp và đạo đức.
Trong những thập niên 30 của thế kỷ XX, Vương quốc Anh đã sáng lập và duy trì sự phát triển của kênh đối ngoại quan trọng hoạt động dưới sự bảo trợ của Bộ Ngoại giao và Khối thịnh vượng chung Anh, đó là Hội đồng Anh (BC). Hiện nay, sự hoạt động của kênh đối ngoại văn hoá và ngôn ngữ Anh văn độc nhất vô nhị này ảnh hưởng rất lớn đối với thế giới, góp phần gia tăng sức mạnh mềm của Anh, tạo nên một lợi thế trong việc định vị sức mạnh quốc gia trong cuộc cạnh tranh chiến lược trên thế giới.
Từ hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã xây dựng một chiến lược quyền lực mềm. Trước hết, bằng cách khai trương các Viện Khổng Tử và đặt cược vào di sản văn hoá của mình. Tuy nhiên, chiến lược này không chỉ giới hạn trong các vấn đề văn hoá, và Bắc Kinh còn đi xa hơn bao gồm cả nền kinh tế và năng lực đầu tư. Do vậy, Sáng kiến “Vành đai và Con đường” khởi xướng từ năm 2013 là một phần của sự khẳng định quyền lực mềm nhằm đưa Trung Quốc thành một “Cường quốc biểu tượng".
Vào những năm 1980, thị phần của Hoa Kỳ trong sản xuất toàn cầu giảm từ 33% năm 1950 xuống còn 23%. Tỷ trọng xuất khẩu thế giới của nó giảm từ 17% năm 1950 xuống 10% năm 1988. Tuy nhiên, quan trọng nhất là tỷ trọng dự trữ tiền tệ của nó giảm từ 50% xuống còn 9%. Đã có một nửa số công dân Hoa Kỳ lúc bấy giờ nhận thấy sự suy giảm quyền lực của Hoa Kỳ. Các nhà chiến lược Hoa Kỳ lập luận rằng “thước đo” đã được thay đổi và nhấn mạnh rằng ảnh hưởng của Mỹ sẽ tiếp tục thông qua việc sử dụng quyền lực mềm, mặc dù Hoa Kỳ có thể mất vị thế quyền lực cứng.
Để sử dụng quyền lực mềm, Hoa Kỳ thúc đẩy giá trị “tự do, dân chủ” lên hàng ưu tiên trong đường lối đối ngoại, coi “dân chủ hóa thế giới” theo các tiêu chuẩn tự do của Mỹ và phương Tây là phương thức quan trọng nhất để giữ vững ngôi vị bá chủ thế giới của mình. Ngoài ra, Hoa Kỳ còn sử dụng vũ khí kinh tế làm đòn bẩy để thúc đẩy “dân chủ” ở các nước. Theo Hoa Kỳ, việc phát triển kinh tế tư nhân sẽ làm giảm đi sự phụ thuộc của người dân đối với chính quyền.
Phát triển một xã hội “cởi mở”, trong đó, thị trường được mở cửa tự do và các phương tiện truyền thông độc lập sẽ tạo điều kiện cho tầng lớp trung lưu ra đời và sẽ có những quan điểm chính trị khác nhau. Theo thời gian, tầng lớp xã hội mới này sẽ ngày càng phát triển và yêu cầu về lợi ích và quyền tự do về kinh tế, chính trị cũng tăng lên. Khi tầng lớp này đủ mạnh sẽ là lực lượng nòng cốt đưa đất nước họ hòa nhập vào “thế giới phương Tây tự do” do Hoa Kỳ lãnh đạo.
>>Phát huy sức mạnh của thể thống nhất
Ở Việt Nam, nếu như tác phẩm truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du đã góp phần quảng bá văn hoá Việt ra thế giới thì sức mạnh mềm đã được nhà anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi vận dụng vào việc chống ngoại xâm trong thế kỷ 15 qua tư tưởng “Đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”…
Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ khi mới thành lập nước năm 1945, đã vận dụng ngay nguồn lực mềm trong việc đặt tên nước “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” với bản tuyên ngôn bất tử cho dân tộc Việt. Trong cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại với khẩu hiệu huyền thoại “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của người đã dẫn dắt cả dân tộc đứng lên giành chiến thắng vĩ đại 30/04/1975. Tư tưởng thiên tài của Chủ tịch gắn liền với với quan điểm chính trị “Tự do và Dân chủ” đã được sự ủng hộ của toàn thế giới kể cả phương Tây. Chính sách “ngoại giao Tâm công” của người trong thời kỳ đất nước khó khăn nhất với chiến lược “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của văn hóa phương Đông cũng đã trở thành giá trị cốt lõi thực hành của ngành ngoại giao.
Ngày nay, ở Việt Nam các lý luận về con người, bản chất chiến tranh đang được phát triển mạnh mẽ để chúng ta có thể xây dựng và phát triển một đất nước có quá nhiều hy sinh mất mát bởi các cuộc chiến tranh cũng như đang gặp nhiều vấn đề trong việc phát triển nền kinh tế thị trường như pháp luật, hiệu quả, xung đột lợi ích khu vực, tham nhũng…
Bên cạnh việc chúng ta cần phải phát triển sức mạnh cứng thì cũng cần coi trọng phát triển sức mạnh mềm. Đặc biệt, trong cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” vừa xuất bản, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tổng kết và đúc kết những vấn đề lịch sử sinh động nhất về toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng ta với tư tưởng xuyên suốt đó là phải luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đây là nhân tố quyết định thành công.
Vấn đề này cũng được Nhà lý luận Đoàn Duy Thành đã đề cập sâu sắc trong tác phẩm Xây dựng “Nhà nước Pháp quyền XHCN của dân, do dân, và vì dân” theo tư tưởng Hồ Chí Minh (Nhà XBQG Sự thật - tháng 12/2021). Ông nhấn mạnh rằng để xây dựng và hoàn thiện “Nhà nước của dân, do dân, và vì dân” và cơ chế thị trường ở Việt Nam là chưa đủ.
Ngay cả Thiên tài Albert Einstein cũng đã nhìn nhận về hạn chế của việc thực thi pháp luật trong một xã hội: “Nếu mọi người tốt chỉ vì họ sợ bị trừng phạt, và mong được phần thưởng, thì chúng ta thực sự rất tiếc”. Chính vì vậy hơn hết, điều cốt lõi là phải xây dựng được một Đảng Tiên phong, “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” (sách Lý luận Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng tiền phong, Nhà XB Hà Nội và Nhà XB Thông tin và truyền thông - 2016). Chỉ có như vậy chúng ta mới giải quyết được mặt tiêu cực và phát huy được tính tích cực của hai thuộc tính của con người như đã trình bày ở trên để phát triển đất nước.
Cùng với việc phát triển sức mạnh cứng vật chất, phát huy sức mạnh mềm là nguồn lực xã hội mạnh mẽ để xây dựng “Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, và vì dân”, một đất nước hùng cường, có uy tín và nhân văn trên thế giới như nhận xét của cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Tiến sỹ Kissinger: “… họ là lá cờ đầu tiên trong việc xoá bỏ chế độ thuộc địa trên thế giới. Vì vậy đối với nhiều quốc gia, Việt Nam vẫn là hình mẫu giải phóng và độc lập dân tộc”, chúng ta phải phấn đấu thực hiện ba nội dung cốt yếu sau:
Thứ nhất, xây dựng hệ thống thể chế nhà nước pháp quyền và cơ chế thị trường phát triển hoàn thiện với những giá trị cốt lõi của văn hoá Việt và tư tưởng Hồ Chí Minh về chính trị và ngoại giao từ những ngày đầu thành lập nước.
Thứ hai, xây dựng và phát triển Đảng cầm quyền của đất nước, của nhân dân theo lý luận Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng tiền phong làm cơ sở cho sự đột phá và lan tỏa sức mạnh mềm Việt đến các giai tầng trong xã hội đảm bảo sự trường tồn của hình mẫu Việt trên thế giới.
Thứ ba, cần nâng cao nhận thức quá trình trên là chặng đường chưa có tiền lệ và đầy khó khăn, thử thách. Chính vì vậy, tất cả chúng ta cần nêu cao tinh thần, phương pháp học tập và lao động theo phương châm lý luận 18 chữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thực hành sinh ra hiểu biết, hiểu biết tiến đến lý luận, lý luận lãnh đạo thực hành".
Có thể bạn quan tâm
05:00, 30/04/2022
14:30, 30/04/2022
01:10, 29/04/2022
03:06, 08/04/2022
00:57, 22/03/2022