Rác thải, nước thải từ các khu du lịch, khu công nghiệp đổ thẳng ra biển khiến bờ biển Hà Tĩnh đang bị “bức tử”. Tuy nhiên, để khắc phục triệt để tình trạng này dường như vẫn là bài toán khó…
>>Hà Tĩnh: Bất an sống bên kè biển gần 20 năm tuổi bị sạt lở nghiêm trọng
Hà Tĩnh có đường biển dài hơn 137 km với hệ thống sông ngòi khá phong phú, nhiều bãi tắm đẹp, vùng biển trù phú. Tuy nhiên, dù có nhiều tiềm năng lợi thế nhưng vùng biển Hà Tĩnh đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động xả thải tuỳ tiện và những bất cập trong hạ tầng thu gom xử lý nước thải tại các khu dân cư, khu du lịch dọc bờ biển.
Theo tìm hiểu, bờ biển từ xã Thịnh Lộc đến xã Thạch Kim (huyện Lộc Hà) có chiều dài 1km thời gian qua luôn trong tình trạng ngổn ngang rác thải. Những túi rác sinh hoạt, chai lọ nhựa, bao nilon… đều được tập kết ra biển. Rác thải theo sóng đi khắp các con lạch, trôi dạt vào dọc bờ biển tạo ra cảnh tượng hết sức nhếc nhác, phản cảm.
Không chỉ rác thải sinh hoạt mà nước thải từ việc chế biến thuỷ hải sản tại xã Thạch Kim (huyện Lộc Hà) cũng được đổ thẳng ra biển. Theo tìm hiểu, mỗi ngày các khu dân cư ở xã Thạch Kim thải ra biển hàng trăm m3 nước thải sinh hoạt, dòng nước đọng đen đặc, đóng váng, vô số rác bao bì, nhựa, xốp, bao bóng nổi lềnh phềnh, khiến môi trường ô nhiễm nghiêm trọng. Ngoài nước thải sinh hoạt thì lượng nước thải sản xuất từ việc chế biến mắm, cá… cũng được đổ thẳng trực tiếp ra môi trường rồi chảy ra biển.
Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã ban hành Chỉ thị số 1386-CTr/TU xác định rõ mục tiêu đưa Hà Tĩnh trở thành tỉnh mạnh về biển, giàu từ biển, trong đó phấn đấu năm 2030, kinh tế biển đóng góp 65-70% GRDP của tỉnh.
Tại các khu du lịch ven biển Hà Tĩnh hiện cũng chưa có hệ thống xử lý, thu gom nước thải tập trung. Nước thải hầu hết đều được đổ thẳng ra biển, gây ô nhiễm môi trường. Biển Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên) được mệnh danh “bãi biển ngọc” của Hà Tĩnh, tuy nhiên, tình trạng rác thải, túi nilon, chai nhựa… vứt tràn lan quanh khu du lịch khiến nhiều người ngán ngẩm. Thừa nhận tình trạng nước thải sinh hoạt của người dân chạy thẳng ra biển gây ô nhiễm môi trường, ông Phạm Viết Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Kim cho biết: “Địa phương đang có kế hoạch tiến hành nâng cấp hệ thống xử lý nước thải, các tuyến mương để thu gom nước thải sinh hoạt của các hộ dân trên địa bàn về khu xử lý nước thải tại cụm công nghiệp”.
Ông Lê Trần Sáng, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, thể thao và du lịch Hà Tĩnh cho biết: “Việc xử lý nước thải tại các khu du lịch trên địa bàn Hà Tĩnh hiện đang gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên nguồn kinh phí để đầu tư hệ thống xử lý nước thải khá lớn nên hiện vẫn chưa thể đầu tư. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường khu du lịch biển”.
Các đoàn, ngành, hội tại Hà Tĩnh đã có nhiều cuộc ra quân làm sạch bờ biển. Tuy nhiên, để xử lý triệt để tình trạng rác thải, nước thải bủa vây dọc bờ biển vẫn cần những giải pháp căn cơ hơn từ ngành chức năng.
Có thể bạn quan tâm