Quan hệ thương mại, đầu tư giữa Ấn Độ và Việt Nam sẽ được mở rộng trong nhiều lĩnh vực hơn nữa trong năm 2024.
>> Lộ diện “ông vua kinh tế” mới ở châu Á
Đó là chia sẻ của Ngài Sandeep Arya, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam với Diễn đàn Doanh nghiệp trước thềm Xuân Giáp Thìn.
- Ấn Độ coi quan hệ với ASEAN là một trụ cột của chính sách “Hành động hướng Đông”. Đến nay, Ấn Độ đã triển khai chính sách này ra sao và cơ hội nào cho Việt Nam từ chính sách này, thưa Ngài?
Quan hệ đối tác Ấn Độ - ASEAN đã có từ 32 năm và đã được nâng lên Đối tác chiến lược toàn diện. ASEAN và các nước thành viên là các đối tác chính của Ấn Độ trong chính sách “Hành động hướng Đông”. Mối quan hệ này bao gồm toàn bộ phạm vi hợp tác từ hội nghị thượng đỉnh hàng năm giữa Ấn Độ và ASEAN, tăng cường quan hệ kinh tế, hợp tác phát triển và khoa học, trao đổi quốc phòng và an ninh cũng như tăng cường các mối quan hệ ở cấp độ nhân dân. Ấn Độ và các nước ASEAN nằm trong số những nền kinh tế năng động nhất thế giới, và sự tăng trưởng ổn định trong thương mại (hiện đang là 131,5 tỷ USD hàng năm), đầu tư là ưu tiên hàng đầu của hai bên.
Năm ngoái, Ấn Độ và ASEAN đã đồng ý xem xét sửa đổi lại Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN-Ấn Độ để ký kết vào năm 2025 sao cho thuận lợi hơn cho thương mại song phương. Ngoài việc nâng cấp FTA ở cấp ASEAN sẽ tạo thuận lợi cho thương mại Ấn Độ-Việt Nam, hai nước đang đẩy mạnh hợp tác song phương ở cấp độ Chính phủ và doanh nghiệp để mở rộng quan hệ đầu tư, thương mại giữa 2 nước.
- Theo Ngài, Ấn Độ và Việt Nam nên tập trung vào những lĩnh vực hợp tác nào để đưa quan hệ song phương đi vào chiều sâu và thực chất hơn nữa trong thời gian tới?
Tôi đồng ý rằng quan hệ thương mại, đầu tư giữa Ấn Độ và Việt Nam nên được mở rộng hơn nữa. Hai bên đang làm việc ở cấp Chính phủ, hiệp hội doanh nghiệp để thúc đẩy hợp tác kinh doanh, tham gia hội chợ và triển lãm, hỗ trợ các cam kết cấp tỉnh để nâng cao quan hệ kinh tế giữa 2 nước. Nông nghiệp, thuỷ sản, hàng hoá kỹ thuật, điện & điện tử, hóa chất & dược phẩm, chế biến khoáng sản, phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng (cả hydrocarbon và năng lượng tái tạo), dịch vụ giao thông và du lịch là một số lĩnh vực có tiềm năng lớn cho sự hợp tác giữa 2 bên. Chúng tôi đang thảo luận và hy vọng sẽ có những bước tiến lớn trong các lĩnh vực hợp tác này.
Công nghệ cũng sẽ có đóng góp rất lớn cho những nỗ lực của 2 bên để mở rộng quan hệ kinh tế. Chúng tôi tìm cách thúc đẩy hợp tác giữa 2 nước trong các lĩnh vực công nghệ số, viễn thông, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, quốc phòng, năng lượng tái tạo. Ngoài ra, ngân hàng, thanh toán kỹ thuật số cũng như cải thiện dịch vụ vận chuyển là những lĩnh vực có tiềm năng hợp tác song phương.
>> Kinh tế Ấn Độ năm 2023: Những điểm nổi bật
- Việt Nam và Ấn Độ đã và đang hợp tác rất tích cực trong lĩnh vực dược phẩm và công nghệ thông tin. Ngài đánh giá thế nào về triển vọng hợp tác này?
Hai nước có nền tảng vững chắc để tăng cường hợp tác trong lĩnh vực dược phẩm và công nghệ thông tin (CNTT). Chúng tôi đang nỗ lực tăng tỷ lệ nhập khẩu dược phẩm của Việt Nam từ Ấn Độ. Một số công ty dược phẩm Ấn Độ nổi tiếng và thành công trên toàn cầu có thể đóng một vai trò lớn hơn ở Việt Nam thông qua các khoản đầu tư và quan hệ đối tác.
Các công ty CNTT Ấn Độ như HCL Tech và Tech Mahindra đã có một khởi đầu tốt ở Việt Nam thông qua cung cấp dịch vụ tại Việt Nam cũng như các hoạt động ở Việt Nam để cung cấp sản phẩm cho các khách hàng trên toàn thế giới. Đây là một lĩnh vực có triển vọng hợp tác rất lớn trong những năm tới.
Ngoài ra, các nỗ lực đào tạo và phát triển kỹ năng thông qua các doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam như Aptech, NIIT... có thể cung cấp thêm nguồn nhân lực cho Việt Nam trong lĩnh vực CNTT, điện tử,…
- Thưa Ngài, trong năm 2024, Ấn Độ và Việt Nam sẽ có những chương trình hợp tác nào đáng chú ý để góp phần đưa quan hệ giữa 2 nước ngày càng phát triển?
Năm 2024 đã bắt đầu một cách tích cực với chuyến thăm của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tới Ấn Độ từ ngày 10-11/1 để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Vibrant Gujarat và Diễn đàn kinh doanh Việt Nam-Ấn độ. Khuôn khổ cơ bản để thúc đẩy quan hệ Việt Nam- Ấn Độ sẽ bao gồm các cuộc trao đổi chính trị, thúc đẩy thương mại và đầu tư, tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh, các dự án cộng đồng và giao lưu văn hoá.
Chúng tôi cũng có kế hoạch tiếp tục thúc đẩy hợp tác song phương dựa trên những ưu tiên của Việt Nam, đồng thời chuyển sang giai đoạn tiếp theo của các dự án phục hồi và bảo tồn di sản ở Việt Nam. Các hoạt động, như giáo dục, nghiên cứu, tiếp cận văn hoá, Phật giáo, Yoga,… cũng sẽ được thúc đẩy hợp tác giữa 2 nước trong năm nay.
- Trân trọng cảm ơn Ngài!
Có thể bạn quan tâm