Tcty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power, UPCoM: POW) sẽ chuyển sang niêm yết tại sàn HoSE với 2,34 tỷ cổ phiếu nhằm thoái bớt phần vốn Nhà nước và tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện nay của POW là rủi ro đến từ các khoản vay ngoại tệ…
Nhà nước sẽ thoái vốn tại POW xuống 51% trong năm 2018 và từ năm 2019 sẽ thoái xuống dưới mức chi phối tùy theo tình hình tái cấu trúc các khoản tín dụng liên quan đến Nhiệt điện Vũng Áng 1.
Lợi nhuận sụt giảm
Là một trong 3 “trụ cột” của ngành điện Việt Nam, hàng năm POW đóng góp 13% sản lượng điện thương mại toàn quốc, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
POW tập trung vào 3 nhóm chính: Thủy điện, nhiệt điện chạy than và nhiệt điện chạy khí. Hiện tại, POW đang quản lý 4 nhà máy điện khí: Cà Mau 1 và Cà Mau 2 (1.500 MW), Nhơn Trạch 1 (450 MW), Nhơn Trạch 2 (750 MW), với tổng công suất 2.700 MW.
Ngoài ra, POW cũng chú trọng phát triển các lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật, cung ứng than và các dịch vụ khác có liên quan. Đây cũng là nhóm được đánh giá cao về hiệu quả hoạt động khi một trong các thành viên là CTCP Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 (NT2) duy trì lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng/năm.
Xếp thứ hai là nhiệt điện than với Nhà máy Vũng Áng 1 (1.200 MW) và xếp thứ ba là nhóm thủy điện với 3 nhà máy: Hủa Na, Đak Đrinh và Nậm Cắt, tổng công suất 308,2 MW.
Báo cáo tài chính hợp nhất 9 tháng đầu năm 2018 cho thấy POW đạt doanh thu 24.789 tỷ đồng, tăng 10,6%, nhưng lãi sau thuế 1.652 tỷ đồng, giảm 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Sống nhờ” mảng nhiệt điện
Theo báo cáo kiểm toán qúy 3/2018, lợi nhuận của POW chủ yếu tới từ các nhà máy nhiệt điện, chiếm từ 91- 95% tổng lợi nhuận trước thuế của POW. Tuy nhiên, mức đóng góp vào lợi nhuận của từng nhà máy nhiệt điện cũng thay đổi qua các năm.
Về mảng nhiệt điện khí, nhà máy NT 1 ghi nhận mức lỗ 99 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2017, trong khi các nhà máy Cà Mau 1 và 2, Nhơn Trạch 2 đóng góp lần lượt 871 tỷ đồng và 853 tỷ đồng vào tổng lợi nhuận trước thuế của POW (tương ứng tỷ trọng 31,1% và 30,4%). Tới tháng 01/2018, nhà máy Nhơn Trạch 1 đã hoạt động trở lại bình thường và dự kiến sẽ đóng góp khoảng 339 tỷ đồng vào lợi nhuận trước thuế của POW trong năm 2018, tương ứng tỷ trọng 11,7% tổng lợi nhuận.
1.652 tỷ đồng là tổng lợi nhuận sau thuế của POW trong 9 tháng đầu năm 2018, giảm 17,7% so với cùng kỳ năm 2017.
Về mảng thủy điện, nhà máy thủy điện ĐakĐrinh đóng góp chủ yếu lợi nhuận của mảng này. Tuy nhiên năm 2018, tình hình thủy văn không thuận lợi khiến kế hoạch sản lượng điện của nhà máy sụt giảm 24%. Điều này đã ảnh hưởng mạnh đến doanh thu của Cty trong năm 2018
Rủi ro vay nợ ngoại tệ
Hiện nay, giá cổ phiếu POW đang giao dich quanh mức 14.900 đồng/cp trên sàn UPCoM, tương ứng với P/E và P/B lần lượt là 12,6 và 1,1 lần. Trong khi đó, P/E và P/B của ngành lần lượt ở mức 8,9 và 1,2 lần. Đây cũng là hợp lý vì POW là Cty đầu ngành với năng lực sản xuất điện vượt trội.
Theo ông Nguyễn Văn Hải- Chuyên viên kiểm toán KPMG, giá trị hợp lý của cổ phiếu POW khoảng 19.800 đồng/cp. Tuy nhiên, khi sở hữu cổ phiếu này, nhà đầu tư cần chú ý tới các rủi ro tỷ giá do các khoản vay của POW chủ yếu bằng đồng USD (Dư nợ USD tính tới cuối quý 3/2018 khoảng 664 triệu USD), trong khi từ đầu 2018 tới nay, tỷ giá đồng USD đã tăng khoảng hơn 2% và có xu hướng tiếp tục tăng cho tới cuối năm nay.
Ngoài ra, POW cũng có khoản vay lớn gồm có với HSBC Bank USA NW (9.296 tỷ đồng) tài trợ dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng, Citibank (3.202 tỷ đồng), Ngân hàng Credit Agricole Corporation and Investment (2.764 tỷ đồng), Ngân hàng Đại chúng Việt Nam (gần 1.700 tỷ đồng)…
Theo kế hoạch đã được phê duyệt, Nhà nước sẽ giảm tỷ lệ cổ phần từ 100% xuống còn 51% bằng các chào bán cổ phiếu trong ba đợt tái cơ cấu: Chào bán 468,37 triệu cổ phiếu ra công chúng, tương đương 20% vốn cổ phần, với mức giá khởi điểm 14.400 đồng/cp; Chào bán cho 676 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư chiến lược, tương đương 28,882% cổ phần; Chào bán cho nhân viên 2,76 triệu cổ phiếu tương đương 0,118% cổ phần. Điều này sẽ làm pha loãng cổ phiếu POW.
Tuy nhiên, các chuyên viên phân tích của Cty Chứng khoán Vietinbank (VietinbankSc) nhận định, với vốn hóa và thanh khoản hiện tại, POW có thể sẽ nằm trong VN30 vào kỳ đánh giá tháng 7/2019, từ đó sẽ hấp dẫn được nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thiếu hụt nguồn cung điện Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2018 được công bố mới đây cho biết, nhu cầu năng lượng của Việt Nam có thể tăng từ 54 MTOE năm 2017 lên mức 81,9 MTOE cho kịch bản kém khả quan, 89 MTOE cho kịch bản thông thường và 93,3 MTOE cho kịch bản khả quan trong năm 2025. Đến năm 2035, nhu cầu năng lượng của Việt Nam cho các kịch bản trên có thể đạt lần lượt là 112 MTOE, 134,5 MTOE và 156,5 MTOE. Trong giai đoạn 2018 - 2035, nhu cầu năng lượng của Việt Nam tăng thêm 4,7%/năm cho kịch bản thông thường. Còn đối với kịch bản kém khả quan và khả quan, con số này lần lượt là 3,7%/năm và 5,5%/năm. Trong khi đó, theo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét triển vọng đến năm 2030, đến năm 2020 tổng công suất nguồn của hệ thống điện quốc gia cần đạt 60.000 MW, tới năm 2025 là 96.000 MW và tới năm 2030 là 130.000 MW. Tuy nhiên, hiện nay tổng công suất nguồn toàn hệ thống mới có 45.000 MW do thiếu than, nghĩa là tốc độ tăng trưởng nguồn điện để đáp ứng nhu cầu điện cho nền kinh tế giai đoạn tới là vô cùng lớn và hiện vẫn chưa đảm bảo lộ trình đề ra, dẫn tới mất cân đối nguồn cung theo vùng miền của hệ thống điện. Điều này sẽ là cơ hội phát triển đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp ngành điện nói chung. |