Rừng Tràm Trà Sư (An Giang) và cây cầu tre trong khu rừng vừa được Tổ chức kỷ lục Việt Nam đưa vào sách kỷ lục.
Sáng ngày 15/1, tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang: Sở NN&PTNT và Cty CPDL An Giang đã tổ chức Lễ đón nhận kỷ lục Việt Nam cho 2 hạng mục; Rừng Tràm Trà Sư đẹp và nổi tiếng nhất Việt Nam và cây cầu tre dài nhất Việt Nam.
Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh cùng lãnh đạo các Sở ngành, huyện thị trong tỉnh An Giang, lãnh đạo Hội Kỷ lục gia Việt Nam đến tham dự và trao Bằng chứng nhận xác lập kỷ lục. Sự kiện này sẽ đưa Trà Sư trở thành động lực để du lịch An Giang tăng tốc ngay từ Xuân Canh Tý 2020.
Rừng Tràm Trà Sư được hình thành vào năm 1983, từ một vùng trũng hoang hóa, bị nhiễm phèn nặng đã được Lâm trường Tịnh Biên trồng tràm thử nghiệm để góp phần cải tạo đất và ngăn lũ đầu nguồn. Khu rừng rộng 845 ha trên địa bàn xã Văn Giáo huyện Tịnh Biên và 1 phần của xã Ô Long Vĩ huyện Châu Phú. Rừng Tràm Trà Sư có tác dụng rất quan trọng đối với môi trường nước và điều hòa khi hậu cho cả vùng Bảy Núi. Tính đa dạng của hệ sinh thái đất ngập nước được bảo vệ, bảo tồn nguồn gen tốt. Có hàng ngàn cá thể của nhiều quần thể chim, cá, loài lưỡng cư, loài bò sát và côn trùng quý hiếm nằm trong sách đỏ sinh sống trong rừng. Năm 2003, Bộ NN&PTNT đã đồng ý với đề xuất của UBND tỉnh An Giang xây dựng Rừng tràm Trà Sư trở thành Khu bảo tồn thiên nhiên để mọi người đến tham quan và nghiên cứu khoa học.
Năm 2017, theo chủ trương xã hội hóa ngành du lịch, UBND tỉnh An Giang đã đồng ý giao cho Công ty cổ phần du lịch An Giang (thành viên của Tập đoàn Sao Mai) thuê 160 ha cảnh quan môi trường rừng Tràm Trà Sư làm du lịch. Doanh nghiệp đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng “thay áo mới” bằng xây dựng chuỗi hạng mục: khu cầu tàu trung tâm, sân ngắm chim, công viên hoa, bè hoa, khu dịch vụ ăn uống, quầy kinh doanh các đặc sản An Giang, nạo vét các luồng lạch, mua sắm mới hàng chục phương tiện đưa rước khách và các hạng mục khác, kể cả việc bổ sung thêm các giống loài động thực vật quí hiếm.
Điểm nhấn cho toàn bộ khu du lịch Rừng Tràm Trà Sư là “Cây Cầu tre vạn bước” có tổng chiều dài trên 10km, kinh phí hơn 10 tỷ đồng chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn I có chiều dài gần 4.000 mét, sử dụng trên 500.000 cây tre các loại, kinh phí xây dựng trên 5 tỷ đồng, đã được đưa vào sử dụng 1/1/2020. Giai đoạn II, có chiều dài khoảng 6km, sẽ được nhà đầu tư tiếp tục triển khai và dự kiến hoàn thành vào 30/4/2020.
Từ khi đưa vào khai thác, cây cầu tre đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của khu rừng tràm, thu hút rất nhiều sự quan tâm của du khách nhất là khách quốc tế vì tính độc đáo và nét duyên dáng của công trình. Không chỉ vậy, cây cầu tre được cách điệu tựa “Rồng trúc bạch” mang lại một cảm giác thích thú cho mọi người khi được khám phá trọn vẹn cảnh quan thiên nhiên nguyên sinh trù phú ở “Bảo tàng Tràm nhiệt đới”. Năm 2019, đã có hơn 200.000 du khách đến với Trà Sư và dự kiến, lượng du khách đến An Giang tăng đột biến khi Rừng Tràm Trà Sư có sự thay đổi một cách kỳ diệu.
“Cầu tre dài nhất Việt Nam trong rừng Tràm đẹp và nổi tiếng nhất Việt Nam” đã được xác lập kỷ lục tạo thêm điểm du lịch hấp dẫn, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch An Giang không ngừng phát triển. Đây hứa hẹn sẽ là một trong những nơi “đáng đến” trong hành trình du xuân vùng Bảy Núi vào những ngày Tết.
Có thể bạn quan tâm
06:08, 30/08/2017
14:13, 22/11/2018
11:00, 09/07/2019
09:54, 27/11/2019
07:04, 15/10/2019
14:49, 15/10/2019
06:53, 03/01/2020
09:00, 07/01/2020