Quý I/ 2022, Sabeco đạt doanh thu 7.306 tỷ đồng, tăng 23,7%; lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 1.171 tỷ đồng, tăng 27,1%, trong khi đó 2 chỉ tiêu này đều giảm mạnh trong năm 2021.
>> Sabeco chi mạnh quảng cáo để "níu kéo" ngôi vương?
Sáng ngày 27/4, Tổng công ty cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HoSE: SAB) đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2022.
Phát biểu trước cổ động, Lãnh đạo Sabeco cho biết, năm 2021 đã khép lại giai đoạn ba năm đầu tiên của quá trình chuyền đổi của SABECO. Công ty đã củng cố năng lực cạnh tranh của mình bằng việc triển khai các sáng kiến chuyển đổi qua 7 trụ cột chiến lược, bao gồm: Bán hàng (Sales), Thương hiệu (Brand), Sản xuất (Production), Chuỗi cung ứng (Supply Chain), Chi phí (Cost), Con người (People), và Quản trị (Board). Thành công này là điểm khởi đầu vững chắc giúp doanh nghiệp bước vào giai đoạn 2 của công cuộc chuyển đổi với triển vọng đầy tích cực.
Ông Bennett Neo, Tổng Giám đốc Sabeco chia sẻ: “Sabeco đã duy trì tốt hiệu quả hoạt động kinh doanh và hình ảnh thương hiệu tích cực bất chấp một năm 2021 đầy thách thức do bởi đại dịch COVID-19. Khi Việt Nam đang từng bước trở lại trạng thái “bình thường mới”, chúng tôi đã nhanh chóng duy trì ổn định các hoạt động công ty, tập trung tối đa vào cơ hội phát triển cả thị trường trong nước lẫn các cơ hội xuất khẩu”.
Tuy nhiên, đối mặt với những tác động kép từ đại dịch và các chính sách khắt khe đối với việc quảng cáo và tiêu thụ sản phẩm bia, rượu, Sabeco ghi nhận doanh thu thuần giảm 5,6%, đạt 26,373 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế là 3,929 tỷ đồng, giảm 20,4%.
Có thể nói, trong khi dịch COVID- 19 gây thiệt hại ngắn hạn thì Luật phòng chống tác hại rượu bia lại có phạm vi ảnh hưởng lâu dài. Như Nghị định 100 quy định các hình thức xử phạt nặng đối với hành vi sử dụng rượu, bia khi tham gia điều khiển phương tiện giao thông; Nghị định 24 đưa ra quy định khắt khe hơn trước về quảng cáo rượu, bia, Lãnh đạo doanh nghiệp báo cáo.
Cũng theo đại diện Ban lãnh đạo Sabeco, cuối năm 2021 đầu năm 2022, điểm sáng phục hồi hoạt động kinh tế - xã hội nói chung và ngành bia nói riêng là triển khai kích cầu hoạt động du lịch, nhà hàng, dịch vụ ăn uống. Song, ngành sản xuất kinh doanh bia gặp khó do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, khan hiếm hàng hóa, tắc nghẽn giao thông và cước phí vận tải tăng cao đẩy giá hàng hóa lên cao.
Việt Nam hiện đứng đầu Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á sau Trung Quốc và Nhật Bản về sản lượng tiêu thu bia hằng năm. Xu hướng tiêu thụ dòng bia cận cao cấp tiếp tục đà tăng trưởng. Nhưng xu hướng dịch chuyển sang các phân khúc thấp hơn do thu nhập bị ảnh hưởng bởi đại dịch kéo dài có thể ảnh hưởng đến doanh thu 2022.
Theo ông Bennett Neo, trong năm 2022, chiến lược của Sabeco là sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh và lợi nhuận thông qua việc khởi động Giai đoạn 2 của quá trình chuyển đổi. Giai đoạn này sẽ tập trung vào 6 trụ cột chính gồm Bán hàng (Sales), Thương hiệu/Tiếp thị (Brand/Marketing), Sản xuất (Production), Chuỗi cung ứng (Supply Chain), Con người (People) và Mở khóa (Unlock) được hỗ trợ bởi dự án SABECO 4.0 và các sáng kiến quản trị.
Sabeco cũng sẽ tập trung vào việc mở rộng thị trường cả trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục xây dựng vững chắc danh mục sản phẩm đáp ứng xu hướng tiêu dùng, đồng thời tái cấu trúc hệ thống phân phối và hoàn thiện quy trình đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Song hành cùng mục tiêu phát triển kinh doanh, Sabeco cũng tiếp tục đẩy mạnh những nỗ lực phát triển bền vững thông qua mô hình quan hệ hợp tác đối tác ba bên giữa Chính phủ, Doanh nghiệp và Các tổ chức xã hội. Công ty sẽ tiếp tục củng cố cam kết phát triển bền vững thông qua các sáng kiến chú trọng vào 4 mục tiêu.
ĐHĐCĐ 2022 của Sabeco đã thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu 34.791 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.581 tỷ đồng vào năm 2022, lần lượt tăng 32% và 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với kết quả kinh doanh 2021, doanh nghiệp sẽ chia cổ tức năm 2021 tỷ lệ 35% bằng tiền mặt, tương đương số tiền 2.244 tỷ đồng. Ngoài ra, HĐQT trình bổ sung lĩnh vực sản xuất điện gió, điện mặt trời và điện khác.
Cập nhật kết quả kinh doanh quý I, Sabeco đạt doanh thu 7.306 tỷ đồng, tăng 23,7%; lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 1.171 tỷ đồng, tăng 27,1%. Theo lãnh đạo Sabeco, kết quả này một phần nhờ tăng giá bán sản phẩm và có danh mục sản phẩm tối ưu hơn. Đồng thời, các biện pháp quản lý chi phí bắt đầu có hiệu quả hỗ trợ cho lợi nhuận.
Về việc tăng giá sản phẩm năm nay, lãnh đạo Sabeco cho biết có nhiều lý do để tăng giá sản phẩm như sự cạnh tranh, tăng giá nguyên liệu, danh mục sản phẩm cao cấp hơn.
Theo ông Neo, mặc dù bối cảnh kinh doanh năm 2022 đang dần tươi sáng, nhưng vẫn tồn tại những thách thức và biến động do bởi sự gia tăng của chi phí đầu vào. Theo đó, Sabeco sẽ duy trì sự cẩn trọng và tập trung vào các kết quả kinh doanh, cũng như nỗ lực mang đến những điều tốt đẹp nhất.
Có thể bạn quan tâm