SÁCH HAY CUỐI TUẦN: Hành trình sáng tạo của CJ – Những bài học từ ngành công nghiệp văn hóa Hàn Quốc

LỤC TIÊN 06/06/2020 06:28

CJ vốn là một công ty nông nghiệp, và lĩnh vực họ muốn gia nhập lại rất bất ngờ vào thời điểm đó: ngành điện ảnh.

Khoảng phần tư cuối Thế kỉ XX, nền kinh tế Hàn Quốc đã có chỗ đứng nhất định. Nhiều công ty lớn cũng bắt đầu nhảy vào các ngành nghề mới so với lĩnh vực truyền thống của mình. Trong số đó là CJ.

CJ vốn là một công ty nông nghiệp, và lĩnh vực họ muốn gia nhập lại rất bất ngờ vào thời điểm đó: ngành điện ảnh.

Như chúng ta đã biết, ngày nay, CJ là một trong những ông lớn ngành điện ảnh Hàn Quốc với chuỗi rạp CGV, và quá trình họ xây dựng mọi thứ từ con số 0 chắc chắn có rất nhiều điều để doanh nghiệp Việt có tham vọng học hỏi. Và quãng đường phát triển của CJ đã được kể lại trong quyển Hành trình sáng tạo của CJ.

Thập niên 1990, ở Hàn Quốc, các rạp chiếu phim vẫn là tụ điểm giải trí nhỏ lẻ và rời rạc. Có thể rất khó tưởng tượng, nhưng thực tế là lúc ấy, mỗi rạp chỉ là rạp nhỏ ít phòng chiếu, và chỉ chiếu xuyên suốt một hoặc một vài bộ phim.

Nói cách khác, nếu muốn xem phim A thì phải đến rạp A, nếu muốn xem phim B thì phải đến rạp B. Nhiều trường hợp, tuy gần nhà của bạn có rạp chiếu phim, nhưng để xem được bộ phim đang nóng sốt, có thể bạn phải di chuyển xuyên thành phố, đến đúng rạp cách nhà mình hàng chục cây số.

Sau khi xem phim, muốn đi thêm “tăng hai”, bạn lại phải di chuyển đến một địa điểm khác có các hoạt động vui chơi mà bạn cần.

Cũng vì vậy, số người đến rạp cũng không nhiều, và cũng vì vậy, các rạp chiếu phim cũng không được đầu tư thêm. Tình trạng con gà và quả trứng không hồi kết.

Trong tình hình đó, CJ—chủ sở hữu của CGV—quyết định áp dụng mô hình rạp Multiplex để thay đổi tình hình. Thay vì tiếp tục xây dựng những rạp chiếu phim nhỏ lẻ, CJ quyết định biến rạp thành một tụ điểm vui chơi giải trí tất-cả-trong-một.

Tại đây, rạp có nhiều màn chiếu, và có hầu hết các bộ phim. Thay vì suy nghĩ nên xem phim nào rồi mới bắt đầu di chuyển đến rạp, khách hàng hoàn toàn có thể di chuyển đến rạp CGV rồi mới bắt đầu suy nghĩ nên xem phim nào.

Sau khi xem phim, họ hoàn toàn có thể tiếp tục các hoạt động vui chơi khác ngay tại tòa nhà có rạp chiếu phim. Làm thay đổi hành vi khách hàng, CGV nhanh chóng làm thay đổi vị thế của mình trong ngành.

Trên đây là một câu chuyện điển hình trong số rất nhiều câu chuyện trong quá trình xây dựng và phát triển của CJ và CGV, từ buổi ban sơ cho đến khi trở thành ông trùm trong ngành. Các bài học trong quá trình này được phân chia thành 6 bài học lớn, với các ví dụ minh họa cụ thể, cũng như phân tích tham chiếu với Hollywood.

Tác giả của quyển sách, Ko Seong Yeon, cựu Tổng biên tập tạp chí Harvard Business Review Hàn Quốc, đã khéo léo pha trộn hiểu biết về nền văn hóa Hàn Quốc với khả năng phân tích của một chuyên gia HBR. Với ví dụ minh họa thân thuộc, cấu trúc phân tích chuẩn mực, tác giả đã làm lộ rõ nguyên nhân khiến CJ thành công như ngày hôm nay một cách vô cùng dễ hiểu và súc tích.

Với nguồn lực mạnh mẽ từ ngành kinh doanh ban đầu (với CJ là ngành nông nghiệp), CJ và các tập đoàn lớn của Hàn Quốc đã xây dựng nhiều ngành công nghiệp mới mạnh mẽ, tiêu biểu là văn hóa Hàn Quốc, thứ đã giúp họ thu về rất nhiều lợi nhuận. Trước hiện trạng nền kinh tế Việt Nam, với rất nhiều cơ hội lớn, các công ty Việt Nam hẳn có rất nhiều điều học hỏi từ họ nếu muốn tham gia xây dựng các ngành nghề mới.

Và để học hỏi, không gì hiệu quả nhanh chóng bằng nghiên cứu các bài học lịch sử của những người đã đi con đường đó, thông qua các quyển sách lịch sử công ty, được phân tích bởi những người có kiến thức về ngành. Hành trình sáng tạo của CJ, viết bởi Ko Seong Yeon, chính là một trong những quyển sách đáng đọc ấy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
SÁCH HAY CUỐI TUẦN: Hành trình sáng tạo của CJ – Những bài học từ ngành công nghiệp văn hóa Hàn Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO