SÁCH HAY CUỐI TUẦN: Ray Kroc đã tạo nên thương hiệu McDonald’s như thế nào?

LỤC TIÊN 25/07/2020 06:28

Kinh doanh dịch vụ ẩm thực (F&B – Food and beverage service) là một trong những ngành kinh doanh phổ biến và phát triển nhất tại Việt Nam.

Các chuỗi cửa hàng ẩm thực lớn trên thế giới, khi vào Việt Nam cũng phải kính nể đôi ba phần bởi sức cạnh tranh mãnh liệt của các nhà hàng và quán ăn địa phương. Tuy nhiên, sự phát triển F&B tại Việt Nam hiện vẫn còn đang mang tính chất manh mún, nhỏ lẻ, dù có một số chuỗi đã đi theo hướng chuyên nghiệp hóa.

Để đạt được trình độ như các chuỗi cửa hàng nước ngoài, chắc chắn ta phải hiểu họ đã làm như thế nào từ thuở sơ khai đến khi đã phát triển. Và để tìm hiểu, không một khởi đầu nào tốt hơn quyển hồi kí của người gắn liền với sự phát triển của ông trùm McDonald’s—doanh nhân Ray Kroc—trong quyển Ray Kroc đã tạo nên thương hiệu McDonald’s như thế nào?

Sau khi ổn định công thức nhờ quá trình cải tiến và chuẩn hóa của anh em nhà McDonald, chuỗi cửa hàng McDonald’s—dưới sự lãnh đạo của Ray Kroc—bắt đầu bành trướng sang các vùng lân cận. Cũng như tất cả những chuỗi cửa hàng ẩm thực hay bán lẻ khác, câu hỏi được đặt ra là nên mở cửa hàng ở những nơi nào, với tiêu chí như thế nào.

Để giải quyết vấn đề này, Ray Kroc cùng các cộng sự thường đánh giá dựa theo một tiêu chí đặc biệt: chỉ số buồn chán. Chỉ số buồn chán của một thị trấn cho thấy thị trấn ấy... buồn chán đến đâu: không nơi tụ tập vui chơi, không nhà hàng lớn, không trung tâm thương mại... Nhưng tại sao lại tìm các thị trấn có chỉ số buồn chán cao? Thị trấn buồn chán có lợi gì cho McDonald’s? Lí do là đây:

Thị trấn càng buồn chán, thì khi cửa hàng McDonald’s mới mở, nó sẽ trở thành trung tâm thu hút sự chú ý của tất cả mọi người trong thị trấn. Thay vì đặt ở các địa phương đông đúc đã có nhiều phương án giải trí, McDonald’s sẽ tiết kiệm được chi phí tranh đấu sự chú ý, đồng thời mỗi khi mở ra thì ngay lập tức trở thành người đứng đầu tại địa phương, chiếm trọn cả thị trường.

Tuy nhiên, chỉ bấy nhiêu đó là chưa đủ. Ẩn sâu bên dưới chỉ số buồn chán chính là một nước đi chiến lược độc đáo của McDonald’s: Thị trấn càng buồn chán thì càng xa xôi. Những nơi xa xôi giá đất thấp, và sẽ có xu hướng gia tăng theo thời gian, khi mà dân cư đông đúc hơn.

Và hãy đoán xem ai là người sở hữu mảnh đất đặt cửa hàng McDonald’s? Chính là họ. McDonald’s không thuê đất, mà mua hẳn rồi mới xây. Cửa hàng McDonald’s giúp tăng mức độ vui vẻ của địa phương, từ đó hưởng lợi nhờ giá đất tăng cao trong quá trình. McDonald’s kinh doanh F&B, nhưng làm giàu nhờ bất động sản! Chiến lược mảng kinh doanh phụ điển hình!

Cách tiếp cận vấn đề độc đáo, cùng chiến lược kinh doanh phối hợp, dùng tay trái đỡ tay phải, lấy mảng này hỗ trợ mảng kia, tất cả đã giúp McDonald’s tránh được rất nhiều khó khăn. Qua câu chuyện đời mình, Ray Kroc cũng lột tả được từng bước phát triển của tập đoàn McDonald’s, từ lúc chỉ là cửa hàng nhỏ ở miền Tây nước Mĩ cho đến khi thành một chuỗi khổng lồ.

Doanh nhân kinh doanh mảng ẩm thực, dù đang ở bất cứ quy mô nào, cũng có thể học hỏi được từ câu chuyện thực tế của ông. Với một chút tư duy và áp dụng linh hoạt vào thực tế Việt Nam, các chiến lược và tư duy kinh doanh của ông trùm Ray Kroc hoàn toàn có thể giúp bạn đưa chuỗi cửa hàng của mình đi theo con đường đúng đắn.

Kinh doanh dịch vụ ẩm thực là một ngành khắc nghiệt, nhưng đừng vì thế mà bỏ quên tầm nhìn bao quát, đừng vì những việc hằng ngày mà không thể thấy được điểm đến trong tương lai. Con đường của Ray Kroc là con đường mà doanh nhân F&B nào cũng phải đi qua, thế nên hãy dành ra một ít thời gian mỗi ngày để khám phá xem, Ray Kroc đã tạo nên thương hiệu McDonald’s như thế nào?

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
SÁCH HAY CUỐI TUẦN: Ray Kroc đã tạo nên thương hiệu McDonald’s như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO